.

Viết tiếp giấc mơ đến trường

.

Học sinh theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thi đạt  điểm số cao không còn là kết quả bất ngờ tại các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đằng sau mỗi tấm gương đó là câu chuyện dài về sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để theo đuổi giấc mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Đôi bạn Vĩnh (áo sọc) và Trường trở thành niềm tự hào của lớp 12/4 TTGDTXKTTH-HN&DN quận Liên Chiểu mùa tuyển sinh năm nay.  Ảnh: T.Y
Đôi bạn Vĩnh (áo sọc) và Trường trở thành niềm tự hào của lớp 12/4 TTGDTXKTTH-HN&DN quận Liên Chiểu mùa tuyển sinh năm nay. Ảnh: T.Y

Nỗ lực quay lại trường

Năm 2007, đang học lớp 10 Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) thì cậu học trò Trương Thanh Vĩnh (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh) biết tin mẹ mình nhiễm viêm gan B, bác sĩ khuyên cần ở nhà tịnh dưỡng một thời gian. Cuộc sống hai mẹ con vốn đã chật vật, chạy ăn từng bữa nên khi biết tin này, Vĩnh không khỏi lo lắng về ngày tháng sắp tới của gia đình. Sau nhiều đêm cân nhắc và lựa chọn, Vĩnh đưa ra một quyết định: nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ chữa bệnh.

Hôm trước nghỉ học, hôm sau Vĩnh nhờ mẹ xin vào làm công nhân tại trang trại nuôi chim cút gần nhà, với mức lương 900.000 đồng/tháng. Để tăng thu nhập, Vĩnh còn tìm mối hàng bỏ trứng chim cút, phụ mẹ tiền sinh hoạt trong gia đình. Những tưởng công việc bận rộn sẽ giúp Vĩnh nguôi ngoai nỗi nhớ trường lớp. Nhưng sau giờ làm việc, trở về nhà, gặp bạn bè nay đã học trường này, lớp nọ khiến cậu nuôi một ước mơ khác: được bước vào giảng đường ĐH, tìm kiếm công việc ổn định hơn.

Để thực hiện ước mơ này, 5 năm sau ngày quyết định nghỉ học, Vĩnh nhờ người dạy kèm để lấy lại kiến thức đã mất trong 3 tháng rồi tìm đến Trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Dạy nghề” (TTGDTXKTTH-HN&DN) quận Liên Chiểu đăng ký lớp học văn hóa ban đêm. Sức học của Vĩnh càng được khẳng định khi kết quả năm lớp 10, cậu đạt danh hiệu học sinh giỏi và danh hiệu học sinh tiên tiến 2 năm sau đó. Thời gian đi học, Vĩnh vẫn duy trì công việc tại trang trại chim cút nhưng được ông chủ tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm việc xuống còn 5 giờ mỗi ngày và vẫn giữ mức lương 3 triệu/tháng giúp Vĩnh yên tâm đèn sách.

Cùng học lớp với Vĩnh thời gian ấy còn có Nguyễn Quang Trường (1992), cũng có thâm niên... nghỉ học 4 năm vì “gia đình chỉ có mình mẹ nuôi hai chị em nên muốn đi làm giảm gánh nặng cho mẹ”. Suy nghĩ ấy khiến cậu học trò lớp 10 rời xa mái trường THPT Nguyễn Hiền (Duy Xuyên, Quảng Nam) ở nhà dệt vải giúp mẹ. Được một thời gian, Trường xuống Hội An xin bỏ mối bánh mì rồi ngược lên huyện miền núi Đông Giang học nghề cơ khí. Có nghề trong tay, Trường ra Đà Nẵng xin việc làm. Tại đây, cậu nhìn thấy từng tốp học sinh áo trắng quần xanh cắp sách đến trường. Trong khi nhìn lại mình, cậu chỉ thấy một màu nhem nhuốc của rỉ sắt, của mồ hôi. Giấc mơ tiếp tục sự học bắt đầu từ sự so sánh khập khiễng và vất vả đó.

Ngày đi làm, đêm đi học nhưng trong 3 năm học tại TTGDTXKTTH-HN&DN quận Liên Chiểu, Trường luôn là học sinh đứng đầu lớp về thành tích học tập cũng như tham gia CLB Kỹ năng xã hội quận Liên Chiểu, tổ chức các hoạt động về nguồn. Đặc biệt, 2 năm học lớp 10 và 11, cậu đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn diện, trở thành niềm tự hào của trung tâm. “Lúc đầu, em lo sức học yếu nên định học đến hết 12 thì nghỉ. Nhưng càng học càng ham và nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, em bắt đầu nghĩ đến giảng đường ĐH, nơi chắp cánh giấc mơ của mình thêm cao, xa hơn nữa”, Trường nói.

Giấc mơ vào giảng đường ĐH đã mở ra với 2 cậu học trò nghèo khi mới đây, Vĩnh vào học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thuộc Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum; Trường khăn gói ra Huế học ngành Khoa học cây trồng, Trường ĐH Nông lâm Huế. Cả hai đều cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục vừa học vừa làm để tự lo cho bản thân, không quá phụ thuộc vào kinh tế gia đình vốn đã rất khó khăn.

Ở đâu cũng có thể học giỏi

Trong suy nghĩ của nhiều người, vào học tại Trung tâm GDTX thường là “học trò cá biệt”. Ngoài đối tượng thanh-thiếu niên chậm tiến, thi rớt các trường THPT hay nghỉ học giữa chừng, trung tâm còn tiếp nhận học viên lớn tuổi, đi học vì một lý do nào đó nên khó học tốt, học giỏi. Ít ai biết rằng, đó cũng là “mảnh đất” ươm mầm những tài năng ưu tú, ham học hỏi vươn lên.

Năm nay 22 tuổi, Nguyễn Thị Kim Cúc ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà vừa đậu vào khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 24,75; đứng trong top 10 thí sinh có điểm đầu vào cao nhất trường. Điều đó sẽ không có gì lạ nếu Cúc không phải là học trò hệ GDTX.

Cúc sinh ra trong một gia đình có 3 chị em. Ba “thợ đụng”, mẹ phụ bán quán ăn không đủ sức nuôi các con ăn học. Năm Cúc học đến lớp 9 cũng là lúc kinh tế gia đình suy kiệt khi ba thất nghiệp, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai mẹ. Trước hoàn cảnh đó, Cúc quyết định nghỉ học đi chạy bàn tại quán nhậu, quán cà-phê, phụ bán bún, chắt chiu từng đồng đưa mẹ trả tiền học phí cho em.

Cuộc đời của Cúc sẽ mải miết như thế nếu không có một lần, em gặp lại những người bạn cũ đang làm thủ tục nhập học vào ĐH, CĐ, thổi bùng trong em ngọn lửa khát khao. Có người khuyên Cúc nên đi học lại vì biết sức học của bạn mình rất tốt. Cúc nghe theo, tìm đến TTGDTXKTTH-HN&DN quận Sơn Trà nộp hồ sơ, được xét vào học lớp 9 theo diện phổ cập giáo dục. Đi học lại sau 4 năm gián đoạn, Cúc không chỉ giành danh hiệu học sinh giỏi 4 năm liền mà còn đạt rất nhiều giải cao như Giải nhất học viên giỏi môn toán lớp 12 cấp thành phố; Giải nhất môn giải toán trên máy tính cầm tay cấp thành phố; Giải nhất môn giải toán trên máy tính cầm tay cấp Quốc gia dành cho học sinh hệ GDTX.

Người bạn đồng hành, cùng hoàn cảnh với Cúc trong các cuộc thi này còn có Trương Thanh Vĩnh và cậu cũng kịp mang về cho mình những phần thưởng giá trị: Giải nhất học viên giỏi môn toán lớp 12 cấp thành phố; Giải nhất môn giải toán trên máy tính cầm tay cấp thành phố; Giải 3 môn giải toán trên máy tính cầm tay cấp Quốc gia.

Thầy Trần Ngọc Bản, Phó Giám đốc TTGDTXKTTH-HN&DN quận Sơn Trà cho biết, hệ GDTX trước đây chỉ dành cho người đi làm, nay phần lớn là học sinh có học lực yếu kém. Công tác chủ nhiệm, phong trào Đoàn tại mỗi lớp học đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi. Mặt bằng chung như vậy nên khi có những học trò giỏi là nguồn động viên to lớn đối với giáo viên lẫn học sinh tại đây”, thầy Bản nói.

Qua những tấm gương trên, chúng tôi nhận thấy rằng, sự tồn tại của TTGDTXKTTH-HN&DN trong xã hội hiện đại là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là học sinh nghèo, vì lý do nào đó phải nghỉ học giữa chừng như Vĩnh, Trường và Kim Cúc. Có nhìn thấy hoàn cảnh của từng học sinh, mới hiểu hết sự cố gắng, nỗ lực của các em trên con đường chinh phục tri thức.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.