.

Đất khách thành quê nhà

.
Ông “Tây” đi họp tổ dân phố

Mô tả ảnh.
Chị Andrea theo chồng về định cư tại VN từ năm 2007.
Hơn 10 năm qua, người dân ở tổ 39, phường Bình Hiên, quận Hải Châu vẫn gọi ông Wang Chung Shinh, người Đài Loan, bằng tên thân mật là Eric. Nhắc đến Eric, mọi người nơi đây nghĩ ngay đến ông Tây 54 tuổi chăm đi họp tổ dân phố. 

Eric cho biết, ông định cư tại Đà Nẵng đã hơn 10 năm. Hiện ông sống cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Thoa và 2 con trai. Ngoài thời gian tất bật với công việc - vợ chồng ông là chủ Công ty TNHH một thành viên Phong Bắc, chuyên kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, cuộc sống hằng ngày của ông cũng như bao người đàn ông Việt Nam khác. Sáng tranh thủ dậy sớm đưa con đến trường, tạt qua quán cóc ven đường, nhâm nhi chút cà-phê rồi đến công ty. Buổi chiều, ông gặp gỡ bạn bè hoặc dành thời gian chăm sóc mấy chậu cây cảnh trong vườn nhà. Trong cảm nhận của ông, thành phố Đà Nẵng đang có những bước phát triển mạnh mẽ, an ninh tốt và con người rất đỗi thân thiện.

Chưa định cư lâu dài như ông Eric, mặc dù kết hôn đã lâu nhưng đến năm 2007, chị Andrea mới theo chồng về hẳn tại Đà Nẵng. Thời gian đầu chưa quen và hoài niệm về nước Đức xa xôi, chị bị trầm cảm nặng. Những món ăn đặc sản Đà Nẵng như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo…, chị không dám đụng đến. Nhưng rồi chị quen dần với mảnh đất miền Trung Việt Nam vốn nắng gắt và mưa dầm này, nhất là với sự yêu thương, giúp đỡ của gia đình chồng, bây giờ cuộc sống của Andrea dễ dàng hơn. Andrea hiện sống đầm ấm cùng gia đình chồng và con trai tại tổ 8, phường Bình Hiên, quận Hải Châu.
 
Thỉnh thoảng chị hào hứng tham gia công tác phụ nữ trong tổ. Dù nói vui rằng chỉ “đi xem cho biết” nhưng Andrea thích những hoạt động như thế lắm vì không những có thêm bạn mà còn học hỏi nhiều về phong tục tập quán của người Việt Nam. Andrea cho biết, Tết năm nay chị đã có thể tự tay làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên rồi. Năm nào vào dịp Tết, chị cũng mua quà Việt Nam để gửi tặng người thân ở nước ngoài. Trong suy nghĩ của chị, Đà Nẵng rất yên bình.

Quê hương thứ hai

Ngoài Eric và Andrea, còn rất nhiều người nước ngoài quyết định kết hôn và định cư tại Đà Nẵng. Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Công an Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, toàn thành phố có hơn 50 cặp vợ chồng là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam đang tạm trú ở Đà Nẵng. Họ xem thành phố bên bờ sông Hàn là quê hương thứ hai của mình và cố gắng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây. Eric cho biết, 7 năm nay ông ăn Tết tại Việt Nam. Có năm ông và vợ đón mẹ cùng người thân từ Đài Loan sang Đà Nẵng cùng vui Tết.
 
Những hôm đó, ông lại cùng vợ bận bịu chuẩn bị những món ăn mang đậm hương vị Việt như: bánh chưng, gà luộc chấm muối tiêu, chả giò, bánh tráng cuốn thịt heo, mì Quảng... “Tết cổ truyền ở Việt Nam và Đài Loan không quá khác nhau. Hơn nữa, bây giờ lên siêu thị cũng có thể mua được nhiều món ăn của người Đài Loan như bánh bao, há cảo… Người Đài Loan còn thích ăn cá vào dịp Tết như một cách để cầu may mắn, sung túc và cá có bán ở Đà Nẵng rất nhiều”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, với vai trò dâu con trong gia đình, Tết đối với chị Pongviengthong Phouthavanh, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu bận rộn hơn. Ba năm nay, năm nào đến Tết, người phụ nữ 30 tuổi đến từ Lào này cũng cùng chồng đi dạo chợ hoa để mua cành đào, chậu cúc; rồi lên siêu thị chuẩn bị cả giỏ thực phẩm để làm cơm đãi khách và người thân trong gia đình chồng hay bạn bè. Từ khi lấy chồng Việt, Phouthavanh thích sống như một phụ nữ Việt, tự tay nấu ăn vào dịp đầu năm, thắp hương tổ tiên.
 
Phouthavanh cho biết, dịp Tết Tân Mão này, những người bạn của chị sẽ qua Đà Nẵng ăn Tết cùng gia đình chị. Còn những người bạn nước ngoài của chị Andrea ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường đi du lịch vào những ngày lễ cũng sẽ đến Đà Nẵng trước thời khắc giao thừa. Vợ chồng chị đã “nhắm” trước một quán bar ven đường Bạch Đằng để gặp gỡ bạn bè, chào đón năm mới và ngắm dòng người tấp nập trong khoảnh khắc rộn ràng, ý nghĩa này.

KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.