.

Cùng bước trên một con đường

.

Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng hiện có 30 bác sĩ. Họ đến với bệnh viện bằng nhiều cơ duyên khác nhau, có người tình nguyện, có người do sắp xếp, phân công.

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân thăm khám một bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần.Ảnh: M.T
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân thăm khám một bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần.Ảnh: M.T

Tuy nhiên, điểm chung của các bác sĩ nơi đây là sau nhiều năm làm việc, họ vẫn chọn ở lại với công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đồng hành với bệnh nhân bằng tất cả tình thương, trách nhiệm của người khoác lên mình blouse trắng.

Đến thăm Khoa Tâm thần trẻ em, giữa tiếng la hét, chạy nhảy, trêu đùa của hơn 40 bệnh nhi là tiếng khóc ngằn ngặt của một em nhỏ. Các phụ huynh đã thay phiên nhau dỗ, chơi đùa nhưng không ai có thể khiến em bé nín khóc. Tiếng khóc liên tục của em khiến người mẹ trẻ vừa xót xa vì thương con, vừa lúng túng, ngượng nghịu bởi chị hiểu, tiếng khóc của con mình đang khiến các em nhỏ khác muốn… khóc theo, phòng khám càng trở nên mất trật tự.

Mọi việc chỉ thay đổi khi một bác sĩ đến và cất tiếng hát da diết: “… À ơi…”. Em gái nhỏ im lặng dần theo tiếng hát và chìm vào giấc ngủ ngay trên tay bác sĩ khi bài hát kết thúc. Trao lại em cho người mẹ bên cạnh, không một lời nói, không cả tiếng cảm ơn, bác sĩ và nhiều phụ huynh trong phòng khám hôm ấy chỉ trao nhau nụ cười và ánh mắt ngấn nước. Bác sĩ hiểu tâm lý của trẻ nhỏ, bác sĩ hát không phải với vai trò của người khám chữa bệnh mà hát như một phản ứng tự nhiên, như mẹ dành cho con, hát như một sự thông cảm với nỗi đau của người mẹ trẻ có con mang bệnh…

Mỗi sáng, bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em lại tiến hành thăm khám các bệnh nhân nhi nội trú. Sau khi khám, các em nhỏ lại chuồi khỏi vòng tay mẹ để nắm lấy vạt áo “mẹ Vân”, hào hứng cùng sang phòng khác khám bệnh. Cứ như thế, các em nhỏ cứ nối đuôi nhau làm thành một hàng dài rồng rắn đi theo bác sĩ cho đến khi “mẹ Vân” mang trả lại từng em khi đến giờ ăn cơm, uống thuốc.

Mỉm cười nhìn những cây nấm lẫm chẫm đi theo mình, lưu luyến vẫy tay tạm biệt, bác sĩ Vân nói: “Nhắc đến BVTT nhiều người nghĩ ngay đến một nơi u ám và điên loạn. Thậm chí, nhiều bác sĩ đa khoa cũng có suy nghĩ tiêu cực về bệnh viện, nơi có kinh tế không ổn định, công việc áp lực đến mức tưởng chừng bệnh tâm thần có thể lây từ người bệnh sang bác sĩ. Tuy nhiên, niềm vui, nỗi buồn trong công việc phụ thuộc vào thái độ, lăng kính mình nhìn công việc. Nếu chỉ nhớ những khoảnh khắc bệnh nhi bất thần đạp vào mặt hay cắn vào tay mình trong lúc khám bệnh thì có lẽ, đây đúng là công việc đáng sợ.

Tuy nhiên, các bác sĩ khoa Tâm thần trẻ em lại chọn cách mở lòng ra với bệnh nhi, phụ huynh, sẵn sàng chia sẻ, thấu hiểu. Nhờ đó mà tự tạo cho mình một thế giới dễ sống hơn, đáng yêu hơn. Nếu chúng ta trân trọng và sống hết mình, không để thời gian trôi qua một cách lãng phí, thì đó là nghề nghiệp đẹp nhất của cuộc đời”.

Với hầu hết các bác sĩ tại BVTT, thì những bệnh nhân, dẫu có lớn tuổi bao nhiêu đi chăng nữa thì họ vẫn cứ hồn nhiên và thật thà tựa trẻ em. Người tâm thần luôn nhạy cảm về mặt cảm xúc. Họ biết cảm nhận và hiểu tình thương thật sự dành cho mình. Vì lý do này mà hầu hết các bệnh nhân bị gia đình xa lánh, bỏ rơi đều tỏ thái độ hằn học, đay nghiến dành cho những thành viên máu mủ nhưng lại rất quấn quýt, ôn hòa với bác sĩ.

Nhắc lại ngày đầu tiên đi làm tại BVTT cách đây 20 năm, bác sĩ Lê Thị Thu Nga, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vẫn nhớ mãi cảm giác tủi thân, chán nản khi nhìn qua thanh cửa sắt là những ánh mắt vô hồn, lạnh lẽo, khuôn mặt không cảm xúc của bệnh nhân đang bước đi lang thang, vô định dọc hành lang. Bệnh nhân đầu tiên mà chị tiếp xúc đến từ Lâm Đồng, là người đã mang bệnh suốt 30 năm nhưng chưa từng được thăm khám và bị gia đình nhốt cách ly trong suốt thời gian dài.

Nhìn nỗi sợ trong ánh mắt người bệnh, nhìn cổ tay méo mó, rỉ máu vì bị xích, bác sĩ Nga nhận ra, khi chính người nhà đã xa lánh, ruồng bỏ, nếu đến cả thầy thuốc cũng quay lưng thì bệnh nhân sẽ sống ra sao? Vì suy nghĩ này, bác sĩ Nga đã đồng hành với bệnh nhân trong suốt quá trình chữa bệnh và nhận lại phần thưởng vô giá là sự thuyên giảm bệnh rõ rệt từ phía người bệnh. Từ chỗ chỉ đập phá, tách biệt, bệnh nhân đã biết vệ sinh cá nhân, biết ăn đúng bữa, ngủ đúng giấc và thể hiện thái độ vui mừng khi được bác sĩ hỏi thăm, trò chuyện. Sau 15 năm xuất viện, bệnh nhân đó tái phát, nhập viện trong trạng thái lơ ngơ, quên quên nhớ nhớ, ký ức như màn sương mờ vắt qua mắt thế nhưng vẫn nhận ngay ra bác sĩ Nga và òa khóc.

“Chính ký ức, kỷ niệm và tình cảm của bệnh nhân đầu tiên này đã tiếp cho tôi sức mạnh, sự yêu nghề để bắt đầu một ngày làm việc mới”, bác sĩ Nga nói. Trong câu chuyện kể về các bệnh nhân của mình, không ít lần bác sĩ nghẹn lời, cố gắng kiềm chế cảm xúc bên trong.

Tại BVTT, phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất không nằm ở hệ thống máy móc hiện đại, không ở những viên thuốc nhiều màu, thậm chí không nằm quá nhiều ở trình độ chuyên môn của bác sĩ mà ở khả năng giao tiếp của bác sĩ và bệnh nhân. Người thầy thuốc nơi đây chỉ thành công khi bệnh nhân tự nguyện thổ lộ tâm tư – điều chỉ có thể đạt được khi bác sĩ thực sự trở thành bạn, cùng trò chuyện, lắng nghe, cùng chia sẻ với người bệnh.

Bác sĩ Đỗ Vân Thanh Luân, Trưởng khoa Cấp tính nữ đã khẳng định công việc tại BVTT là tình yêu sau hôn nhân của mình và nếu thời gian có quay lại, ông sẽ vẫn là 1 trong 6 bác sĩ ít ỏi về làm việc tại BVTT – nơi được hoán đổi từ cơ sở nhi đồng cũ kỹ và xuống cấp của Mỹ ngày ấy. Bản thân có không ít cơ hội để chuyển sang những lĩnh vực khác, thu nhập cao hơn, nhưng ông vẫn bằng lòng gắn bó với bệnh viện từ những ngày toàn bệnh viện chỉ có duy nhất một chiếc kính hiển vi để xét nghiệm.

Ông ý thức rất rõ rằng, nếu đủ khả năng để biểu lộ cảm xúc, đủ vị tha để quên đi những tổn thương bệnh nhân mang lại cho mình trong lúc không tỉnh táo, đủ bao dung để vui mừng với những chuyển biến rất nhỏ trong tâm lý người bệnh, đủ tình cảm để hiểu rằng, dẫu có khiếm khuyết về mặt tâm thần, mỗi người đều xứng đáng được hạnh phúc thì bác sĩ sẽ tận hưởng được cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản trong công việc.

“Điều đẹp nhất trong cuộc sống là biết cảm thông với nỗi đau của người khác. Chúng tôi hãnh diện vì nghề nghiệp của mình có thể tạo nên điều tốt đẹp đó và vì thế quyết tâm theo đuổi đến cùng. BVTT sẽ là nơi chúng tôi đặt trọn tình yêu nghề nên dù thất bại hay thành công, dù chịu sự miệt thị hay tôn vinh, chúng tôi cũng sẽ không nản lòng”, bác sĩ Luân chia sẻ.

Mọi ồn ào, xô bồ của cuộc sống dường như rơi lại sau cánh cổng của BVTT. Nơi đây, dường như thời gian trôi chậm hơn một nhịp. Nơi các bác sĩ gắn bó với công việc nặng nhọc, lương bổng ít. Nơi bác sĩ chữa trị bằng tấm lòng rộng lượng, bằng những hành động đơn giản nhưng thể hiện sâu sắc thái độ cảm thông với những người ngô nghê nhất. Nơi bác sĩ tận tình, tâm huyết để “kéo” những mảnh đời bất hạnh này về với thực tại. Nơi người bệnh được trò chuyện, lắng nghe và được an ủi. Nơi tất cả cùng song hành để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn, những phút đau đớn của bệnh tật. Nơi giúp tôi tin vào nụ cười và niềm vui sống mà các bác sĩ, bệnh nhân nơi đây đang chia sẻ cùng nhau.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.