.

Bản hợp đồng đi biển

.

Giữa ngư dân và người cung cấp đá, dầu, nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi có một bản hợp đồng đặc biệt. Bản hợp đồng không có giá trị pháp lý, không có chữ ký, không cần bất kỳ sự cam kết, đặt cọc hay thế chấp nào nhưng vẫn được các bên tôn trọng, tuân thủ. Bản hợp đồng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với nhọc nhằn của ngư dân nơi đầu sóng.

Công nhân xưởng đá Văn Thông đang vận chuyển đá xuống tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới của ngư dân. Ảnh: M.T
Công nhân xưởng đá Văn Thông đang vận chuyển đá xuống tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới của ngư dân. Ảnh: M.T

Đá lạnh, tình ấm

Trong số những người ra đón tàu QNg 97033 khi cập cảng, bên cạnh đầu nậu tiêu thụ cá và người thân trong gia đình, luôn luôn có ông Nguyễn Văn Thông, chủ doanh nghiệp sản xuất nước đá Văn Thông (thuộc Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang). Chỉ cần nhìn gương mặt chủ tàu Trần Quang Kiên, ông Thông hiểu chuyến biển nhiều ngày qua của bạn mình đã thất bại hay cá về đầy khoang. Để rồi ở chuyến biển tiếp theo, không đề cập gì đến chuyện tiền nong, ông vừa chuyển 1.000 cây đá (trị giá 14 triệu đồng) xuống tàu, vừa vui vẻ trò chuyện với mong muốn lần ra khơi này, bạn sẽ thành công.

Đây là cách làm của ông Thông dành cho khoảng 80 chủ tàu thân thuộc của mình. Suốt 28 năm nay, ông Thông sản xuất đá, đẩy từng cây đá gọn gàng xuống tận tàu, đưa vào máy xay nhỏ trước khi chuyển vào khoang trữ cá và chỉ nhận tiền lúc bạn hàng đã sẵn sàng thanh toán. Với những bạn hàng đánh bắt ở các ngư trường xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng… một năm, thậm chí vài năm mới cập bến cá Thọ Quang một lần, ông vẫn vui vẻ với cách làm “gối đầu” của mình.

Dẫu việc mua, bán đều được thực hiện bằng lời nói, không một ràng buộc pháp lý nào nhưng trong suốt 28 năm làm nghề, ông Thông chưa lần nào bị chủ tàu từ chối trả tiền. Dẫu bạn hàng của ông đánh bắt trên nhiều ngư trường xa, dẫu có vô vàn cơ sở sản xuất đá, nhưng khi dừng chân ở Đà Nẵng, họ đều đến xưởng của ông nhận đá và thanh toán đầy đủ cho khoản tiền lần trước.

Con số gần 5 tỷ đồng tiền lỗ ông gánh suốt những năm qua có nguyên nhân từ cơn bão Cecil năm 1989 và Xangsane năm 2006. Lắng nghe câu chuyện từ những người may mắn quay về, nghe “tiếng khóc than cuối xóm, tiếng kèn đưa tang đầu xóm”, chứng kiến nỗi đau mất chồng, mất cha, ông Thông và các chủ xưởng đá khác đã tự nguyện quên đi khoản tiền các ngư dân đang giữ của mình.

“Tôi mãi ám ảnh với hình ảnh bạn mình giữa biển khơi thăm thẳm, giữa những cơn gió mạnh, sóng cuồn cuộn nước vồ lấy tàu thuyền. Ngư dân vươn khơi như đánh bạc với số phận, với khả năng sẽ mất hút giữa tiếng sóng, tiếng gió và bóng tối gào thét. Thế nhưng, trong “canh bạc” đó, họ đã tạo ra công việc và thu nhập cho nhiều người trên đất liền, trong đó có tôi. Vì vậy, bằng sự hỗ trợ trong khả năng của mình, tôi và chủ các xưởng đá khác muốn các ngư dân hãy yên lòng vươn khơi bởi họ không cô độc giữa biển”.

Muôn kiểu sổ nợ

Lần giở sổ ghi chép dày hơn quyển từ điển của mình, ông Trần Hữu Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Duy Thịnh, 22 năm bán dầu cho ngư dân) cho biết, nhiều khách hàng thân quen của ông mua dầu không còn theo kiểu gối đầu mà đã… gối lưng, gối chân bởi nhiều lần ra khơi nhưng vẫn chưa thanh toán được tiền dầu. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, khi ngư dân đưa tàu ra ngư trường Hoàng Sa và bị tàu Trung Quốc (TQ) rượt, đuổi cho đến khi cạn dầu, phải quay về trong khi chưa đánh bắt được con cá nào.

Đã 3 lần gối đầu tiền dầu vì gặp rủi ro như thế, chủ tàu QNg 94435 Nguyễn Văn Ty an ủi ông Hồng rằng sẽ bán tàu để trả tiền dầu nếu chuyến đi biển lần này không thành công. Không giống như tiền đá, mỗi chuyến vươn khơi nhiều lắm cũng chỉ 20 đến 30 triệu đồng, tiền dầu ngốn đến 200 đến 300 triệu đồng, vì vậy, ông Hồng không thể “quên” đi khoản nợ của ngư dân như cách các chủ xưởng đá vẫn làm. Tuy nhiên, cách cho gối đầu và đón đoàn tàu trở về của ông vẫn vậy.

Ông chọn cách im lặng trước những khoang tàu trơ khấc. Ông chia sẻ với nỗi khiếp sợ của các ngư dân khi nghe kể về những con sóng đưa tàu vút lên cao rồi lại hẫng xuống, xoay mòng mòng như chiếc lá giữa dòng nước xoáy. Ông đồng cảm với sự bực tức, phẫn nộ của ngư dân khi phải bỏ chạy trên ngư trường của chính mình trước tàu TQ.

“Ngư dân đã tình nguyện làm “cột mốc sống” để khẳng định chủ quyền trên biển của đất nước thì việc giúp đỡ, hỗ trợ cho họ vơi bớt những nhọc nhằn là điều phải làm. Tuy nhiên, khi bị TQ tấn công chèn ép, cản trở, đe dọa, khi gặp rủi ro trên biển, nếu sống sót thì ngư dân cũng trở thành con nợ. Sự hỗ trợ của những người cung cấp dầu như chúng tôi chỉ có thể dừng lại ở cách khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian đến khi ngư dân làm ăn ổn định”, ông Hồng nói.

“Sổ nợ” của các tiểu thương bán nhu yếu phẩm ngay tại cảng cá Thọ Quang là vỏ cây thuốc lá. Chủ tàu chỉ cần đọc tất cả những mặt hàng, số lượng mình cần dùng cho lần vươn khơi tiếp theo, các chị, các bà sẽ ghi thật nhanh vào vỏ cây thuốc lá đã được cắt vuông vức. Từ gạo, mắm muối, nước lọc đóng thùng hay sang hơn là bò húc, bia cho đến quần áo, khăn, giày dép… sẽ được các tiểu thương ghi chép và vận chuyển ra tàu theo đúng yêu cầu của ngư dân.

Gần cuối tấm bìa thuốc lá, các chị gạch ngang một đường để ghi tổng số tiền hàng hóa cùng tên chủ và số tàu bên cạnh. Miếng bìa chi chít con số này được các chị xếp chồng vào nhau đợi ngư dân đó quay lại để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo và bị xé bỏ khi ngư dân đã thanh toán. Buôn bán bận rộn nơi cửa chợ, các tiểu thương không có điều kiện ra đón tàu cập bến như ông Thông, ông Hồng, tuy nhiên, họ vẫn chọn cách thanh toán "gối đầu" để chia sẻ sự nhọc nhằn với người đi biển. Dẫu vẫn biết rằng, tàu ra bắc, vào nam, nhiều tháng, có khi cả năm mới quay lại.

Bà Kim Luyến (người có “thâm niên” 40 năm bán rau, củ, quả cho ngư dân) nổi tiếng trong khu chợ tại cảng cá Thọ Quang bởi có những bạn hàng đã đi đến 2, 3 năm, đi đến khi bà quên cả món nợ lẫn con nợ, thì họ bất ngờ tìm về thanh toán và gửi kèm chút tiền “lãi” như lời cảm ơn bà đã cho “vay” gối đầu ngày trước. Giờ đây, đã lớn tuổi, bà không còn sức để vận chuyển thực phẩm vào chợ hay ra tàu cho các ngư dân, bà chuyển lại sạp hàng cho con mình. Thế nhưng, ngày ngày bà vẫn có mặt tại chợ để cười, nói, thăm hỏi các ngư dân, để thẳng tay bỏ đi những quả cà chua, những bó cải dập bởi: “Chỉ một quả cà chua dập, chảy nước sẽ khiến tất cả những thực phẩm đặt cạnh hư hỏng theo. Tôi phải cẩn thận chọn lọc để các ngư dân được ăn rau xanh, bí tươi thêm ngày nào hay ngày nấy”, bà Luyến nói.

Bà Luyến vẫn dặn dò 2 người con của mình rằng, nghề nào cũng cần có tâm, kể cả nơi cửa chợ. Bà kể về những ngư dân phải chuẩn bị bữa ăn trên lớp sóng biển cuồn cuộn, tàu tròng trành quay ngang; về những giữa lúc bão giông, sóng cao tòa nhà, chồm vào mạn tàu và hất đổ cả chén cơm đang cầm trên tay của người đi biển, buộc họ phải nhặt lại từng hạt cơm hòa với nước biển mặn… Bà kể với hy vọng, khi mình không thể ra thăm chợ được nữa, các con sẽ không vì chút tiền lời mà bán cả rau rữa, bí nhũn, trái cây dập cho ngư dân.

Tất cả những người bán hàng này, họ đều gặp nhau ở suy nghĩ: Đi biển không chỉ là nghề nhọc nhằn, nó còn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu không hỗ trợ theo kiểu gối đầu, ngư dân sẽ chẳng thể vươn khơi. Và khi gặp nạn, nếu con tàu - tài sản duy nhất của ngư dân không còn, thì đồng nghĩa với việc họ mất tất cả. Lúc này, nếu ráo riết đòi các khoản tiền dầu, tiền đá, tiền gạo, tiền mắm thì họ cũng chẳng biết lấy đâu ra mà trả. Vì thế, bằng bản hợp đồng miệng của mình, những tiểu thương có thể tiếp tục chia sẻ và tạo cơ hội để ngư dân làm lại từ đầu, tiếp tục gắn bó với biển, nuôi sống cho gia đình, nuôi sống thuyền viên và cả những người đang cung cấp hàng hóa cho các chuyến vươn khơi.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.