"Em, đừng đợi!"

.

Sáng 30-4, cờ hoa phấp phới giăng khắp nẻo đường, người người lũ lượt đổ ra đường đi chơi lễ. Năm nào cũng vậy, ngày kỷ niệm thống nhất đất nước diễn ra trang trọng và nhộn nhịp khắp ngõ quê miền Tây.

Ông Ba Năng đứng trước tủ kiếng vuốt phẳng lại một nếp gấp nhỏ trên bộ quân phục phẳng phiu. Xong xuôi, ông lững thững đi lại bàn trà, ngồi xuống kiểm tra lại giỏ xách nhỏ, coi bà vợ mình có quên thứ gì không.

Đã thành lệ, mỗi năm vào dịp này, ông sẽ đi cùng bà lên bảo tàng tỉnh, ghé qua tượng đài Chiến thắng rồi gặp gỡ bạn bè chiến hữu, bao nhiêu việc cũng mất hết một ngày.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cô cháu gái nhìn mặt trời đã bắt đầu đứng bóng mà bà nội vẫn còn chưa sửa soạn xong, cảm thấy lo lắng thay cho ông. Ấy vậy mà ông nội vẫn bình thản ngồi nhâm nhi từng ngụm trà như không có việc gì.

- Nội ơi! Để con vô hối bà nội nhanh lên một chút, đi trễ quá sẽ nắng lắm.

- Thôi con! Tại ông chuẩn bị xong sớm, không phải bà trễ đâu! Còn tới 15 phút nữa lận, ông trừ hao rồi, con yên tâm!

Ông Ba nhẹ nhàng ngăn cản, nháy mắt với cháu gái rồi cười cười nhìn bà vợ vẫn đang thong thả lựa chọn giữa mấy bộ đồ.

Cháu gái nghĩ hoài cũng cảm thấy không hiểu nổi. Từ nhỏ tới lớn, bao giờ cô cũng thấy ông dành ra thời gian để đợi bà, vậy mà cho dù đợi bao lâu, có lố giờ đi nữa cũng không thấy ông bực dọc hay cáu gắt với bà bao giờ. Bà lần lữa chưa xong, ông cứ nhẩn nha ngồi đợi không oán thán một lời.

- Hiếm có người đàn ông nào tốt tính như nội á. Người yêu con hổng có kiên nhẫn như ông đâu, ra trễ một chút là lại bắt đầu hờn mát này kia.

Ông Ba nhìn vẻ mặt phụng phịu của cháu gái liền biết tụi nhỏ chắc giận dỗi gì rồi. Thằng cháu rể tương lại này được ông rất ưng, vì vậy ra mặt nói đỡ:

- Nó giận là đúng rồi còn gì? Làm người phải đúng giờ giấc, con hẹn giờ nào phải đúng hẹn khít rin mới là người thành tín. Hiểu không con? Đừng có ỷ người ta yêu chiều rồi lấn tới!

- Ông nội la con vậy, mà sao chiều bà nội kiểu kia được? Bao giờ đi đâu bà cũng để ông đợi hoài, con có thấy ông phiền đâu nè.

Thấy cháu gái không phục mà so đo phân bì, ông Ba cười cười cốc đầu cô gái:

- Bà tụi bây khác, tụi bây khác. Hiểu chưa con? Còn chưa hiểu thì để ông kể cho nghe…

***

Năng vừa cuốc xong bờ ruộng sau nhà thì trời vừa sẩm tối. Bên trong căn nhà lá nho nhỏ, bà Tư mẹ anh đã đốt lên ngọn đèn mù u, ngồi chờ anh bên mâm cơm. Khác với mọi khi, hôm nay anh nhận ra mẹ có vẻ bồn chồn lẫn muộn phiền, vì vậy sau bữa cơm mới kéo ghế lại hỏi.

Bà Tư ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn con trai rồi bấm bụng hỏi thẳng:

- Má… nghe thằng Tư Tòng nói, con tính đi theo nó lên Châu Đốc hả?

- Dạ, con phải đi má à! Nghe anh Tư nói tới hôm kia, bọn Pôn Pốt đã tấn công biên giới Tây Nam mình rồi. Đau xót lắm, má à! Thân là thanh niên sức dài vai rộng, con đâu thể ngồi yên. Má, cho con đi nghen?

Bà Tư nghe giọng nói nghẹn ngào nhưng đầy kiên quyết của con trai, cũng biết mình không thể lay chuyển ý chí của Năng. Nhưng mà, hai đứa con trai lớn với chồng của bà đã nằm lại ở chiến trường xa, bà không muốn mất đi đứa duy nhất còn lại. Mà cản thì bà không đành.

- Bây đã quyết thì má không cấm cản. Nhưng mà… Năng ơi, nhà bây giờ chỉ còn lại mình con. Con mà có bề gì nữa thì má sống sao nổi!

Năng biết má không phải là người ích kỷ chỉ biết nghĩ tới mình, chỉ là ba nỗi đau liên tiếp dồn dập, tin hy sinh của ba cùng anh Hai với anh Ba vẫn là nỗi đau không nguôi trong lòng má.

Chiều hôm đó anh Tư Tòng ngoắc Năng lại, kêu Năng tối ra ngoài bờ rào có chuyện. Khi Năng ra tới nơi đã thấy một bóng dáng mảnh khảnh đứng đó, cây đuốc nhỏ trong tay lập lòe soi rõ khuôn mặt thấp thỏm của Út Thà.

- Tui nghe ba nói, anh tính đi với anh Tư tui ra ngoài kia hả?

- Ừ! Chiến sự đang dầu sôi lửa bỏng, mình nam nhi chui rúc ở nhà không đặng. Mà… Út kêu tui ra đây có chuyện gì hôn?

Năng nhìn Út Thà mấp máy môi rồi cúi đầu xoắn lấy bàn tay, vệt ửng đỏ lan dần từ gò má xuống tới mép tai rồi tới cổ. Da Út Thà trắng lắm. Má anh nhiều lần ngồi tấm tắc khen rồi liếc anh với vẻ tỏ tường:

- Con nhỏ con nhà nông mà có vẻ ngoài đài các, da thì trắng như bông bưởi mà chuyện nhà có thua ai đâu, vừa siêng năng lại nữ công gia chánh đủ đầy. Má vừa nhìn đã thấy mà thương. Nhà nào có phước cưới được đứa con dâu như nó. Bây nói có phải hông?

Năng cười ngượng nghịu lủi nhanh ra sau nhà, dốc liên tiếp mấy gáo nước trong khạp để che giấu sự ngượng ngập của mình. Chắc là má anh nghe phong thanh từ chỗ nào rồi biết anh với cô Út lóng rày hay gặp gỡ.

Nhà Năng ở gần mé sông, có một cây cầu bến rất dài. Các cô các chị trong xóm hay rủ nhau ra đó giặt giũ cho tiện. Cứ cách ngày là Út Thà lại đi cùng mấy cô bạn lại đem đồ dơ trong nhà ra đó giặt, tiếng cười nói rộn ràng cả một góc sông. Năng cũng hay ra sông tắm giặt sau mỗi buổi làm đồng, hý hoáy rửa cuốc rửa cày cả buổi chưa xong. Bạn bè chung quanh trêu chọc, hai người cũng đều đỏ mặt, ăn ý làm thinh.

Giờ phút này nhìn thấy Út Thà xoắn tay, lúng túng như gà mắc tóc, chưa cần cô gái nói thì anh đã hiểu. Xoắn xuýt hồi lâu, tới khi nghe thấy tiếng tằng hắng nho nhỏ bên kia bờ rào, Út Thà dúi vô tay Năng vật gì đó, nói thật nhanh:

- Anh Năng, nhứt định phải trở về nghen. Út… đợi!

Út Thà nói xong liền quày quả trở về nhà, bỏ lại chàng trai đứng bối rối ở bờ rào. Gió mùa hè lao xao, thổi lên gương mặt bỏng rát của cậu trai làng đương độ xuân thời.

Năng mỉm cười sung sướng nhìn chiếc khăn tay vuông vức được thêu nhánh mai vàng trong tay mình. Vậy là coi như hứa hẹn rồi phải không?

Ngày Năng ra đi, Út Thà không dám ra tiễn. Cô sợ mình không kìm lòng bật khóc sẽ làm vướng bận bước chân người ta. Năng ra đi vì bảo vệ Tổ quốc, Thà ở lại với tình yêu cùng nỗi nhớ mong anh, chàng trai quê bẽn lẽn tai đỏ ửng khi cô trao cho anh chiếc khăn tay thêu nhành hoa mai vàng ngày nào.

Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam tạm ổn, chiến sự không còn ác liệt nữa, nhưng Năng vẫn không về. Rời chiến trường Tây Nam, Năng theo quân đoàn đi chi viện cho cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt ở Tây Bắc.

Chiến trường ngày càng gian khổ và ác liệt, cả nước gồng mình và sục sôi cho cuộc chiến bảo vệ nhân dân và toàn vẹn lãnh thổ mới. Thà ngày đêm mong ngóng, chỉ một vài tin tức ít ỏi nghe lỏm được từ cuộc nói chuyện của những người đàn ông trong nhà cũng khiến cô thấp thỏm không yên.

Ngày tháng trôi qua, cuộc chiến cam go mà khốc liệt kia cũng kết thúc, thanh niên trai tráng trong vùng lục tục trở về quê cũ. Có người lành lặn, có người mang theo thương tích từ chiến trường, nhưng trong số ấy không có Năng của cô.

Thà không có tin tức gì của Năng, bởi vì ngay khi tập kết ra chiến trường ngoài ấy, anh Tư và Năng đã được phân về hai đơn vị khác nhau, từ đó cũng mất đi tin tức.

Một ngày cuối tháng Mười, Thà nhận được một bức thư, bên trong chỉ có một trang giấy xé vội. Dòng thư ngắn ngủi chỉ có 3 chữ, “Em, đừng đợi!”.

Người đưa thư là một chiến hữu của Năng, nói rằng anh nhận được sự nhờ vả này vào đêm trước trận chiến ác liệt cuối cùng ấy. Năm người bạn chiến đấu, mỗi người đều mang trên mình bốn bức thư với địa chỉ khắp mọi miền. Ai không may nằm lại, những người khác sẽ chuyển lời nhắn nhủ về quê nhà cho bạn. Và Thà của cô đã không trở lại.

Nhưng Út Thà không nghe lời Năng. Cô bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn của người xung quanh, vẫn kiên trì chờ đợi từng ngày, ngày ngày vẫn qua lại thăm nom người mẹ già chiếc bóng của Năng. Cô gái quê bé nhỏ kiên trì nuôi hy vọng ngày anh trở lại mặc dù cô biết, hy vọng ấy le lói hơn ngọn đèn dầu trước gió.

Một ngày đầu năm 1980, người thương binh với khuôn mặt trẻ măng tập tễnh từng bước trên đôi nạng gỗ đứng lặng trước sân nhà má Tư. Rốt cuộc rồi cô Út cũng chờ được ngày Năng của cô trở lại, dù là trong một hình hài không lành lặn.

Út Thà nhìn bóng dáng tưởng lạ mà vô cùng quen thuộc ấy, nước mắt tủi hờn cứ thế mà rưng rưng rồi trôi tuột xuống, tay mân mê vạt áo bà ba mà đứng khóc. Dưới vành nón vải, người thanh niên cúi đầu che giấu đôi mắt đỏ hoe của mình, chỉ chìa một chiếc khăn tay trắng mỏng ra lau chúng đi, nhỏ giọng trách:

- Út khờ quá! Tui đã biểu là đừng có đợi! Sao mấy người không nghe lời tui gì hết vậy?

Út Thà nhào vào lòng Năng khóc không thành tiếng. Chiếc khăn tay rơi xuống đất, cuộn theo cơn gió phất phơ cùng một bên ống quần trống rỗng của anh.

Cứ như vậy, trong suốt hơn mấy chục năm sau đó, chẳng bao giờ Năng để Thà phải chờ đợi anh, cho dù là một phút, một giây. Bởi vì anh biết, những tháng ngày chờ đợi trong vô vọng của Út Thà đủ để minh chứng cho mối tình kiên định, cũng đã dùng hết tất cả sự nhẫn nại đời này của cô ấy. Giờ đến lúc anh dùng phần đời còn lại để làm điều đó.

THỦY NGUYỄN

;
;
.
.
.
.
.