.

Cải tiến việc tiếp dân

.

Nếu như trước đây, việc giải quyết các thủ tục hành chính còn rườm rà, mất thời gian đi lại của người dân, thì giờ đây, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp, đồng thời tạo không khí thân thiện giữa người dân và công chức.

Người dân nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ, công chức. TRONG ẢNH: Tiếp dân tại UBND xã Hòa Phước.Ảnh: Q.T
Người dân nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ, công chức. TRONG ẢNH: Tiếp dân tại UBND xã Hòa Phước. Ảnh: Q.T

 Thay đổi từ những việc nhỏ

7 giờ 30 mới đến giờ làm việc, nhưng khi đồng hồ điểm 7 giờ,  nhiều cán bộ, công chức tại UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã có mặt tại trụ sở. Người lau bàn, người quét phòng, nấu nước, pha trà… mỗi người một tay cùng làm vệ sinh giúp quang cảnh của trụ sở làm việc sạch sẽ, khang trang, sẵn sàng chào đón người dân đến giải quyết công việc. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Lê Thành Trung cũng đang tự tay nấu nước sôi “để dân đến liên hệ công việc có ấm trà nóng uống”.

6 giờ 45 sáng, bà Nguyễn Thị Sương (thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước) đã có mặt tại UBND xã để chứng thực hộ khẩu cho con đi học đại học. Bà quệt mồ hôi, thở phào nhẹ nhõm khi thấy phòng tiếp dân đã mở cửa. Một chị cán bộ, dù không phải phụ trách công việc mà bà cần  giải quyết vẫn nhẹ nhàng niềm nở chào hỏi và mời bà ngồi ghế, uống nước, trò chuyện. Chỉ vài phút sau, anh cán bộ phụ trách lĩnh vực tư pháp-hộ tịch đến, nhanh chóng giúp bà hoàn tất giấy tờ của mình. Chỉ vài chục phút, bước ra khỏi phòng tiếp dân, bà Sương đầy vẻ hài lòng: “Tui cứ tưởng phải mất cả buổi sáng mới làm xong đó chớ. Bữa ni UBND xã làm nhanh thiệt, tụi tui nông dân chỉ tranh thủ được lúc sáng sớm “ngơi” việc mới có thể đi làm mấy cái giấy tờ ni được, giờ thì kịp đạp xe về, tiếp tục công việc đồng áng còn dang dở”.

Việc áp dụng mô hình một cửa điện tử tại UBND các xã, phường là một trong những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của TP. Đà Nẵng năm 2011-2012. Từ ngày áp dụng mô hình này, các công việc hành chính đi vào tự động hóa, thái độ phục vụ người dân của công chức bắt buộc phải thay đổi, dần hình thành văn hóa giao tiếp, xây dựng diện mạo mới của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã, phường, tạo không khí thân thiện giữa người dân và công chức so với trước đây.

Để nâng cao chất lượng tiếp dân, UBND xã Hòa Phước đã xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để có nơi làm việc hiện đại, văn minh, thân thiện, tạo ra nhận thức đúng về chính quyền phục vụ nhân dân. Từ nhà để xe của dân có mái che, đến nhà vệ sinh sạch sẽ, hàng ghế ngồi riêng biệt…; tất cả tạo nên bộ mặt công sở khang trang hơn. Trong phòng tiếp dân của xã được trang bị thêm tủ sách (chủ yếu là sách phổ biến pháp luật) để người dân tranh thủ tiếp cận khi ngồi chờ đến lượt giao dịch.
Anh Đặng Ngọc Hà, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cho biết: “Bộ phận một cửa điện tử thường xuyên tiếp xúc với dân nên được quán triệt tiếp đón công dân niềm nở. Trang phục tiếp dân phải lịch sự, nụ cười thường trực trên môi. Sắp tới, bộ phận này sẽ được ưu tiên đầu tư  đồng phục riêng”.

Ở trụ sở UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), trước cửa phòng tiếp dân, bàn hướng dẫn được đặt ngay ngắn, luôn có người sẵn sàng hỗ trợ bà con đến liên hệ công việc. Vào ngày thứ ba của tuần, các cán bộ ở bộ phận một cửa điện tử mặc đồng phục áo sơ-mi xanh, quần âu lịch sự. Ông Trần Văn Sinh, Trưởng bộ phận một cửa UBND phường Khuê Mỹ cho biết, hơn 10 năm làm việc ở phường, chưa bao giờ vấn đề trang phục, thái độ giao tiếp với người dân lại được làm quyết liệt như hiện nay. Cán bộ ở bộ phận này được ưu tiên về đồng phục so với nhân viên khác nhưng đồng thời, “nhất cử nhất động” đều được theo dõi qua camera. Nếu cán bộ có bất cứ hành vi, lời nói nào nhũng nhiễu, hách dịch với dân đều bị xử lý triệt để. Trái lại, nếu như trước đây, người dân có việc đến UBND xã, phường thường “tiện gì mặc nấy” thì giờ đây, tuyệt đối không được mặc quần cộc đến cơ quan. Nếu người dân vi phạm lần đầu, các cán bộ sẽ nhắc nhở, lần thứ hai sẽ mời về. Chỉ một động thái nhỏ như vậy nhưng đã góp phần tạo nên bộ mặt công sở văn minh, hiện đại hơn.

Thay đổi để phục vụ tốt hơn

Không chỉ thay đổi ở bề ngoài, điều cốt lõi khi người dân đến UBND xã, phường là giải quyết hồ sơ, chứng thực giấy tờ… cũng đồng loạt đổi khác khi “nhanh gọn, rốt ráo, đúng hẹn” trở thành tiêu chí chấm điểm công chức.

Nếu như trước đây, việc giải quyết các thủ tục hành chính còn rườm rà, mất thời gian đi lại của người dân do mọi thủ tục đều làm thủ công và chưa có sự nhất quán giữa các cấp thì giờ đây, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp.

Chị Lê Thị Thu (đội 12, thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước) đến UBND xã làm giấy tờ cho con đi học mẫu giáo, cho hay: “Tụi tui là nông dân, mấy kỳ viết đơn là sai lên sai xuống, phải sửa lại nhiều lần rất cực. Kỳ rày lên đây cán bộ hướng dẫn mà mình viết không được là cán bộ viết giùm luôn. Như lần rồi tui lên đây làm giấy khai sinh cho con, đến ngày hẹn lên lấy giấy là con tui được nhập khẩu và nhận luôn bảo hiểm. Chỉ đi 2 lần mà được 3 công chuyện”.

Không như ở các phường trung tâm thành phố, người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang phải đi khá xa để đến UBND các xã liên hệ công việc. Hiểu được nỗi vất vả của người dân, các cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa luôn hướng dẫn dễ hiểu nhất có thể để hạn chế sự đi lại của người dân. Ngay cả các Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã nhiều hôm đã hết giờ làm việc, rời khỏi trụ sở, nhưng bất cứ có yêu cầu gì về công việc, là sẵn sàng quay lại giải quyết. “Người dân ở xã đa phần làm nông, họ tranh thủ lúc rảnh việc đến UBND xã ký giấy tờ, nên nếu không bận việc gấp thì dù xe đã về tới nhà, chúng tôi cũng quay lại để giải quyết dứt điểm trong một buổi để họ đỡ tốn công đi tới đi lui”, ông Lê Thành Trung chia sẻ.

Nếu như ở nông thôn, người dân đến UBND xã đa phần là chứng thực giấy tờ (lĩnh vực tư pháp-hộ tịch) thì ở các phường trung tâm thành phố, lĩnh vực đón tiếp dân đông nhất là lĩnh vực đất đai. Như ở UBND phường Khuê Mỹ, hằng ngày tiếp đón trung bình 60 lượt dân đến giao dịch thì gần 20 người đến liên hệ bộ phận đất đai. Vừa bước ra khỏi phòng tiếp dân của UBND phường Khuê Mỹ, chị Trần Thị Anh (tổ 6, phường An Hải Đông nhưng đang xây nhà ở khu Nam Việt Á, thuộc phường Khuê Mỹ) bày tỏ: “Vì đang chuyển nhà lên đây nên tôi phải làm rất nhiều hồ sơ, giấy tờ. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý là phải đi lại nhiều lần vì thủ tục hành chính khá rắc rối. Thế nhưng, đến đây lần đầu, tôi được hướng dẫn phải chuẩn bị những gì, tôi ghi chép lại cụ thể. Lần hai, tôi mang đầy đủ giấy tờ đến, sau đó để lại số điện thoại, khi nào xong cán bộ phường điện thoại tôi đến lấy. Rất gọn nhẹ và dễ dàng”.

Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho biết, chuyển biến tích cực nhất trong công tác cải cách hành chính ở Đà Nẵng là từ khi có Chỉ thị 29-CT/TU và Chỉ thị 43, bộ phận một cửa điện tử phải chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp xúc với nhân dân, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân. Công chức nào vi phạm phải chịu trách nhiệm cụ thể. UBND phường Hải Châu 1 đưa việc này vào thi đua khen thưởng, xếp loại A, B vào cuối năm thông qua kết quả đánh giá mức độ hài lòng về công chức của người dân tại hòm thư góp ý và đánh giá qua máy tính.

Ngoài bộ phận một cửa thường trực tiếp dân, tại tất cả các UBND xã, phường trên địa bàn thành phố đều dành riêng một ngày cố định trong tuần để lãnh đạo UBND tiếp xúc trực tiếp với những người dân để giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.