.

Yêu thương đẩy lùi bệnh tật

.

“Ngoài trách nhiệm Nhà nước giao, thì việc chăm sóc người bệnh còn mang cái tâm của con người đối với con người, mang bầu nhiệt huyết trong tim giúp người bệnh thay đổi cuộc sống, vén bức màn bí ẩn của một thế giới u u, mê mê để giúp họ hòa nhập cộng đồng”.

Chị Đoàn Thị Lệ Thi trong giờ phát cơm, phục vụ bệnh nhân.
Chị Đoàn Thị Lệ Thi trong giờ phát cơm, phục vụ bệnh nhân.

Tôi nghĩ mãi đến điều mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Điều dưỡng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm), người có gần 20 năm phục vụ bệnh nhân (BN) tâm thần chia sẻ khi nói về công việc của những người giúp BN từ ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân đến trò chuyện, vượt qua khủng hoảng tâm lý, thế giới hoang tưởng và trở về với đời thực.

Tình yêu không phải là cho đi hay nhận lại

Ban đầu anh Tuấn về đây làm việc vì không có sự lựa chọn, nhưng làm rồi thì yêu nghề lúc nào chẳng hay. Anh được đi học ngành điều dưỡng, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn phục hồi chức năng, chăm sóc BN. Anh cho rằng, nhiều người khởi bệnh, gia đình cho dùng thuốc nam, thuốc bắc, mời cả thầy cúng. Đến khi kinh tế rơi vào khó khăn, thì chính người thân muốn giao BN tâm thần cho xã hội, có người gần như bị bỏ rơi, đẩy BN vào được bệnh viện hay Trung tâm là xong phần trách nhiệm.

Vào đây, BN được nuôi dưỡng về mặt thể chất, tâm thần, người bệnh đau thì điều dưỡng, hộ lý cũng phải theo vào các bệnh viện để chăm sóc, nhưng người nhà thì tuyệt nhiên vắng bóng. Khi mắc bệnh tâm thần, con người không mất hết. Có người mất hết tư duy, cảm xúc; nhưng có rất nhiều người biết giận hờn, yêu thương, muốn lành bệnh để trở về với gia đình. Thì không cớ gì mà những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý lại tước đi niềm hy vọng nhỏ nhoi đó.

Họ chìa bàn tay ra nâng đỡ người bệnh, yêu thương hết lòng vì ngoảnh đi ngoảnh lại cũng có mấy ai có người thân lui tới thường xuyên. Vừa qua, Trung tâm quyết định mời người thân BN đến, với hy vọng họ phối hợp với Trung tâm trong việc chăm sóc, chia sẻ về mặt trách nhiệm, ít nhất là trong quá trình BN mắc bệnh, phải chuyển sang các bệnh viện đa khoa chữa bệnh.

Thế nhưng, theo anh Anh Tuấn, thì chỉ có hơn 10% gia đình BN đồng ý phối hợp với Trung tâm. 10% trên tổng số 339 gia đình, con số này quá ít. Nên mọi tình yêu thương mà người bệnh nhận được từ điều dưỡng, hộ lý sẽ là đầy ắp trong tâm hồn BN, nếu như họ cảm nhận hết được.

Chị Đoàn Thị Lệ Thi, hộ lý, có 11 năm kinh nghiệm chăm sóc ở Trung tâm, kể “chị bị BN đánh hoài. Có người biểu hiện qua ánh mắt mình còn phát hiện ra, chứ người nào bột phát thì phải chịu”. Khi bị BN đánh, không thể đánh lại, hay nói phải trái là họ hiểu, mà chỉ có thể tìm cách thoát ra, có bác sĩ và điều dưỡng khống chế, cho BN dùng thuốc để ổn định.

Rồi sau đó chị Thi vẫn quay lại chăm sóc, hỏi han người bệnh. Có lẽ cụm từ “giận hờn, không nói chuyện” không có nghĩa khi làm việc ở đây. Nhiệm vụ của chị Thi là phối hợp chăm sóc 75 BN, trong đó chỉ có khoảng 10 người tự phục vụ mình mọi việc, còn lại chị và các anh chị đồng nghiệp chăm sóc, dỗ dành từ chuyện nhắc nhở BN ăn cho hết khẩu phần, uống nước, đánh răng, giám sát việc uống thuốc và tập cho người bệnh tự chăm sóc mình, mong họ sau này trở về với gia đình có thể hòa nhập dễ dàng.

Một trong những nhân viên điều dưỡng trẻ, mới nhất của Trung tâm là chị Nguyễn Thị Khánh Ly. Ly mới vào làm hơn 1 năm, bảo “BN họ tội lắm, ai cũng chào hỏi rất tình cảm”. Khi Ly mới vào làm, cũng sợ sệt, lo lắng bất an, nhưng rồi theo sát BN trong giờ ăn cơm, uống thuốc, để tâm trò chuyện với từng người. Sự gần gũi, thân thuộc này khiến cô điều dưỡng trẻ ngoài nhiệm vụ thì lòng tràn ngập tình thương và sự bao dung. Và hơn ở nơi nào hết, với những người bị khuyết tật về trí tuệ, thì tình yêu thương là liều thuốc tốt nhất để hiểu, để yêu và cảm thông.

Hiểu về một thế giới khác

Nhìn cuốn sổ gồm 99 câu chuyện của anh Võ Hữu Nghị (điều dưỡng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), mới thấy anh quan tâm đến BN cỡ nào. Chỉ có thể theo sát BN, để ý từng câu nói, hành động của họ, mới có thể viết hết những câu chuyện ấy ra. Những câu chuyện của người bệnh tâm thần anh Hữu Nghị ghi lại từ năm 1996, có thể in thành sách như là một kỷ niệm, và cũng là những tiến triển bệnh của người chưa và đã khỏi bệnh. Nhưng anh xem cuốn sổ của mình là kỷ vật của nghề, gắn với 33 năm anh chăm sóc BN. Anh là một trong những nhân viên lâu năm nhất của bệnh viện.

Từ chiến trường Campuchia trở về, anh quân y Hữu Nghị được phân về bệnh viện này. Hồi còn trẻ anh làm ở các khoa Nam, rồi khoa Nữ, ở đây có nhiều BN bị kích động, anh có thể giữ được họ. Chuyện thỉnh thoảng bị BN tấn công bất ngờ, bị đánh sưng mặt mũi là chuyện thường.

Anh còn chứng kiến nhiều BN bị trầm cảm đã tự sát, hay BN trốn viện, anh đi tìm thì BN nữ cởi hết đồ ra, lu loa là bị anh cưỡng hiếp, may mà bộ đồng phục y tế trên người cứu anh thoát khỏi những trận đòn của người đi đường. Nhiều năm trở lại đây, thuốc dành cho BN thuộc thế hệ mới, ít có tác dụng phụ nên việc chăm sóc người bệnh cũng đỡ vất vả hơn trước.

Chỉ BN mới vào các anh mới phải phục vụ nhiều như đút cơm, tắm rửa, đánh răng, lâu dần thì hướng dẫn người bệnh tự làm. Anh bảo điều hạnh phúc nhất trong hơn 30 năm làm nghề của mình là được nhiều BN đã khỏi bệnh, gặp lại họ vẫn nhớ tên anh, có người còn cảm ơn anh đã chăm sóc khi họ không biết gì, dù có bị đánh, bị cào xước mặt mũi.

Ở khoa Nữ của bệnh viện, anh cựu quân y Nguyễn Văn Tình cũng là “điều dưỡng cụ” như anh Hữu Nghị, với 30 năm trong nghề. Anh Tình bảo rằng, vì BN thì mình không ngại ngùng gì hết, nghĩ họ cũng như người thân của mình. Một điều dưỡng phục vụ 5-10 BN, lo từng tí từ ăn uống, cắt móng tay…; trong ca trực phải giám sát thường xuyên tránh trường hợp BN trầm cảm có ý định tự sát. 3 năm nay bệnh viện lắp camera giám sát nên việc theo dõi BN của điều dưỡng cũng đỡ căng thẳng hơn trước.

Trước đây có BN tự sát, anh Tình bị sốc, cứ nghĩ mình chăm sóc không kỹ, không phát hiện ra ý nghĩ của họ. Dần dần anh hiểu ra, thấy BN có biểu hiện khác là phải báo với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc. Ngoài ra, công việc độc lập của điều dưỡng là phải tìm hiểu kỹ từng BN, trò chuyện thường xuyên, vừa điều trị vừa hướng dẫn người bệnh làm các việc nhẹ nhàng, chơi các trò chơi tập thể để sau này dễ hòa nhập với gia đình.

Trong khi gia đình, xã hội coi BN tâm thần là người điên, thì ở đây, họ được chăm sóc, trân trọng, là khi cơn mê bị đẩy lùi thì trong tâm trí luôn hiện hữu tình yêu thương của những người không cùng máu mủ. Sự cho đi của những người làm công tác chăm sóc BN tâm thần không mong được nhận lại, nhưng với các anh chị đó là tình người.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.