.

Giành lại nhịp đập trái tim

.

Thạc sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Triệu, đơn vị tim mạch- Bệnh viện Đà Nẵng (ĐVTM-BVĐN) là người con của vùng đất Phú Yên. Anh nối dõi nghề gia truyền, theo học ĐH Y Huế và “xe duyên” với thành phố Đà Nẵng để cống hiến sức trẻ, tài năng của mình.

Mô tả ảnh.
Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu (hàng thứ hai - người thứ hai, từ phải sang) cùng Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trải lòng dân đảo Lý Sơn

Gặp hai mẹ con chị Mai Thị Của và cháu Trần Thị Tường Vy mới hơn 6 tháng tuổi tại Bệnh viện Đà Nẵng vào những ngày cuối cùng của năm 2010, qua giọng nói, tôi đoán họ không phải người Đà Nẵng. Thấy tôi xa lạ và không giống bác sĩ nên chị Của khép nép. Đứa trẻ trên tay chị cứ nghịch ngợm, miệng ngậm những ngón tay bé xíu. Gần 2 tháng qua, chị Của giao cho chồng trông coi hai sào tỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để ra Đà Nẵng chăm sóc bé Vy điều trị bệnh tim bẩm sinh.

Chị Của chậm rãi cho biết, cơn bão dữ quét qua Lý Sơn vừa qua gây thiệt hại lớn cho gia đình cũng là lúc bệnh tình con chị trở nặng. Chứng viêm phổi kéo dài khiến cơ thể nhỏ bé của cháu thêm xanh xao, tím tái. Nhiều người bà con nói cứ đưa cháu vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng vợ chồng chị không kham nổi chi phí ăn ở, đi lại. Hai sào tỏi ở Lý Sơn thu nhập chưa tới 10 triệu đồng/năm, giá cả trượt dài nên lo lắm. May có mấy anh từ đất liền ra đảo công tác rỉ tai: “Ở Đà Nẵng, bệnh của con chị chữa được từ 3, 4 năm nay rồi. Cứ đi đi, cho gần, đỡ tốn tiền”. Thế là chị Của đưa con ra Đà Nẵng để được can thiệp mạch, bít ống mạch máu bất thường. Cháu bé phải điều trị viêm phổi tích cực trước khi tiến hành CTM. Bé Vy được chính tay BS Nguyễn Bá Triệu tiếp nhận và điều trị thành công. Tết này, chị Của cũng vơi bớt ưu phiền vì con.

“Trông BS Triệu kiệm lời, đôi khi cảm giác khó gần, nhưng thấy anh ấy thăm bệnh nhân tại phòng bệnh thì mọi người chắc hẳn sẽ nghĩ khác. Sự ân cần, tỉ mỉ, dành nhiều thời gian tham vấn sức khỏe người bệnh là điều mà người thiếu kiến thức như chúng tôi rất cần”, chị Của nói. “Chúng tôi biết áp lực ở đây căng lắm, vì mỗi ca mổ thường kéo dài 3-4 tiếng, có khi từ sáng đến chiều. Thế mới thấy nghề y không sung sướng như nhiều người tưởng”, mẹ của một bệnh nhi ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ. 

4 năm và 500 ca can thiệp mạch

 

Mô tả ảnh.
Ca CTM của bác sĩ Nguyễn Bá Triệu đã giúp cho bé Tường Vy (ngồi giữa) vượt qua cơn bạo bệnh.

Năm 1999, BS Triệu tốt nghiệp ĐH Y Huế với tấm bằng đỏ. Sau đó, anh tiếp tục 2 năm học thạc sĩ và lại đạt loại ưu. Khi anh tốt nghiệp cũng là lúc Đà Nẵng “trải thảm” thu hút nhân tài. Ban đầu, anh được nhận về Khoa Hồi sức nhi vốn luôn đầy ắp bệnh nhân nặng, hiểm nghèo.

Tại đây, BS Triệu đã nhiều lần chứng kiến cảnh các em mắc bệnh tim bẩm sinh nặng lần lượt ra đi do không có cơ hội phẫu thuật sớm. Trái tim người thầy thuốc 32 tuổi này lại nhói đau vì bất lực, vì thiếu nhiều thứ cần thiết. Anh mong ước có nơi để mình thực hiện ước mơ trả lại tuổi thơ hồn nhiên cho các em bị bệnh tim bẩm sinh.

Số bệnh nhân mắc bệnh tim tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng tăng, nhu cầu điều trị bệnh tim càng cấp thiết, dẫn đến yêu cầu cần phải hình thành một ĐVTM chuyên sâu. Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, BVĐN quyết tâm phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, đầu tư cho lĩnh vực tim mạch. Năm 2006, với sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ trong và ngoài nước, số tiền hỗ trợ trang thiết bị lên đến 1,5 triệu USD để hình thành ĐVTM. Đó là lúc BS Triệu và nhiều đồng nghiệp tài năng khác có “đất” để thực hiện ước mơ của mình trong việc ứng dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến như: Phá vách liên nhĩ ở trẻ sơ sinh, nong hẹp van tim, bít các lỗ thông bất thường trong tim bằng dụng cụ…

Qua 4 năm, từ lúc được các chuyên gia tận tình hướng dẫn ca đầu tiên, đến nay, đơn vị đã từng bước trưởng thành và ngày càng phát triển, điều trị phẫu thuật và CTM cho hơn 1.000 bệnh nhân, góp phần không nhỏ vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tim trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận. Riêng BS Triệu là người trực tiếp CTM cho hơn 500 trường hợp. Nhiều ca khó, phức tạp đã khiến các BS phải căng mình qua từng giây giành sự sống cho người bệnh. Cứ như thế, ngày càng có nhiều người bệnh tìm tới tầng 5, khu A-BVĐN, nơi tiếp nhận điều trị các ca bệnh tim bẩm sinh để tư vấn điều trị.

 BS Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc BVĐN tâm đắc: “500 ca CTM do BS Triệu cùng ê-kíp kỹ thuật viên đã tiến hành là con số ấn tượng khi chỉ qua 4 năm thành lập. Trong đó, thực hiện thành công kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp là nỗ lực rất đáng mừng, đáng tự hào, giúp bệnh nhân trong khu vực có điều kiện điều trị thuận lợi, không phải đi xa, đỡ tốn kém và vất vả”.

Chúng tôi nợ… người bệnh

 

“Nếu mỗi nơi tiếp nhận nhân tài biết định hướng và đầu tư thỏa đáng, không có lý do nào để những nhân tài của thành phố không dốc lòng cống hiến cho bản thân và cho xã hội”

(Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng)

BS Triệu cho biết đã 20 lần anh lấy uy tín người thầy thuốc “vay nóng” tiền từ các tổ chức từ thiện ủng hộ để trang trải cho những ca mổ bởi nếu thiếu tiền, để muộn vài ngày thì người bệnh sẽ cận kề hơn với cái chết. “Ở trường, chúng tôi được dạy rằng nghề Y là nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp bởi mọi công việc dù nhỏ đến đâu cũng đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”, BS Triệu chia sẻ. Cứ như thế, BS Triệu và các cộng sự luôn thấy mình “nợ người bệnh” những ca mổ và CTM mà nếu không cố gắng thực hiện càng sớm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Được chọn là gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm qua là sự ghi nhận của xã hội, là sự động viên khích lệ đối với BS Triệu và cả ngành Y tế thành phố. BS Nguyễn Bá Triệu là một trong số rất nhiều người đang âm thầm nỗ lực không mệt mỏi, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Với họ, công việc cũng tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim. Họ đã và đang làm nên những điều “đáng sống” để cống hiến cho một thành phố “hấp dẫn và đáng sống”.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.