.

Để gần dân hơn

.

Với người dân ở tổ dân phố 55 cũ (tổ 195 và 196 mới) phường An Khê, quận Thanh Khê, việc tổ trưởng Huỳnh Tấn Thưởng lập ra hẳn một website của tổ, thường xuyên cập nhật các thông tin hai chiều giữa UBND phường với người dân, công khai các khoản chi tiêu, đóng góp của người dân cũng như những nhắc nhở về an ninh trật tự của tổ, một thời đã trở thành thân thuộc.

Trang web cấp tổ

Hằng ngày, ông Huỳnh Tấn Thưởng đều dành thời gian trong ngày truy cập vào các trang web để nắm bắt nhiều thông tin. Ảnh: Q.T
Hằng ngày, ông Huỳnh Tấn Thưởng đều dành thời gian trong ngày truy cập vào các trang web để nắm bắt nhiều thông tin. Ảnh: Q.T

Là một thầy giáo về hưu, khi nhận trách nhiệm làm tổ trưởng, ông Thưởng nhận thấy người dân trong tổ rất bàng quan trước mọi việc của chính quyền dù các việc đó liên quan mật thiết đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Từ  đó, ông nghĩ đến việc phải cho ra đời một trang web, công khai minh bạch tất cả những thắc mắc của người dân cũng như những chính sách của chính quyền. Năm 2010, ông đưa tất cả hoạt động của tổ lên Internet tại địa chỉ https://sites.google.com/site/to55ankhe . Ông tự hào: “Từ khi có trang web, hoạt động của tổ 55 trở nên khởi sắc hơn, trước hết vì quyền lợi của họ, “họ phải nộp những khoản tiền gì, tổ dân phố chi tiêu vào mục đích gì, người dân đều nắm bắt được”.

Đặc biệt, từ ngày có trang web, nguyện vọng của người dân được chính quyền quan tâm, giải quyết rốt ráo hơn. Ông kể, trước đây, đoạn đường Cù Chính Lan đi qua khu dân cư trong tổ có một cống nước không có thành lan can bảo vệ, các cháu bé trong tổ đi học về qua đây rất nguy hiểm. Khi họp tổ, nghe người dân phản ánh điều này, ông về đưa ngay lên mạng. Không ngờ chỉ đến cuối tuần, Chủ tịch UBND phường An Khê đã có văn bản gửi lên UBND quận rồi thành phố, và chỉ vài ngày sau, thành lan can đã được xây dựng.

Có thể nói, tấm lòng nhiệt huyết, sự năng nổ của ông Thưởng đã góp phần đưa tổ dân phố 55 trở thành khu dân cư văn hóa của phường. Ông khoe: “Dù chỉ là trang web của tổ dân phố nhưng một ngày có khi đến hơn 100 lượt truy cập, đó là một con số không hề nhỏ”.

Tuy hoạt động hiệu quả suốt 2 năm nhưng vì nhiều lý do khách quan, trang web của tổ 55 từ hơn 1 năm nay không còn được thường xuyên cập nhật nữa.

Phường, xã đồng loạt lập web

Có thể nói, “trang web ông Thưởng” như thể mở ra một giai đoạn mới để người dân tiếp cận với hình thức nắm bắt chủ trương, chính sách bằng con đường nhanh nhất - ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác của tổ. Sau trang web này, bắt đầu từ năm 2012, phường An Khê cũng đã thành lập một trang thông tin điện tử riêng và hoạt động rất hiệu quả. Ông Thưởng giờ trở thành cộng tác viên thường xuyên cho trang web của phường

Trao đổi với chúng tôi về “cổng điện tử phường” này, bà Lê Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường An Khê cho biết, trang web được thiết kế khá chuyên nghiệp để người dân có thể tìm hiểu khái quát về lịch sử địa phương, về bộ máy tổ chức, lịch làm việc của lãnh đạo. Đặc biệt, trang web này đóng vai trò như một tờ báo địa phương khi thường xuyên cập nhật những thông tin “nóng”, những thông tin về hoạt động của HĐND, UBND, những văn bản mới nhất trong hoạt động quản lý của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể, của các tổ dân phố…”. Trang web đã giúp người dân từng khu vực dân cư, nhất là các tổ trưởng tổ dân phố hiểu một cách khá thông suốt mọi vấn đề để áp dụng vào công việc của tổ. Trong năm nay, UBND phường đang xây dựng thêm các chuyên mục mới như: Dân hỏi chính quyền trả lời; Trợ giúp pháp lý…

Ngoài phường An Khê, tại quận Thanh Khê đã có 5 phường có trang thông tin điện tử, quận Hải Châu có 1 phường, riêng huyện Hòa Vang 11/11 xã đều có trang web riêng.

Thực ra, việc lập một trang thông tin điện tử của địa phương không khó nhưng khó nhất là làm sao để duy trì nó hoạt động hiệu quả. Ông Ông Ích Hà, chuyên viên phụ trách CNTT của quận Hải Châu, cho biết, mặc dù là quận trung tâm, nhưng Hải Châu chỉ có phường Thuận Phước là có trang web riêng do phường này được thành phố chọn đầu tư làm thí điểm phường điện tử. “Khi lập ra một trang web, muốn nó sống được cần phải lập ra ban biên tập, rồi người quản trị… Thêm nữa, kinh phí để “nuôi” một trang web cũng nhiêu khê. Một năm trả tiền tên miền 2.000.000 đồng, rồi tiền nhuận bút bài vở. Tổng cộng khoảng 10.000.000 đồng/năm. Khoảng chi phí đó các phường tự trang trải chứ quận hay thành phố không hỗ trợ được”.

Về phía huyện Hòa Vang, trong năm 2013 huyện và trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng có ký giao ước về xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung hỗ trợ cho huyện xây dựng trang thông tin điện tử 11 xã. Các trang web này cơ bản đã phản ánh kịp thời tình hình hoạt động của địa phương, đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Về kinh phí hoạt động, hằng nằm UBND xã tự cân đối từ nguồn ngân sách, nguồn kinh phí tiết kiệm của xã để chi trả chế độ nhuận bút, thù lao cho cán bộ công chức, viết bài. Tuy nhiên, việc chi trả chủ yếu là động viên, cuối năm, đưa việc viết tin, bài đăng tải lên trang thông tin điện tử vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức.

Dù mới thành lập từ năm 2013 nhưng có lẽ bởi sự thiết thực đối với người dân, nên các trang web của các xã thu hút khá đông lượt truy cập, trung bình mỗi tháng hơn 4.000.000 lượt. Riêng 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú, do điều kiện xa xôi nên việc truy cập khá khó khăn, hiện, 2 trang web này đang được nâng cấp, sửa chữa.

Có thể nói, các trang web của xã, phường ngày càng gắn bó thiết thực với cuộc sống của người dân. Đặc biệt, với những tổ trưởng tổ dân phố, nhất là các trưởng thôn xa trung tâm thành phố, sẽ có một kênh thông tin hữu hiệu để nắm bắt thông tin mới, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, những cách làm mới, áp dụng vào công việc một cách hiệu quả.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.