.

Yêu nơi này vì những điều như thế

.
Tôi yêu Đà Nẵng không vì cái “mác” Loại 1, hay thành phố của những công trình bậc nhất, những lễ hội hào nhoáng.

Mô tả ảnh.
Chị Đặng Thị Cẩm Vân và anh Triệu Sinh Hùng không dám nghĩ có thể nhận được nhiều sự cưu mang nơi đất khách, quê người.
 
Ở thành phố tôi, có cái không khí không quá xô bồ, cũng không quá trầm lắng. Nó đủ cho con người ta năng động mà không đánh mất sự trầm tĩnh. Tôi yêu thành phố cũng bởi nơi đây có những người lao động bình thường với nghĩa cử mộc mạc, nhưng chính ở đó lại cho tôi cảm nhận nhiều nhất về tình người…

Với tôi, Đà Nẵng đáng sống bởi những điều như thế.

1. Tôi khoái cảm giác dậy muộn nhưng vẫn đến nơi làm việc kịp giờ. Đừng tưởng tôi giỏi lạng lách, vì có muốn tôi cũng không đủ sức làm thế. Giờ vào ca hay tan tầm, đường sá đông đúc, nhưng chưa đến độ kẹt cứng như những thành phố lớn khác. Tôi phóng xe và ngó nghiêng bóng cây rợp mát trên đường Trần Phú, một màu xanh dìu dịu len lỏi những tia nắng ban mai. Buổi sáng đến chỗ làm với tôi thường bắt đầu như vậy.

Đặc biệt vào những ngày Đà Nẵng chuẩn bị bước vào lễ hội. Trên đường đi làm, ngang qua các khách sạn lớn, nhìn từng dòng người đổ về khiến tôi cứ nao nao. Tôi đã làm công việc mà ngành du lịch chẳng bao giờ nhờ cậy đến mình đó là đếm có bao nhiêu đoàn khách. Thấy mọi người hớn hở tới Đà Nẵng, lòng mình phấn khởi, xen chút tự hào.

Đà Nẵng nổi tiếng với Lễ hội pháo hoa. Người ta chỉ mong được tận mắt chứng kiến các màn trình diễn ngoạn mục, bừng sáng trên sông Hàn. Còn tôi lại mê nhất những ngày trước đó. Đà Nẵng lúc bấy giờ lung linh. Nghe đâu thành phố đã chi hàng chục ngàn đô-la để thắp sáng vài con đường chính. Những ngày đó, tôi không phải chen lấn với hàng trăm ngàn người để tìm một chỗ đứng. Tôi mua một mẩu bánh mì ra ghế đá đường Bạch Đằng vừa nhâm nhi, vừa ngắm thuyền hoa đang “chạy thử chương trình” và thoải mái chiêm ngưỡng những sắc màu chiếu vào tòa nhà UBND thành phố.

Tôi cũng yêu những buổi sáng của “hôm sau”. Đó là ngày thành phố trở lại bình thường sau một đêm ngập trong rác của những người đi xem pháo hoa, giao thừa, v.v… Cảm giác như có bàn tay cô tiên nào đó đã quét dọn khi thành phố chìm vào giấc nồng. Cô tiên tôi đang nói là các anh chị lao công Công ty môi trường đô thị. Họ phải làm cật lực trong vài giờ để khi mọi người bước ra đường đón chào ngày mới, năm mới có thể tận hưởng bầu không khí trong lành nhất. Yêu cái dáng cần cù và nín lặng những thèm muốn riêng tư của họ biết nhường nào!

2. Ở thành phố tôi, dân Đà Nẵng “hình như có nhiều người theo Phật”. Tôi nói lại câu của một cặp vợ chồng khuyết tật từ miền Bắc vào đây mưu sinh. Chị là Đặng Thị Cẩm Vân (1982, liệt tứ chi), anh là Triệu Sinh Hùng (1986, mù hai mắt). Không có bà con thân thuộc, anh chị sống nhờ nhà đại lý vé số. Tưởng đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng cả hai không ngờ lại được đón nhận nhiều sự cưu mang đến thế. Đó là ông Nhân, một bác bảo vệ nghèo đã mua cho Vân và Hùng chiếc xe lăn khi thấy anh chồng mù cõng cô vợ liệt đi bán vé số dạo. Đó là ông Năm - lái xe ôm ở chợ Cồn đã tận tình cho hai vợ chồng quá giang không lấy đồng nào trong những ngày họ chưa có phương tiện đi lại; là cô buôn đồ gỗ đường Ông Ích Khiêm bán cho chiếc giường mới 1,6m với giá bằng một nửa giá trị thật; là chú bán thuốc Tây trên đường Trần Cao Vân không bao giờ chịu nhận tiền thuốc, dù Vân có nài nỉ thế nào. “Người tốt, người xấu gì em cũng gặp rồi, nhưng ở đây người tốt vẫn nhiều hơn chị ạ”, Vân và Hùng nói vậy. Tôi nghe sướng rân cả người.

Mỗi lần nghe tôi kể về những chuyện này, mấy đứa bạn hay bảo sao ưa “ca” thế. Ừ, chỉ sợ… kêu ca, chứ có thêm một người dân trót đem lòng yêu thành phố thì nơi này đáng sống lắm chứ.

HƯỚNG DƯƠNG
;
.
.
.
.
.