Bâng khuâng sưa vàng

.

Tôi phải mất hàng giờ để tìm manh mối cho một bắt đầu về sưa vàng, loại cây vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam tại vùng đất Tam Kỳ, thủ phủ Quảng Nam.

Lòng còn đương tiến thoái thì may mắn thay, vừa thêm một mùa sưa khởi sắc rợp vàng thành phố. Buổi sớm, ra khỏi nhà đã thấy sưa vàng rực một góc đường. Lòng nôn nao chi lạ. Giờ đây, cây di sản trăm tuổi vườn Hương Trà đã gửi hương đi khắp chốn. Ngoài nét đẹp cổ thụ vườn Cừa, cây sưa vàng tuổi nhỏ đã phủ lên Tam Kỳ một nét đẹp tươi mới, trẻ trung.

Một góc làng sưa hoa vàng bên bờ sông Tam Kỳ. Ảnh: ST
Một góc làng sưa hoa vàng bên bờ sông Tam Kỳ. Ảnh: ST

Thật ra, sưa không phải là “đặc sản” của riêng thủ phủ Tam Kỳ. Dọc quốc lộ 14B về vùng trung du Tiên Phước, sưa trong lấp ló thung ngàn, sưa rực vàng thị trấn, sưa ôm ấp làng cổ Lộc Yên. Và trên biết bao vùng miền xứ Quảng, loài cây dễ trồng, ưa hoa đã làm đẹp đất trời, làm rung động lòng người mỗi mùa chuyển trời trong tiết cuối xuân đầu hạ.

Nhưng có lẽ do được biệt đãi, cây trăm năm mang tên giáng hương đã đem lại cho Tam Kỳ một sắc màu di sản riêng, để khi nhắc đến một mùa lễ hội, Tam Kỳ được gợi nhớ như một xứ sở vàng sưa.

Tôi nhớ bâng khuâng câu thơ của anh Huỳnh Ngọc Chiến, một người con Tam Kỳ mấy chục năm trước đã viết về hoa sưa bằng tâm hồn da diết: "Em hóa làm hoa sưa ven sông/ Thả vào tôi một thoáng tình không/ Tôi như trẻ nhỏ mơ hoa nắng/ Mê mãi nhặt hoài chỉ luống công". Rồi đọc anh viết “chỉ có tâm hồn trong như pha lê của tuổi học trò ngày ấy mới còn ghi mãi dấu ấn sâu đậm của kỷ niệm, để ngày về chúng tôi có thể nhận ra cung bậc ngọt ngào trong từng cánh sưa bay”, tôi thấy trong bóng dáng một nhà nghiên cứu, một dịch giả, một nhà giáo, một nhạc sĩ như có ánh nhìn ngây thơ của một đứa trẻ lên mười còn lưu mãi với thời gian. Có lẽ Huỳnh Ngọc Chiến gọi tên “cửu lý hương” khi gán cho sưa vàng xứ sở để lý giải cho “loài hoa có hương thơm tỏa khắp chín làng thôn, ý muốn nói rằng hương sưa bay xa lắm”...

Nhưng dù gọi bằng cách nào đi nữa, vẻ đẹp vàng sưa, không biết tự năm nao đã tô điểm cho vùng đất này - nơi không phải chôn nhau cắt rốn của tôi nhưng đã dung dưỡng ôm ấp tôi hơn nửa quãng đời. Tôi yêu Tam Kỳ vì ở đây, từ thập niên 90, tôi bước “vào đời” với một trái tim sôi nổi nhiệt thành của tuổi trẻ. Gần ba mươi năm gắn bó, tôi đã uống nước nguồn Phú Ninh để tưới tắm tâm hồn mình, tôi đã thở bằng khí trời trong veo ven dòng sông Bàn Thạch, tôi đã được qua bữa hằng ngày với cá biển Tam Thanh, bằng rau thơm Trường Xuân… Trong bình dị vùng đất này, tôi đã giữ được “hương âm vô cải” của xứ sở quê hương để rồi âm thầm tự hào những hồng cầu “rặt Quảng” không ngừng được trao gửi. Thành phố của tôi, vẫn nho nhỏ như thị xã năm nào tôi mới ngụ cư, bạn bè tôi cùng ngụ cư, rồi con cái chúng tôi lần lượt chào đời và lớn lên ở đây chưa từng bị phân tầng gốc, ngọn. Và ở đây, mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi hàng cây bao năm qua như chẳng hề thay đổi. Sự ân cần, niềm thủy chung, tình gắn bó ấy, như vàng sưa qua năm qua tháng, đôn hậu mà đậm hương.

Tiết trời chuyển giao giữa hai mùa xuân - hạ, sưa ủ mình rồi vàng ruộm lên những góc phố, những hàng cây đầy nắng ven sông. Sưa là loài hoa nhanh tàn, mới nở buổi sáng buổi chiều sau đã thấy rụng kín mặt đất. Trong cánh gió, sưa bay như mưa. Những hạt bụi vàng ấy, hóa thân hồn nhiên lẫn trong nụ cười trẻ nhỏ, vô tư lự mà trìu mến bâng khuâng.

Cám ơn loài hoa di sản đã mang lại một “danh xưng” riêng và rất mới cho Tam Kỳ: thành phố hoa sưa. Tên gọi mộc mạc, thân thương mà không kém phần kiêu hãnh, bởi trong sắc sưa vàng, mùi “giáng hương” tinh túy gấm hoa hẳn sẽ còn bay xa vạn dặm trong dấu bụi thời gian.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.