Những mùa lạ trong thơ Thế

.

Thơ Đỗ Thượng Thế kiệm lời, cách kết hợp từ lạ và sáng tạo. Đọc thơ anh, phải đọc thật chậm tựa như nhấp trà vậy, mới uống vào thấy có chút đắng chát nhưng nuốt từng ngụm nhỏ, vị ngòn ngọt sẽ đọng lại thật lâu. Lần dò được cái tứ trong mỗi bài thơ Thế thật khó, có khi phải đọc đi đọc lại, nhẩn nha đến dòng cuối cùng mới nhận ra được.

Ngay từ đầu đề “Trên lá sâu vẽ bùa”, nhà thơ dường như muốn đưa người đọc vào mê lộ chữ; xuất phát từ một hiện tượng thực tế: con sâu đục những hình thù lạ mắt trên chiếc lá, qua cái nhìn tinh nhạy, Thế gọi đó là đang vẽ bùa. Độc giả sẽ lần lượt đọc từng bài thơ thật kiệm lời trong thi tập để tìm những thông điệp mà Đỗ Thượng Thế gửi gắm.

Với 38 bài thơ chia làm hai phần chính: Những đám mây khác (21 bài) và Khúc Ballad nụ hôn (17 bài), tập thơ đem đến cho chúng ta những khám phá bất ngờ khi đồng hành cùng bước chân thi sĩ. Phần một của tập sách “Trên lá sâu vẽ bùa” thiên về mảng thơ thế sự; mỗi hiện tượng đã và đang xảy ra qua quan sát tinh tế của Đỗ Thượng Thế đều gợi cho độc giả những ngẫm suy. Belinxki đã từng viết: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” và với Đỗ Thượng Thế cũng vậy. Thơ anh gắn bó với hiện thực cuộc sống xung quanh; không gian thơ anh bắt nguồn từ khu vườn cũ nhân một lần ngang qua trong chiều tắt nắng, một nhánh san hô chết hay một đập hồ cạn trơ đáy…

Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng để thơ anh hướng tới, lại vừa là nguồn mạch để nuôi dưỡng những thi ảnh giàu tính ẩn dụ biểu trưng. Thơ Thế chạm vào những khuất lấp, trăn trở với những nỗi đau sâu kín trong đời sống xã hội. Những phận đời chịu bao nhọc nhằn bởi vòng quay cơm áo, bão tố chiến tranh, dịch giã, hạn hán, lũ lụt hiện lên rõ ràng qua những con chữ hàm súc: “Hạn rang hạt chồi bùn sình ao chuôm nứt váng/ ngập úng hăm ba ông Táo về trời/ đậu dưa bắp bí ụp òa hụp lặn/ phờ mặt đôi bờ đong đưa đong đưa…” (Đồng dao tháng Chạp)... Và trong những phận người đó không thể thiếu hình ảnh người mẹ, người bà của anh; ám ảnh nhất trong những dòng thơ Đỗ Thượng Thế là nỗi đau về những mất mát không thể bù đắp nổi: “Bà tôi không chợp mắt/ đốt bùng một bó nhang to/ lẫm chẫm men theo tiếng cú/ Chao ôi...! /bà phủ phục/ lạy/ trước những vì sao đang run rẩy/ trong đen ngòm hố bom” (Bà tôi). Những gam màu đối lập từ bức tranh cuộc sống lập thể, đa chiều… xuất hiện không hiếm trong thơ anh, để lại dư vị đắng chát trong tâm hồn người đọc.

Phần hai của tập thơ mềm mại hơn bởi những vần thơ chắt chiu từ khát vọng, nỗi hoài nhớ về đồng quê một thời con trẻ, từ những khao khát bất tận níu giữ những ngọt ngào của xuân đất trời và còn có cả một điệu ballad nhẹ nhàng, trữ tình trẻ trung của tình yêu nồng say… Cảm thức về thời gian của Đỗ Thượng Thế đậm đặc ở mảng thơ trữ tình; điều đó bắt đầu từ cách đặt tên đề cho mỗi bài thơ: “Sáng ốm”, “Rót chiều Nam Phước”, “Trong sương sớm Trà Nô”, “Nốt xuân”, “Mùa lạ”, “Khúc mộc tháng Giêng”, “Mùa sau”…

Bước chân thời gian mùa đi qua trong thơ Đỗ Thượng Thế thật tinh tế chất chứa những tiếc nuối trước sự tàn phai; mùa đồng khô cỏ cháy: “Ruộng cấy quánh khô rát rạt/ gàu cào/gàu cào”, “ve ran mùa phượng cháy”, mùa thu đến cùng “nguyên niềm chiếc lá/ thầm hát bên trời thao thiết/ mãi... không rơi”; mùa đông về trong nỗi thao thức “mưa dài cơn rát khô” (Mùa lạ). Tuy vậy, khi mùa xuân về những hy vọng mới lại tràn đầy trong thơ anh: “Cánh én vút từng không/ nốt bè cao khát vọng/ tuổi đơm mơ - nốt ngọc xanh ngân trào”… (Nốt xuân). Tình yêu trong thơ Đỗ Thượng Thế được thể hiện ở nhiều cung bậc, thấm đẫm cảm thức về thời gian; đó là nỗi bổi hổi phút ban đầu: “Anh đứng rêu nơi ấy/ Con tàu rời ga mau/ Hồi còi khuya run rẩy/ vọng đau - thuở ban đầu…” (Anh đứng rêu nơi ấy); là nỗi buồn dang dở: “người ngồi như lá rơi/ cạn hết một bóng chiều dứt áo” (Vậy thôi, bao nhiêu cho hết), là những hạnh phúc sau giờ phút cách li vì dịch giã: “họ trao nhau/ tiếng chuông trong ngực/ Và nụ hôn.../ cả không gian thủy tinh tan chảy /tinh khiết một ban mai” (Khúc Ballad nụ hôn).

Đọc “Trên lá sâu vẽ bùa”, ta nhận ra tư duy thơ Đỗ Thượng Thế hiện đại, thi ảnh giàu tính biểu trưng, nhiều dòng thơ xuất hiện dấu chấm lửng như một sự bỏ ngỏ, một khoảng trắng để người đọc tự rút ra những ẩn ý. Dẫu rằng, đâu đó trong những tập sách vẫn còn vài câu thơ hơi khó hiểu bởi thơ ca đôi khi là sự mênh mang, mơ hồ của tâm trạng. Không thể phủ nhận, so với những tập thơ trước đó, Đỗ Thượng Thế đã có bước tiến đáng kể. Sự kín kẽ trong cách phản ánh hiện thực, những mãnh liệt tuôn trào trong tình yêu cuộc sống, trong khát vọng tìm đến chân trời nghệ thuật luôn thao thiết trong từng vần thơ của người thi sĩ đất Quảng Nam. Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng bày tỏ: “Đọc những câu thơ của Đỗ Thượng Thế, tôi đủ chứng cớ để tin rằng, anh đã sống như lần đầu tiên với xứ sở và những con người nơi ấy và anh đã cất tiếng về nơi chốn ấy. Khi Đỗ Thượng Thế viết, thực ra là anh đang sống trong một tinh thần cao cả nhất cho dù có thể anh không hề biết…”.

Suốt 20 năm gắn bó với nghề viết bên cạnh nghề dạy học, nhà thơ Đỗ Thượng Thế (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đạt nhiều thành tựu: ba tập thơ đã xuất bản: “Trích tôi” (NXB Hội Nhà văn, 2009), “Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh” (NXB Văn học 2011), “Dưới tấm trần rỉ mưa” (NXB Hội Nhà văn, 2017) cùng mấy chục giải thưởng của Trung ương và địa phương. “Trên lá sâu vẽ bùa” là tập thơ thứ tư của anh, vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 4-2024.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.