.

Khát vọng EWEC

.

(Đà Nẵng Xuân 2011) - Từ Đà Nẵng, chúng tôi bắt đầu hành trình xuyên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) qua Lào và đi sâu vào vùng Đông Bắc Thái Lan. Chúng tôi, bao gồm hơn 50 phóng viên, đại diện các hãng lữ hành là những người đầu tiên khám phá hành trình này bằng đường bộ với tư cách một đoàn hợp nhất. Bởi từ khi hình thành, tuyến EWEC đón nhận rất nhiều đoàn khách xuất phát từ Việt Nam, nhưng hầu hết chỉ đi đến Mukdahan - một tỉnh tiếp giáp Lào của Thái Lan qua sông Mekong.

Mô tả ảnh.

Sáng Việt, chiều Thái

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là đường đi khá bằng phẳng và cảnh quan bên đường đẹp như tranh. Nếu trên dải đất miền Trung từ Đà Nẵng đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), người ta có thể bằng lòng với sự quyến rũ của biển xanh, cát trắng, hay nét tươi mát, trong trẻo của núi rừng; thì sang đất Savannakhet (Lào) và Thái, người ta sẽ bị chinh phục bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm tư mặc tưởng của những mái chùa, đền tháp uy nghi tồn tại từ mấy trăm năm trước. Ngoài ra, chúng tôi còn có những trải nghiệm thú vị khi lần lượt chiêm ngưỡng các kiểu kiến trúc hoàn toàn khác biệt ở các cửa khẩu Lao Bảo, Densavan, Savannakhet. Trong khi phía cửa khẩu Việt Nam khá sầm uất với Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; thì ở ngoài khu vực làm thủ tục hải quan nhập cảnh sang Mukdahan, hình ảnh các bà, các cô người Lào ngồi rải rác bán trứng, bánh gói, rễ cây ngâm rượu… dưới ánh sáng mờ tỏ của đèn đường mang tới cảm giác vừa hoang liêu, hiu hắt, vừa gần gũi, ấm nồng.

Chính sách miễn thị thực cho công dân ASEAN, đơn giản hóa thủ tục hải quan giúp việc nhập cảnh và đi về giữa các nước cực kỳ thuận tiện, mau chóng. Vì vậy, trong một ngày, “ăn cơm ba nước” quả không có gì khó: Buổi sáng thưởng thức món ăn Huế đậm đà; ăn trưa với đặc sản xôi nếp tại Lào; chiều tối vượt cầu Hữu Nghị 2 dùng những món chua cay, nghỉ ngơi, dạo chợ đêm Mukdahan với hơn 50% chủ hàng là người Việt. Từ đây, nhiều địa danh của Thái Lan dần lùi lại phía sau theo bước tiến của đoàn xe: Khonkean, Phitsanulok, cố đô Sukhothai một thời vang bóng…

 

Mô tả ảnh.
Tuyến đường bộ Hành lang Kinh tế Đông-Tây (đoạn qua Thái Lan) đẹp như tranh.

“Một ngày ăn cơm ba nước” từ lâu đã là một khái niệm quen thuộc được các nhà lữ hành tích cực đưa ra để thu hút khách đi tuyến EWEC. Tuy nhiên, theo ông Bảo Duy Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Vietravel Đà Nẵng, đó gần như là điều hấp dẫn nhất đối với khách Việt khi được chào mời mua tour. Bởi suốt đoạn đường 250km từ Lao Bảo đến Savannakhet, du khách chỉ ngồi trên xe đi giữa bạt ngàn cây rừng, đồng không mông quạnh mà không có điểm dừng chân nào đáng kể. Đường xa, ít sản phẩm độc đáo cũng là một lý do khiến hầu như các tour xuyên EWEC được các công ty đưa ra chỉ dừng lại ở Mukdahan, hoặc từ đó đón xe buýt VIP đi lên Bangkok, Pattaya, những thiên đường du lịch của Thái, mà không mạo hiểm khai thác sâu vào vùng Đông Bắc Thái và Myanmar.

Qua-lại chưa toại lòng nhau

Trong vòng bốn năm trở lại đây, khi cầu Hữu Nghị 2 bắc qua đôi bờ sông Mekong, nối liền Thái Lan với Lào hoàn thành, thì phong trào đi thăm miền Trung Việt Nam của khách Đông Bắc Thái ngày càng rộn rã. Thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho thấy, từ năm 2006 đến 2008, luồng khách này đến Đà Nẵng liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2008 với 35 nghìn lượt. Năm qua, số khách trên cũng có sự phục hồi khoảng 20% sau khi sụt giảm nặng vào năm 2009 mà nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng kinh tế. Tổng cục Du lịch vừa ngồi lại với 23 đơn vị lữ hành từ Quảng Nam đến Nghệ An, đưa ra quy chế chặt chẽ về đón khách đường bộ Thái Lan, hạn chế thấp nhất sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng lữ hành, “kéo” khách Thái về miền Trung nhiều hơn nữa. Nhưng sự trao đổi khách từ Việt Nam sang Thái vẫn chưa thể cân bằng với luồng khách theo hướng ngược lại như đã nói ở trên, theo đánh giá của ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitours).

Sau Vitours thì Saigontourist là đơn vị thứ hai của Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát đi đến tận Sukhothai và lên phía Bắc Thái Lan vào năm 2010. Song, sau các chuyến này, những nhà lữ hành sừng sỏ nhất cũng phải kết luận: “Chỉ khi các điểm dừng chân, công viên, các nhà hàng, khách sạn đủ chuẩn được thiết lập để xóa nhòa khoảng cách quá lớn về không gian, giảm thời gian ngồi trên xe, thì du lịch trên suốt tuyến EWEC mới thực sự được khai thác mạnh mẽ như mong đợi”. Ngoài yếu tố về cung đường, các đoàn khách du lịch Việt Nam sang Đông Bắc Thái còn phải trả chi phí khá cao cho chuyến đi của mình. Ông Linh lý giải: “Xe Việt Nam không được lưu thông trên đất Thái, nên đành “nằm vùng” ở Lào trong 4, 5 ngày để chờ đoàn về. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều chịu thêm khoảng 20 triệu đồng cho lệ phí bến bãi, tài xế…”.

Giấc mơ tiến sâu vào Đông Bắc Thái

EWEC vẫn là đề tài được quan tâm hàng đầu trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa các nhà quản lý du lịch của 4 nước trên tuyến. Nỗ lực của các bên để xin miễn thị thực nhập cảnh cho công dân khu vực ASEAN, ký thỏa thuận cấp Chính phủ tạo điều kiện cho ô-tô tay lái nghịch sang tham quan 3 nước Thái Lan-Lào-Việt Nam, tăng cường quảng bá xúc tiến điểm đến… được xem là những động thái tích cực kích thích tiềm năng phát triển du lịch của tuyến trong thời gian qua.

Trên thực tế, nhiều hãng lữ hành miền Trung cũng tỏ ra quyết tâm khi phát động nhiều sản phẩm du lịch mới lạ. Nhưng tham vọng là người tiên phong đưa khách đi trên cung đường bộ từ Việt Nam đến Sukhothai và ngược lên mạn Bắc Thái Lan, đến Chiang Rai, Chiang Mai của một, hai công ty du lịch lớn vẫn chưa thành. Các chuyến caravan (du lịch bằng ô-tô tự lái) dọc theo EWEC đi từ miền Trung Việt Nam dù rất độc đáo nhưng vẫn khá hiếm hoi. Mới đây, sau chuyến đi đầu tiên được hưởng ứng khá mạnh mẽ vào năm 2009, Vietravel tái khởi động tour “EWEC với sinh viên” từ Đà Nẵng đến Mukdahan, chỉ với giá tương đương 100USD dành cho đối tượng đầy tiềm năng này. Giấc mơ của Vietravel là kéo dài chương trình xuyên tuyến, hoặc ít nhất là đến Khon Kean - thủ phủ vùng Đông Bắc Thái. Nhưng chi phí phải trả cho vận chuyển làm họ ngần ngại.

Khát vọng của những nhà làm lữ hành về việc làm sôi nổi thêm hoạt động du lịch trên toàn tuyến EWEC vẫn cháy bỏng...

 

Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) có tuyến đường bộ dài 1.450 km nối hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, xuất phát từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar đến điểm cuối là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam), đi qua 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Đây là tuyến huyết mạch về hợp tác kinh tế, trong đó phát triển du lịch là một ngành kinh tế chủ đạo với nhiều di sản trên tuyến.

Mô tả ảnh.
Các nhà lữ hành đều ước mơ tổ chức các tour xuyên EWEC.

 

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Hiếm có đoàn khách đường bộ nào từ Việt Nam đến được Cố đô Sukhothai một thời vang bóng của Vương quốc Thái Lan.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.