Đường mòn hun hút trong mơ

.

Đi giữa đại lộ thênh thang, xe cộ trôi như dòng kênh mà nhớ đường làng. Đường làng quanh co nối những chiếc ngõ khép mình trước nếp nhà tranh mái bạc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chỉ là con đường mòn băng qua xóm nhỏ mà lúc đợi đèn đỏ ở trong lòng phố khiến mình nhớ quay quắt. Con đường mòn chưa đầy hai mét, hai bên cỏ mọc xanh rì, ở giữa lõm xuống vì từng bước chân, vết xe bào mòn. Mỗi lần về quê, để sống lại cái thời chăn trâu, cắt cỏ thế nào mình cũng cởi đôi giày, tất ra cầm trên tay để đi trên mép cỏ. Cỏ mềm mại như thảm lụa, ở đó bàn chân vốn quen với nền đá, gạch ở phố giờ muốn thẩm thấu chút hương đồng gió nội. Bàn chân cảm nhận từng milimet thớ đất để rồi lòng thốt lên rằng không gì yên ả hơn thế.

Năm xưa trên cù lao Bắc Phước (Quảng Trị), thời tóc bỏ trái đào, chiều nào cũng ra ngõ ngóng mạ đi chợ về. Trước nhà là con đường dài hun hút vắt qua cánh đồng, mỏng tang như sợi chỉ. Chiều nào cũng thế có một người phụ nữ băng qua con đường ấy. Đó là một cô giáo với mái tóc dài, lúc nào cũng thấy vận áo dài tím, trắng trông thật duyên dáng. Mình thường ngóng theo cô cho đến lúc mất dần ở cánh đồng xa xôi. Giữa màu xanh của mạ non là tà áo dài thật đẹp. Và chiều nào cũng thế, thay vì ngóng mạ về, mình ngồi thẩn thờ đợi cô qua. Bảy tuổi mình đã biết cái đẹp của con đường mòn bởi từng chiều có một người phụ nữ vận áo dài băng qua. Tà áo dài ấy cứ bay mãi cho đến bây giờ mỗi khi nhớ về con đường mòn trước nhà.

Năm mười tuổi mình phát hiện sau hè nhà có con đường mòn. Từ cái ang nước đi mãi ra sau hè, qua mấy giàn bầu, bí; nương khoai, luống cải cho đến cánh đồng bất tận là con đường mòn. Có lẽ con đường ấy rất ít ai đi. Mình hỏi mạ sao không rào lại. Mạ cười, bảo để rứa khi nào thích lùa vịt về lối ấy cho tiện. Mạ bảo thế nhưng chẳng bao giờ mạ lùa vịt về con đường ấy. Ít người đi nên cỏ mọc, lâu lâu lại thấy dấu chân đạp lên làm nghiêng vạt cỏ để đi. Lớn lên, biết đạn pháo chiến tranh là nỗi ám ảnh của xóm làng. Hỏi mạ, ba ở đâu mà không thấy về nhà. Mạ chỉ cuối trời, nơi cột khói cao vút, bảo ba đi tìm những người ném mìn, ném bom để đánh. Mình hình dung ba mình là một chiến sĩ oai nghi. Và mạ kể từng đêm ba về thăm nhà bằng con đường nhỏ sau hè. Đó là con đường mong nhớ da diết mà chỉ có mạ mới biết. Vội vã tìm về rồi vội vã ra đi. Cũng trên con đường mòn ấy, mạ dắt ba ra tận cánh đồng, rồi một mình quay về thút thít khóc.

Đó là con đường tràn ngập hương quê. Hai bên mép đường là hoa cải, mỗi mùa xuân những luống cải già cứ vàng ruộm. Hoa vàng theo lòng mẹ cứ già đi. Mỗi mùa xuân ba không về, mạ ngậm ngùi: Chờ giống cải mùa sau. Cứ thế, những mùa xuân đi qua, nhiều vụ cải đi qua...

Lớn lên, bàn chân băng qua những con đường trên mọi miền đất nước. Có những con đường đi qua chẳng bao giờ quay lại được để rồi hoài nhớ. Có những con đường bị mòn đi bởi đế giày ngày nào cũng nện xuống mà mình chẳng một chút lưu tâm.

Ao ước trở lại với con đường mòn tuổi thơ, nơi cô giáo với mái tóc mượt cùng tà áo dài quyến rũ hay trở về căn nhà xưa để chạy trên con đường mòn mạ đợi ba của vài chục năm trước.

Những con đường mòn như thế chỉ còn trong tâm tưởng. Dài hun hút đến vô tận trong mỗi giấc mơ.

Yên Mã Sơn

;
.
.
.
.
.
.