.

Con tốt qua sông

.

Ngày đó mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở chỗ chữ nhất bẻ đôi cũng không biết. Người biết chữ như con xe, con pháo trên bàn cờ tướng, người không biết chữ đành ôm phận làm con tốt sang sông.

Ông Nguyễn Văn Châu (bìa trái): Tốt qua sông mà gặp thời thì cũng gặt hái thành công, thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Châu (bìa trái): Tốt qua sông mà gặp thời thì cũng gặt hái thành công, thắng lợi.

Rẽ phải trên đường 14B, vừa xuống dốc là gặp ngay mấy căn nhà khang trang thuộc loại nhất nhì làng Cẩm Toại. Anh Nguyễn Hải Hùng, cán bộ văn phòng – thống kê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nói đó là 3 ngôi nhà của cha con ông Bốn Châu. Ông này đang ngồi xem phim tài liệu về Cách mạng Tháng Tám trên ti-vi, thấy chúng tôi, lọ dọ chống cây gậy inox bốn chân dùng cho người già, bước ra chào.

Đốt than tìm chữ

Ông Bốn Châu tên họ đầy đủ là Nguyễn Văn Châu, 91 tuổi, bác ruột của anh Hùng. Cha mẹ ông có hơn chục người con, nhưng rơi rớt hết vì đói khổ, chỉ còn 3 trai, 1 gái. Xuất thân trong một gia đình 4 đời làm nghề đốt than, anh em ông chỉ biết lõm bõm đôi ba chữ nho chứ quốc ngữ thì mù tịt.

Ông Ba Hoài, anh ông, “đói chữ” quá, không biết học ở đâu, bèn đi kiếm dăm ba chữ nơi ông Cửu Huynh (cha của Đại tá quân đội hưu trí Dương Tuấn Kiệt), ông này khi đó đang coi ngó chùa Thọ Quang trong làng. Ông thì mãi tới năm 1957 khi ra miền Bắc mới học chữ, đến năm 1971 vào học Trường Nguyễn Ái Quốc và được đi tham quan, chữa bệnh tại Hungary. Ông công tác nhiều nơi, cuối cùng làm Trưởng phòng Thủy lợi huyện Hòa Vang trước khi nghỉ hưu. Ông Bảy Phò, cha của anh Hùng, chỉ lem lem biết chữ, đốt than, làm ruộng nuôi 10 người con.

Thấy tôi chăm chú nhìn bức hoành phi treo ngay gian giữa, ông Bốn Châu giải thích: “Hồi năm 2010, tui được 60 năm tuổi Đảng, 3 thằng con trai làm cái nhà mới cho vợ chồng tui, còn ba đứa con dâu thì góp tiền làm tấm hoành phi có bốn chữ Ẩm hà tư nguyên (uống nước nhớ nguồn - NV). Tụi hắn nói ghi rứa là để nhớ công cha mẹ nuôi con ăn học thành người”.

Ba người con của ông có tên theo thứ tự là Thành, Công, Thắng. Cả ba giờ đã thành đạt, người con kỹ sư xây dựng trực tiếp thiết kế làm nhà cho cha mẹ. Ông cười nhíu đuôi mắt chân chim rồi thủng thẳng bảo: “Rứa là còn thiếu. Cách mạng tới ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm là đã thành công rồi, xây dựng xã hội mới thì phải đạt thắng lợi. Tui bị phê bình quá nên không thể sinh thêm cho đủ lợi được”.

Con các ông Ba Hoài, Bảy Phò (cha của anh Hùng) nhiều người thành đạt, không phải ôm hận vào người vì không biết chữ như cha mẹ mình ngày trước.

Ông Lê Đình Thắng, 85 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Hòa Phong, cho biết vùng đất này ngày trước ít người được đi học. Sau năm 1945, làng Cẩm Toại có mở lớp bình dân học vụ ở nhà ông Thủ Tước. Ông này làm thủ bổn (giữ tiền) của làng, biết chữ nho, lõm bõm quốc ngữ. Sau này, hai con trai ông đều thành đạt nhờ học vấn. Ông Phan Toàn, người trong làng thường gọi là Hai Diện theo tên con trai đầu, nhà nghèo phải đi ở đợ, sau năm 1945 lấy vợ trong làng, cả hai đều không biết chữ, quyết cho con ăn học. Con cái ông Toàn có người làm bí thư xã, sau lên công tác trên huyện Hòa Vang, rồi lên thành phố.

Nhân câu chuyện về sự học cuối những năm 40 thế kỷ trước ở Hòa Phong, ông Đặng Phước Đắc, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hòa Vang kể, làng Cẩm Toại xưa có một người (ông Đắc xin được giấu tên) lúc nhỏ đi giữ trâu, làm thuê cho nhà bà ngoại ông là bà Thủ Long. Về sau ông này lập gia đình có 2 người con trai. Anh con đầu siêng học, sau làm đến giám đốc một công ty ngành xây dựng. Người con sau thì ngổ ngáo, mỗi lần cha nhắc đi học là anh ta lên giọng: Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt có tiền! Ông cha nghe thế là “ngọng” ngay, không biết khuyên giải con mình thế nào. Và, hệ quả là anh chàng giờ làm nghề sửa xe đạp, xe máy; chữ không hay mà tiền cũng không lắm!

Ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Phong kết luận: “Mỗi khi nói về gương hiếu học ở Hòa Phong, ai cũng nhắc đến ông Bốn Châu 4 đời lầm lũi đốt than mà nuôi con ăn học thành danh”.

Ông Mai Thanh Đông bên bảng kỷ niệm có chữ ký của thầy cô và học sinh trường tiểu học đầu tiên trên đất Hòa Hải. Ảnh: V.T.L
Ông Mai Thanh Đông bên bảng kỷ niệm có chữ ký của thầy cô và học sinh trường tiểu học đầu tiên trên đất Hòa Hải. Ảnh: V.T.L

“Gặp thời một tốt cũng thành công”

Cả vùng đất Hòa Hải (xưa thuộc huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn) thời 1945 không có trường học - ông Mai Thanh Đông, nguyên Trưởng ban Dân vận Quận ủy - Chủ tịch Mặt trận quận Ngũ Hành Sơn cho hay. Mãi tới năm 1957 mới có trường tiểu học đầu tiên mà ông là học sinh khóa đầu. Ngày 18-11-2013, với danh nghĩa trưởng ban liên lạc cựu học sinh trường xưa, ông đứng ra vận động tổ chức gặp mặt thầy, cô giáo và học sinh nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường. Đây là nơi đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng kiên trinh, nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Hải có một nghìn ngôi mộ thì hơn một nửa là của học sinh trường xưa.

Trước năm 1945, thầy Cao Sơn Pháo (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, đã được đặt tên đường ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) người xã Điện Tiến, vừa hoạt động cách mạng, vừa mở lớp học tại nhà ông Bồi Quy - ông ngoại ông Đông. Thầy chủ yếu dạy chữ cho những người tham gia cách mạng, trong đó có ông Mai Đăng Chơn, người về sau là bí thư chi bộ đầu tiên ở Hòa Hải. Sau có người đứng ra mở một lớp học cho con em trong làng, nhưng chỉ con trai mới được đi học. Mẹ ông Đông dẫn mấy người em trai tới lớp rồi thập thò đứng ngoài cửa học lóm thế mà biết chữ.

Ông Đông có người em con chú tên là Mai A, năm nay tròn 90 tuổi. Nhà nghèo, lam lũ làm ăn, hai vợ chồng ông A sau năm 1945, khi đã ngoài 30 tuổi mới cùng với nhiều người khác tập tễnh theo học lớp học của thầy Phạm Ký người làng An Nông bên cạnh. Về sau, thầy Ký đi tập kết và làm hiệu trưởng trường học sinh miền Nam trên đất Bắc; sau năm 1975 thầy về quê nhà, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh QN-ĐN trước khi nghỉ hưu. Mỗi lần gặp nhau ôn chuyện xưa, trò bao giờ cũng giữ lễ với thầy, dù trò lớn hơn thầy hai tuổi.

Ông A nhớ lại: “Hồi đó tụi tui lớn cái đầu rồi, học hành răng cho vô được, chỉ kiếm dăm ba chữ bỏ bụng, ký được chữ ký nguệch ngoạc cũng còn hơn là lăn tay điểm chỉ”. Nghĩ thế, vợ chồng ông sớm chiều trầy vai gánh nước tưới khoai, trồng sắn, thỉnh thoảng xuống biển bắt còng, nuôi con ăn học. Trong nhà có cái chi ngon là dành hết cho con. Cám cảnh cha mẹ thất học, con ông người nào cũng gắng công đèn sách; trong 9 người thì 6 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ bảo vệ luận án bên Ucraina, tất cả đều thành danh.

Câu ca xưa ở Hòa Vang Sớm mai lên núi đốt than/ Chiều về xuống biển đào hang bắt còng chừng như vận vào cuộc đời của người dân Hòa Phong và Hòa Hải một thời cơ cực, thời mà cái ăn chưa đủ no thì bụng dạ nào nghĩ tới cái chữ. Ông Bốn Châu ví cuộc đời ông như một cuộc cờ: “Biết chữ làm con xe, con pháo, không biết chữ thì làm con tốt qua sông. Tốt qua sông mà gặp thời thì cũng gặt hái thành công, thắng lợi”.

Những-con-tốt-không-biết-chữ ngày nào đã qua sông, nỗ lực tự thân cùng với thời thế của cuộc cách mạng 70 năm trước đã giúp họ khép lại một thế hệ thất học và mở ra những chân trời mới cho con cháu mai sau.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.