.

Khi sân đình là điểm đến

.

Dọc theo chiều dài đất nước thiếu gì các di tích, đình làng đẹp từ kiến trúc đến các truyền thuyết dân gian. Đình làng Đà Nẵng, nếu muốn được xếp lên “chiếu trên” trong lĩnh vực du lịch thì chí ít cũng phải có một nét riêng độc đáo nào đó.

Gian trưng bày các loại bánh quê tại Hội làng Túy Loan.
Gian trưng bày các loại bánh quê tại Hội làng Túy Loan.

Cơ hội bỏ lỡ

Năm 1993, làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) lần đầu tiên được 180 khách quốc tế trên tàu Seaborn Spirit đến tham quan qua tour du lịch làng quê do Công ty TNHH Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức. Một năm sau, tàu Queen Elizabeth 2 cập bến Đà Nẵng với 1.600 khách thì gần một nửa đã được công ty đưa về tham quan ngôi làng cổ này. Từ kết quả khả quan đó, làng quê còn giữ được nhiều nét dân gian trên đất Đà Nẵng này được du khách nước ngoài biết đến với tên gọi “Light village of Vietnam country” - Điểm sáng làng quê Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Minh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Đông Á lúc đó, kể rằng có hơn 10 làng quê ở Quảng Nam-Đà Nẵng “xếp hàng”, cuối cùng Phong Nam lọt vào “mắt xanh” của các nhà kinh doanh du lịch, bởi nó đáp ứng được các yêu cầu cần thiết: Đây là một làng quê đẹp, có thể phát triển thành một điểm tham quan phụ, một nét nhấn nhá tạo sự khác biệt trong một chương trình tour cụ thể nào đó. Thêm nữa, từ trung tâm Đà Nẵng đến Phong Nam không xa, hoàn toàn phù hợp với các tour có quỹ thời gian hẹp.

Phong Nam, ngoài phong cảnh một làng quê thanh bình, nơi đây còn có một quần thể các đình, chùa, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... mang đậm nét kiến trúc cổ kính phương Đông, có đình Mục đồng với lễ hội Mục đồng chẳng nơi nào có được. Khách nước ngoài thường thích đi dạo từ đầu làng đến cuối xóm, tìm hiểu các sinh hoạt dân gian đời thường như bán hàng xén bên đường, đổ bánh xèo, họp chợ... Đặc biệt, họ thích đến viếng các nơi thờ tự trong làng để tìm hiểu các kiến trúc cổ, các nghi lễ truyền thống, chụp hình, quay phim các cụ chỉnh tề trong lễ phục truyền thống.

Hơn hai thập niên trôi qua, vì sao thời hoàng kim của Phong Nam giờ không còn nữa? Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng Trần Chí Cường nhìn nhận: “Phong Nam đã từng được các hãng lữ hành đưa vào tour du lịch, nhất là khách du lịch tàu biển, nhưng hiện nay do một số yếu tố của quá trình đô thị hóa đã làm giảm đi lượng khách này”.

Và những cơ hội chưa nắm bắt

So với Phong Nam, làng Túy Loan (xã Hòa Phong) có vị thế đắc địa hơn nhiều. Ngoài chợ Túy Loan quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng (câu ca dân gian: Chợ Túy Loan trăm thứ trăm ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con mang nghèo), nơi đây còn có đình Túy Loan nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1999.

Đình Túy Loan nằm trên đường lên Khu du lịch tắm khoáng nóng Phước Nhơn (thuộc xã Hòa Khương), Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang (vừa được xếp hạng Di tích quốc gia), các khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi, Suối Hoa, Hòa Phú Thành (xã Hòa Phú)… Đây quả là một điểm dừng “trời cho” nhưng con người chưa biết cách nắm bắt cơ hội.

Anh Đinh Viết Văn Hải đang công tác ở Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours “hiến kế”: “Đình Túy Loan rất thích hợp để phát triển thành điểm tham quan phụ cho các tour tuyến có lộ trình ngang qua đây. Nếu tổ chức tại đây một làng nghề ẩm thực với sự tham gia của các hộ quanh đình với các món đặc sản đậm chất Túy Loan như mì Quảng, bánh tráng, bánh bèo, bánh nậm, bánh gói… để du khách có thể tự tay tráng bánh tráng, đổ bánh xèo… như một số nơi khác, thì sẽ hình thành một điểm đến hấp dẫn”.

Có đủ cây đa, bến nước, sân đình, đình Túy Loan thích hợp cho những hoạt động ngoài trời như hô hát bài chòi, chơi thuyền dạo sông... Đình An Hải bên kia sông Hàn cũng có vị trí “đẹp” như thế. Làng An Hải, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, từng có hội chọi trâu vào ngày 10-8 âm lịch hằng năm, một lễ hội tiêu biểu của vùng đất Quảng Nam xưa. 7 năm trước, vào ngày này dân làng tổ chức hội làng lần thứ nhất có hát tuồng giữa sân đình nhưng sau đó không duy trì được quy mô bề thế như lúc đầu.

Đà Nẵng có một số đình với nét riêng rất độc đáo. Đình Hải Châu (phường Hải Châu 1), trước là chùa Phước Hải, nơi chúa Nguyễn Phúc Chu gần 3 thế kỷ trước từng ghé thăm và nghỉ lại. Đình Nại Nam (phường Hòa Cường Nam) năm 2002 được “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy nâng lên cao 1,6m và di chuyển hai cây đa cổ thụ về gần bên đình. Đình Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) cùng với quần thể các di tích Cồn Trò, giếng cổ Chăm, mộ Tiền hiền, miếu Bà... thêm vào đó là nước mắm Nam Ô từng được tiến vua…

Chính những nét riêng này cộng với kiến trúc nghệ thuật, những giai thoại, huyền tích dân gian là những yếu tố để đình làng Đà Nẵng được xếp lên “chiếu trên” trong lĩnh vực du lịch, vấn đề là làm sao biết vận dụng, khai thác hết. Về việc này, ông Cường cho biết: “Trong năm 2013, Sở VHTTDL Đà Nẵng phối hợp với các công ty lữ hành khảo sát đình làng Bồ Bản, Túy Loan và làng Phong Nam. Trên cơ sở kết quả của cuộc khảo sát, Sở đang đánh giá và xây dựng mô hình phát triển phù hợp”.

“Thực tế cho thấy việc phát triển du lịch gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa và làng nghề phụ thuộc nhiều yếu tố và khó có thể có một mô hình cụ thể, trong đó yếu tố người dân địa phương cùng tham gia vào để phát triển mang lại lợi ích cho họ và giữ gìn được nét đẹp truyền thống của mỗi làng nghề đồng thời duy trì hiệu quả lâu dài không phải là dễ dàng. Do đó thời gian tới Sở sẽ tiếp tục khảo sát khoanh vùng quy hoạch và lập đề án trình UBND thành phố phê duyệt nhằm phát huy các di tích lịch sử - văn hóa và các làng nghề trên địa bàn thành phố”.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng Trần Chí Cường

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.