.

Dấu ấn văn hóa vùng miền

.

Nói đến thế mạnh du lịch Đà Nẵng, người ta thường nghĩ đến những bãi biển trải dài dát vàng óng ánh, đến bán đảo Sơn Trà, đỉnh núi Bà Nà hay danh thắng Ngũ Hành Sơn quanh năm nhuốm màu huyền ảo. Nhưng Đà Nẵng đâu chỉ có thế. Vùng đất này còn chứa đựng một nền văn hóa thấm đẫm hơi thở nhân dân, hòa quyện trong các lễ hội đình làng, phong tục tập quán, giá trị văn hóa lịch sử được kết tinh qua những giai đoạn thăng trầm của sự phát triển.

Khách quốc tế tham quan Hải Vân Quan, nơi để lại những giá trị lịch sử quý giá. Ảnh: T.Y
Khách quốc tế tham quan Hải Vân Quan, nơi để lại những giá trị lịch sử quý giá. Ảnh: T.Y

Đi tìm bản sắc Đà thành

Cách đây hơn 1 năm, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng, khi ấy là Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam-Vitours vì muốn đi sâu tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử của Đà Nẵng đã khởi xướng tour du lịch có tên “Đà thành tứ trấn” (ĐTTT). Tour này được giới thiệu trước thềm Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013.

Anh Dũng cho biết, tên gọi ĐTTT xuất phát từ 4 địa danh du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng là bán đảo Sơn Trà (Đông trấn), Bà Nà (Tây trấn), Ngũ Hành Sơn (Nam trấn) và đỉnh đèo Hải Vân (Bắc trấn), chúng như những bức tường thiên nhiên tuyệt đẹp bao bọc, chở che cho người dân thành phố. Đặc biệt, 3 trong số đó là địa chỉ của những ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chãi, tượng trưng sự phát triển vững bền của thành phố đầu biển, cuối sông.

Tuy ĐTTT được đánh giá là sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và có sức hấp dẫn khi tập trung khai thác thế mạnh về văn hóa lịch sử nhưng sau một năm đưa vào khai thác, sản phẩm này mới được triển khai ở góc độ doanh nghiệp, chưa tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại Đà Nẵng. Ngoài ra, lượng khách đăng ký chưa nhiều, hiệu quả khai thác thấp do du khách vẫn giữ thói quen đi riêng rẽ từng điểm, chưa có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chưa nhận được sự đồng hành của cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lê Duy Anh, tác giả những cuốn sách Lần giở Lịch sử Văn hóa miền Thuận-Quảng, Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1936-2006), Văn hóa Quảng Nam-những giá trị đặc trưng, Bà chúa Tằm tang xứ Quảng… cho rằng không thể tách rời văn hóa - lịch sử Đà Nẵng ra khỏi giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất Quảng Nam. Bên cạnh giá trị vật chất thì văn hóa tinh thần ở Đà Nẵng còn là những nhân vật lịch sử như Thoại Ngọc Hầu, Thái Phiên, Phan Châu Trinh… Nếu những địa chỉ này được đầu tư thành điểm đến du lịch không chỉ làm giàu cho ngành du lịch thành phố mà còn làm giàu kiến thức văn hóa của người dân.

Hiện nay, không chỉ du khách mà ngay cả người dân địa phương, đội ngũ làm du lịch đôi khi cũng không am hiểu lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất nơi mình sinh sống. Như mấy ai biết được khu vực Cảng Tiên Sa ngày nay từng được vua Lê Thánh Tông đặt tên là Đồng Ô Long trong cuộc Nam chinh năm 1471, khi ông ngự thuyền tại cửa biển Đà Nẵng. Tên gọi này cũng xuất hiện trong hai câu thơ của ông “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”, được Lê Duy Anh tạm dịch như sau “Trăng canh ba lên tại xứ Đồng Long tĩnh mịch/Trống canh năm điểm tại thuyền Lộ Hạc vọng lại”, miêu tả hình ảnh yên bình, thơ mộng trong giờ phút xuất quân rời cảng Tiên Sa. Ông Anh nói, nếu câu chuyện này được lồng ghép vào phần thuyết minh của các hướng dẫn viên du lịch, chắc chắn điểm đến Tiên Sa sẽ hấp dẫn hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Khẳng định giá trị văn hóa lịch sử

Đà Nẵng hiện có 18 di tích được công nhận di tích văn hóa quốc gia và 46 di tích văn hóa cấp thành phố. Việc khai thác du lịch chỉ mới tập trung ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và một số điểm nổi bật khác như Thành Điện Hải, đỉnh đèo Hải Vân, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Ở di tích khác, việc khai thác phục vụ du lịch còn rất hạn chế do sức hấp dẫn của di tích chưa cao, chưa được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với mục đích du lịch. Một lý do nữa, theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa TP. Đà Nẵng Lê Xuân Thông, không phải bất kỳ di tích nào cũng là đối tượng để khai thác, phát triển du lịch.

Hiện nay cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đưa di tích vào tham quan du lịch. Ví như trên tuyến đường từ Đà Nẵng vào Tháp Mỹ Sơn có rất nhiều di tích giá trị nằm ngay bên đường như Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia), mộ các bà phi thời chúa Nguyễn, đập Vĩnh Trinh… nhưng du khách không muốn ghé lại mà chỉ mong nhanh chóng đến Mỹ Sơn. Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc du khách còn thiếu thông tin về những địa chỉ di tích lịch sử, vấn đề ở đây còn do các công ty lữ hành không chịu đưa khách đến.

Gắn bó nhiều năm với công tác lữ hành, ông Cao Trí Dũng chia sẻ để di sản văn hóa lịch sử trở thành sản phẩm du lịch thì cần phải bảo đảm một số điều kiện như di sản phải độc đáo, phù hợp với những nguồn khách nhất định. Ngoài ra, di tích phải có khả năng khai thác lâu dài và bền vững, có cơ sở hạ tầng phù hợp với một điểm đến… Ngoài ra, để hỗ trợ đơn vị lữ hành khai thác hiệu quả những điểm đến liên quan đến di tích lịch sử, thành phố cần lựa chọn và quy hoạch các điểm di tích có khả năng khai thác trở thành sản phẩm du lịch; tổ chức các hội thảo khoa học để xác minh các giá trị văn hóa cốt lõi; đầu tư cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi tiến hành khai thác.

Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, việc phát huy giá trị di tích trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng mới ở mức tương đối. Các di tích như Căn cứ cách mạng K20, Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang hiện đang trong giai đoạn tôn tạo, khi hoàn thiện sẽ đưa vào khai thác du lịch. Thời gian tới, Sở sẽ kết hợp với Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố tiến hành lựa chọn một số di tích đưa vào tour, tuyến tham quan như đình Hải Châu, Nhà thờ tiền hiền làng An Hải, đền thờ Thoại Ngọc Hầu, đình Thạc Gián, đình Túy Loan... “Các di tích này rất khó khai thác nếu chỉ dựa vào bản thân nó mà không có các hoạt động hỗ trợ khác như diễn xướng dân gian, phục dựng tích tuồng, sự kiện gắn liền với di tích”, ông Thanh trăn trở.

Nói đến văn hóa vùng miền tại Đà Nẵng, không thể không nhắc đến danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn liền các giá trị văn hóa tâm linh đậm nét. Mỗi năm Ngũ Hành Sơn đón hơn 550.000 lượt khách tham quan vãn cảnh chùa, đặc biệt trong dịp Lễ hội Quán Thế Âm. Để tiếp tục phát huy giá trị du lịch tại đây, UBND thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu, hình thành Khu vườn tượng; Chùa Quán Thế Âm và Chùa Long Hoa... Ngoài danh thắng Ngũ Hành Sơn, sở cũng đang phối hợp với các công ty lữ hành tiến hành khảo sát, xúc tiến đưa Di tích lịch sử K20 trở thành điểm đến trong hoạt động du lịch, nhất là phát triển du lịch đường sông.  

Thiết nghĩ, việc khai thác các di tích lịch sử phải làm nổi bật được những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Đà Nẵng. Như thế mới có thể tạo ra sức hút đối với du khách tham quan và cũng là hướng đi mới trong hoạt động du lịch thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.