.

Đêm kết nối huyền ảo

.
Sứ mệnh kết nối cộng đồng đã gắn kết pháo hoa và dòng sông Hàn trong những đêm cùng nhau vẽ nên huyền thoại...
 
PHAO-HOA-1.jpg
 
Tìm về sự an bình nguyên thủy

Không dưng mà người ta hay chọn dòng sông làm nơi trình diễn đại tiệc pháo hoa trong rất nhiều cuộc thi bắn pháo hoa trên thế giới. Đành rằng, chỉ ở dòng sông, những hiệu ứng pháo hoa tầm thấp, pháo hoa mặt nước mới dễ dàng được phô diễn, và nhận được sự cộng hưởng từ vẻ đẹp của dòng sông chảy ban đêm. Nhưng quan trọng hơn cả, là vì người ta nhận ra sự tương đồng giữa dòng sông và pháo hoa trong sứ mệnh nối kết cộng đồng. Dù không nói, chỉ mở lòng mình bằng những thanh âm riêng biệt, cả hai vẫn đủ sức mang lại những giây phút thăng hoa cho con người và vạn vật. Không phải sao, khi ngồi trước sông Hàn với dòng chảy dạt dào của nó, người ta tìm lại được sự thanh thản, yên bình nguyên thủy. Còn pháo hoa mang tới niềm hạnh phúc vô biên cho những ai chiêm ngưỡng nó bằng tất cả sự say mê gần như thành kính.

Và khi hai nguồn cảm hứng bất tận ấy gặp nhau, trái tim của con người không thể không xui nhau thổn thức. Trên nền trời đêm, dòng sông Hàn trầm tư bao ngày bỗng cuộn dâng cảm xúc, đón nhận những chùm pháo sáng đủ màu tung bay, rồi cùng nhau luân vũ mãnh liệt giữa hàng hàng hoa đăng chậm trôi vào xa xăm. Con sông nhờ pháo hoa mà trở nên lộng lẫy. Cũng chính dòng sông dịu dàng nâng bước để những màn pháo đạt đến thăng hoa.

Rồi từ đây, bao huyền thoại bể sông lần lượt khai nở: lúc là nàng Tiên Sa yêu kiều uyển chuyển, khi là sự gặp gỡ giữa Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt. Âm nhạc lúc rộn vang, khi trầm lắng, lúc vỗ về, khi dữ dội đắm mình hòa quyện trong dòng chảy lung linh mà bất tận của dòng sông. Những con người từ mọi miền đất nước, đủ mọi giọng nói tụ họp về trước Mẹ sông Hàn, chia sẻ cảm xúc ngây ngất, sướng vui trong những câu chuyện huyền thoại được kể bằng âm thanh, ánh sáng.

Kết nối Đông-Tây

Nhưng pháo hoa và dòng sông đâu chỉ gắn kết với nhau, đâu chỉ kết nối người Việt với người Việt, mà còn mang sứ mệnh bắc cầu cho hai luồng văn hóa Đông-Tây. Chính ông Joe Ghazzal, Đội trưởng Đội tư vấn (Global2000 Sdn. Bhd-Malaysia) cho Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hằng năm cũng thừa nhận, khi chọn lọc các đội tuyển tham gia, ông đều chú ý đến sự hài hòa Đông-Tây. Cân bằng giữa các đội châu Á và các nước phương Tây là tiêu chí quan trọng, bảo đảm cho người xem cùng lúc nhận biết sự khác biệt giữa hai cảm quan, hai cách thể hiện.

Khi Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… mang đến những khúc ca thanh tao và sự cảm nhận vẻ đẹp tinh tế trong từng khoảnh khắc; thì Tây Ban Nha, Hoa Kỳ… đã chẳng thổi vào bầu trời Đà Nẵng luồng sinh khí mới với những thể loại âm nhạc đầy hứng khởi như flamenco, rock n’roll của họ hay sao? Không cần xem đủ 3 kỳ pháo hoa cũng có thể nhận thấy: Trong khi những huyền thoại được châu Á vẽ nên thường dịu dàng, chậm rãi trong các sắc màu nhẹ như xanh nhạt, trắng, đủ để người ta nhắm mắt hồi tưởng và cảm nhận; các màn diễn của phương Tây tuy có đôi khi lắng đọng, xa vắng, nhưng thường rộn vang, dồn dập, gấp gáp như chính hơi thở cuộc sống của họ, với màu đỏ làm chủ đạo, xui người xem không thể ngừng hướng mắt về bầu trời, dù chỉ một phút giây. Hai nguồn cảm hứng khác biệt chảy xuyên suốt qua hai bờ Đông-Tây, giúp pháo hoa luôn luôn mới mẻ.

Pháo hoa cũng là con người. Phương Đông huyền bí, trầm lắng trong sự dịu dàng, mềm mại bao nhiêu, thì phương Tây tươi mới, sôi động và cởi mở bấy nhiêu. Ngay cả khi chưa trình diễn, tiếp xúc với chúng tôi lúc đang sửa soạn pháo, ống phóng ở cảng Sông Hàn, hai bên cũng tỏ rõ sự khác biệt: Các đội châu Á bao giờ cũng kiệm lời, bí ẩn; ngược lại, những đội phương Tây luôn tỏ ra nhiệt tình, dí dỏm giới thiệu về màn pháo hoa của mình. Họ thường tiết lộ bí mật thú vị: “Chúng tôi muốn mang lại cho người dân, du khách sự vui vẻ, hạnh phúc. Khán giả sẽ phải nhún nhảy theo”.

Nhưng dù là khác biệt, họ vẫn cùng pháo hoa và dòng sông mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng: Kết nối cộng đồng và đạt đến sự tự do trong chính mỗi người!

TRIÊU NHAN
;
.
.
.
.
.