Sống vì người đã khuất

.

Chiến tranh đã lùi xa lâu rồi, thế mà không ít những người nằm xuống cho sự toàn vẹn đất nước vẫn chưa về gần với người thân. Đây đó vẫn có những cựu binh lặn lội về chiến trường xưa, nơi đồng đội nằm lại để báo những tin tức tốt lành làm nên những cuộc đoàn viên cay mắt làm nguôi ngoai nỗi nhớ thương mòn mỏi…

Những tấm bản đồ xưa giúp ông Trần Ngọc Doanh dễ dàng xác định các vị trí đồng đội hy sinh năm xưa.Ảnh: V.T.L
Những tấm bản đồ xưa giúp ông Trần Ngọc Doanh dễ dàng xác định các vị trí đồng đội hy sinh năm xưa.Ảnh: V.T.L

Tấm lòng cựu binh Đà Nẵng

Ông Trương Văn Tranh cho tua cái clip quay cảnh ông và 14 đồng đội vượt núi lên Hòn Quắp, khu vực Bầu Bàng, xã Hòa Bắc, đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đến đoạn bạn ông đưa tay cào nhẹ lớp đất dưới hố để lộ ra một mảnh vải dù nửa đỏ nửa trắng, sau đó thêm một khăn voan quấn quanh cổ, ông nói với tôi, rằng đó là hài cốt của một nữ bộ đội được xác định tên là Phạm Thị Tân, quê ở Xuân Thiều, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Lần đó, sau khi nhận tin của người dân đi rà phế liệu trên núi báo phát hiện mộ liệt sĩ, ông hội ý cùng anh em tổ chức chuyến đi 3 ngày 2 đêm lên Hòn Quắp, tìm và đưa về hài cốt 4 liệt sĩ. Cho dừng phim lại, ông bồi hồi kể: “Một thời gian sau, chính người dân đã báo tin cho tôi đêm đó nằm mơ thấy có hai người đến than trách rằng tất cả có 6 người, sao đưa về 4 người mà bỏ lại 2 người trên núi. Tôi nghe nói mà nổi da gà. Cũng mất gần 2 năm sau mới tìm được hài cốt của hai người đó, vì không có thân nhân nên đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Hiệp”.

Tiếng lành đồn xa. Lần nọ, có 3 phụ nữ ở Hà Nội liên lạc với ông nhờ đưa lên núi rừng Hòa Bắc tìm hài cốt anh trai họ là liệt sĩ Vũ Văn Cầu, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh Hải Vân. Người năm xưa chôn cất thi hài anh trai họ cho biết liệt sĩ Cầu mang thắt lưng Trung Quốc màu xanh, trên túi ngực có quyển sổ nhỏ bìa xanh đen. Đoàn người cơm đùm gạo bới vượt núi rừng. Sau khi hoàn tất các lễ nghi tâm linh, họ đào xuống và phát hiện thắt lưng, sau đó là quyển sổ tay. 3 người phụ nữ ôm di vật của anh mình để lại mà khóc không thành tiếng. Họ đưa hài cốt liệt sĩ Cầu về Hà Nội với lòng biết ơn những người cựu chiến binh Đà Nẵng.

77 tuổi, ông Tranh hiện là Trưởng ban Liên lạc Đại đội Độc lập cánh Bắc Hòa Vang. Gần 10 năm qua, ông và các cựu chiến binh đã đi cả thảy 31 lần về hậu cứ của các đơn vị đóng ở phía Tây Hòn Quắp như Bầu Bàng, Khe Răm, Khe Dâu, Khe Đào, Khe Muôn, Khe Áo, Dốc Quạt... Mỗi địa điểm một kỷ niệm riêng với người sống và cả với những người đã khuất. Không phải chuyến đi nào cũng có kết quả, chỉ 18 chuyến tìm được 31 liệt sĩ, còn 13 chuyến kia “trắng tay”.

Một số liệt sĩ không rõ danh tánh, chưa tìm quê quán, chưa gặp thân nhân, ông và đồng đội đưa về an táng ở các Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu), Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Riêng một liệt sĩ không rõ quê quán hy sinh cùng với em trai ông, ông đưa về thờ và giỗ chung...

Tiền thương binh dành cho nghĩa tình

Ở khu dân cư số 14 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, có thương binh Trần Ngọc Doanh, từng là chiến sĩ của đơn vị Đặc công 471 - Quân khu 5, đã cùng anh em đi tìm đồng đội từ năm 1997.

Liệt sĩ đầu tiên ông tìm được tên là Nguyễn Quang Miệng, người xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), thông tin ghi đầy đủ trên một tấm gỗ đặt cạnh mộ. Liệt sĩ Miệng hy sinh ở Bến Ma, núi Hòn Vàng, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

21 năm sống có trách nhiệm với người đã khuất, ông Doanh và đồng đội có gần trăm chuyến đi về chiến trường xưa; trong đó, chuyến dài ngày nhất (11 ngày) về tỉnh Bình Phước (tỉnh Phước Long cũ). Là lính đặc công, ông từng tham gia với Quân khu 6 nên được mời vào xác định địa điểm B52 của Mỹ thả bom hủy diệt Bệnh xá K65B đóng tại đây. Lần đó, mọi người tìm được 37 bộ hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về an nghỉ nơi quê nhà.

Ngay phía bắc cầu Nam Ô có một con đường mang tên Ngô Xuân Thu, dẫn lên các căn cứ địa cách mạng năm xưa như Khe Răm, Bầu Bàng... Tôi đã không dưới chục lần dọc ngang trên con đường nối phường Hòa Hiệp Bắc với xã Hòa Bắc đó, nhưng cho đến khi gặp người thương binh – cựu binh Trần Ngọc Doanh mới rõ hơn về con người được đặt tên đường.

Chiến sĩ Ngô Xuân Thu thuộc Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, năm đó tham gia đánh đoàn tàu của địch tại Thừa Thiên Huế, bị lộ, bèn ôm khối thuốc nổ hơn 7kg lao vào đoàn tàu đang đến gần. Khi tiếng nổ dậy trời cũng là lúc người chiến sĩ gan dạ anh dũng hy sinh, thi hài được người dân địa phương chôn gần đó.

“Tôi và đơn vị Công binh Hải Vân nhiều lần tìm đến chiến trường xưa mà không có kết quả gì. Sau đó, mình tôi quay lại nhiều lần nữa để tìm hiểu thêm thông tin. Đến tháng 3-2016, tôi được một người dân tên Tứ quê ở Duy Xuyên (Quảng Nam), hiện ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết ngày trước ông từng đi lính và được giao quản lý đoạn đường sắt nơi liệt sĩ hy sinh. Chính ông Tứ đã vận động bà con nhặt xác liệt sĩ Ngô Xuân Thu chôn tại khu vực này”, ông Doanh nhớ lại.

Xác định được vị trí cần tìm, ông Doanh cùng đơn vị Công binh Hải Vân và các CCB huyện Phú Lộc phát hiện được nơi chôn hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Thu và liên hệ gia đình đưa về an táng tại quê nhà Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Có lần ông chia sẻ: “Đồng đội, đồng chí hy sinh, chúng tôi may mắn còn ở lại… nên việc tham gia cùng đi tìm anh em đồng chí là trách nhiệm, và cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới đành thôi!”.

Đi tìm đồng đội xưa, ông Trương Văn Tranh được sự hỗ trợ trực tiếp của Đảng ủy, UBND, Mặt trận và các đoàn thể phường Hòa Hiệp Nam. Ông Trần Ngọc Doanh có hai khoản trợ cấp là hưu trí và thương binh. Tiền hưu ông gởi vợ, tiền thương binh (mỗi tháng được 1,2 triệu đồng) ông dành dụm cho những chuyến đi nghĩa tình với trách nhiệm của người còn sống đối với người đã khuất...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.