.

Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề?

.

Tháng 5-2013, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư liên tịch giữa bộ này và Bộ LĐ-TB&XH về việc Hướng dẫn thành lập, sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp quận/huyện thành đơn vị mới có tên gọi là “Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên”. Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện phương án này như thế nào?

Phần thi cắm hoa tại buổi sinh hoạt giao lưu – trao đổi kinh nghiệm ngành GDTX tại TTGDTXKTTH-HN&DN quận Cẩm Lệ hôm 8-3-2014. Ảnh: V.T.L
Phần thi cắm hoa tại buổi sinh hoạt giao lưu – trao đổi kinh nghiệm ngành GDTX tại TTGDTXKTTH-HN&DN quận Cẩm Lệ hôm 8-3-2014. Ảnh: V.T.L

“Cái đuôi” và sự chồng chéo trong tuyển sinh

Thành phố Đà Nẵng hiện có 7 trung tâm trực thuộc Sở GD&ĐT đóng tại 7 quận, huyện, có cái tên rất dài và được ghi không thống nhất. Tin “UBND thành phố Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri về các vấn đề văn hóa - xã hội và an sinh xã hội” trên danangcity.gov.vn ngày 26-6-2012 ghi là “Trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Dạy nghề”. Tin “Các trường tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” trên drt.danang.vn ngày 17-11-2012 ghi là “Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề”. Bài “Đào tạo nghề cho lao động nông nhàn” đăng trên baodanang.vn ngày 11-12-2013 ghi là “Trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề”…

Ngay cả bảng hiệu cơ quan của các trung tâm này cũng ghi không thống nhất, nhìn cứ như lạc vào trận đồ bát quái! Trong khi chưa biết rõ tên gọi chính xác của trung tâm, người viết xin được ghi tắt là TTGDTXKTTH-HN&DN.

Ông Nguyễn Minh, quyền Giám đốc TTGDTXKTTH-HN&DN huyện Hòa Vang, cho biết: Năm 1987 ông là giáo viên Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp và Dạy nghề Quảng Nam – Đà Nẵng; đến năm 2004 trung tâm được đổi tên thành Trung tâm GDTX – Hướng nghiệp và năm 2011 đổi thành TTGDTXKTTH-HN&DN. Việc “thêm đuôi” này, theo ông Minh, là để thích ứng với thực tế giảm dần nhu cầu học bổ túc văn hóa và tăng dần nhu cầu học nghề của học sinh.

TTGDTXKTTH-HN&DN ngoài việc dạy nghề phổ thông theo chương trình của Bộ GD&ĐT (để cộng thêm điểm thi tốt nghiệp THCS, THPT), còn có chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn. Chính “cái đuôi” này - đối với TTGDTXKTTH-HN&DN các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang - đã “dẫm” lên chức năng của hai đơn vị sự nghiệp thuộc Sở LĐ-TB&XH là Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu và Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang. Cả hai trung tâm đều được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề cho tất cả mọi người có nhu cầu, trong đó có học viên là lao động nông thôn được miễn giảm học phí thuộc diện mất đất sản xuất, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ di dời giải tỏa,...

Hệ quả của việc “dẫm lên nhau” này là cả hai loại hình trung tâm (GDTX và dạy nghề) đều tuyển sinh học nghề. Theo ông Minh, TTGDTXKTTH-HN&DN huyện Hòa Vang mới đầu cũng mở được lớp, nhưng sau số lượng học viên đăng ký quá ít nên đã dừng chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm có lần phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang mở được 2 lớp điện và 1 lớp may công nghiệp, nhưng sau đó không tuyển sinh được.

Ông Ngô Mùi, Giám đốc TTGDTXKTTH-HN&DN quận Cẩm Lệ (đóng ở phường Hòa Thọ Đông) cho biết: Ban đầu GDTX không “ôm” chức năng dạy nghề, nay được giao nên rất “bí”, với địa bàn Cẩm Lệ, học sinh chỉ đi mấy cây số là ra tới Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang, nơi có giáo viên và trang thiết bị đầy đủ hơn.

Sáp nhập hay không sáp nhập?

Tình hình chung của các TTGDTXKTTH-HN&DN ở Đà Nẵng hiện nay là không có giáo viên dạy nghề cơ hữu. Một số nơi như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phải vận dụng bằng cách đưa giáo viên dạy văn hóa đi học lấy bằng trung cấp nghề để trực tiếp đứng lớp.

Ông Lại Tấn Nghị, Giám đốc TTGDTXKTTH-HN&DN quận Liên Chiểu lo lắng: “GDTX rất khó mở lớp dạy nghề vì đã không có cơ sở vật chất lại thiếu giáo viên. Chúng tôi chủ yếu dạy nghề cho học sinh phổ thông theo dạng hướng nghiệp với 105 tiết như cưỡi ngựa xem hoa, chứ không chuyên sâu 405 tiết như sơ cấp nghề ở Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu”.

Riêng TTGDTXKTTH-HN&DN huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn mặc dù trực thuộc Sở GD&ĐT nhưng đã được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ mỗi đơn vị 3 phòng chức năng với trang thiết bị trị giá 1 tỷ đồng để dạy nghề (nấu ăn, điện tử, tin học, may công nghiệp) cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Các trang thiết bị này hiện không tuyển sinh được nên phải chuyển qua phục vụ cho việc dạy nghề cho học sinh phổ thông. Riêng thiết bị dạy may công nghiệp ở TTGDTXKTTH-HN&DN quận Ngũ Hành Sơn, theo Giám đốc trung tâm Trần Minh Ánh, được đưa xuống HTX May Hòa Quý nên phát huy hiệu quả tốt. Tại đây, mỗi năm Trung tâm mở được 3 lớp may, học viên tốt nghiệp được nhận vào xưởng may của HTX.

Từ những bất cập này, tháng 5-2013, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư liên tịch giữa bộ này và Bộ LĐ-TB&XH về việc Hướng dẫn thành lập, sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề và TTGDTXKTTH-HN&DN các quận/huyện. Với Đà Nẵng, bà Trà Hoa Nữ, Phó Trưởng phòng Tổ chức Biên chế -  Sở Nội vụ nhận định: “Hiện chưa có Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên Sở LĐ-TB&XH và Sở GD&ĐT vẫn chưa có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND thành phố về việc tổ chức một Trung tâm Dạy nghề và GDTX thống nhất tại các quận, huyện”.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, hiện các trung tâm dạy nghề và TTGDTXKTTH-HN&DN ở Đà Nẵng đều trực thuộc các Sở liên quan chứ không trực thuộc quận, huyện nên trước mắt sẽ không có việc sáp nhập.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT thì cho hay: “Hiện hoạt động của hai TTGDTXKTTH-HN&DN và Trung tâm Dạy nghề trên cả nước đang gặp khó khăn. Nếu hai Bộ liên quan có chủ trương sáp nhập thì Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, tham mưu với UBND thành phố để cho ra đời một mô hình thích hợp”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.