Đà Nẵng trong mắt người dưng

.

Gọi Đà Nẵng trong mắt người dưng vì các tác giả trong tập sách Cảm nhận Đà Nẵng (*) là những nhà văn, nhà thơ, các kiến trúc sư (KTS), nhạc sĩ, họa sĩ... đều không sinh ra ở Đà Nẵng. Có người đã từng sống và chiến đấu tại đây trong chiến tranh. Người khác chỉ đến, dừng lại rồi ra đi. Nói chung họ là người dưng, người dưng thường nói thật chẳng ngại chi ai. Mỗi người mỗi góc nhìn mỗi cảm nhận khác nhau, chỉ duy nhất có một điểm chung: Đà Nẵng đều gây cho họ ấn tượng mạnh mẽ và những tình cảm đặc biệt.

Bìa tập sách Cảm nhận Đà Nẵng.
Bìa tập sách Cảm nhận Đà Nẵng.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo luôn tìm thấy ký ức và sự chờ đợi khi chuẩn bị về Đà Nẵng. Khác với mọi người, mỗi lần lưu lại ở đô thị này, anh chọn một tâm thế: “Chúng tôi dành nhiều thời gian cho sự yên tĩnh để lĩnh hội không gian chung quanh mình.” Bởi vì chính trong khoảng không gian tĩnh lặng ấy giữa xô bồ cuộc sống anh nhận ra “Đời sống một vùng đất mà ta gắn bó và hy vọng luôn mặn mà, ta như muốn lặng chìm vào để tiếp tục nhận một sức sống”. Cảm nhận về một sức sống của thành phố này hay ngược lại, thành phố đã cho anh một sức sống mới. Có lẽ là cả hai.

Họa sĩ Lê Thiết Cương lại quan tâm đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đó là chân dung tinh thần văn hóa của thành phố Đà Nẵng vì là nơi lưu giữ, bảo tồn ký ức, truyền thống, văn hóa cộng đồng, cánh cổng  vừa kết nối quá khứ, mở ra với hiện tại, hướng tới tương lai. Anh chú ý đến nét độc đáo của kiến trúc bảo tàng này với “những ô cửa rộng  so với tỷ lệ của các bức tường” và “nhiều nhất là cây hoa đại, người Nam gọi là cây hoa sứ, người Lào gọi là hoa Chăm Pa. Chắc hẳn đó không chỉ là vô tình. Mà liệu có thể thay bằng cây gì khác mà vẫn mang được nhiều ẩn ý như vậy không nhỉ?” Để rồi anh kết luận bài viết của mình về sức sống của nghệ thuật: “Tất cả đều phù du, chỉ có nghệ thuật là còn lại cùng với vẻ đẹp của tự nhiên như những bông sứ nghìn năm đã và sẽ còn nở mãi”.

Còn với TS Nguyễn Thị Hậu, từ góc độ nhà khảo cổ học, chị luôn nhìn hiện thực khách quan  bằng mối liên hệ từ quá khứ, từ lớp lớp dưới lòng đất đá và lịch sử. Chị nhìn thấy mối quan hệ giữa Cảng thị Hội An và Cảng Đà Nẵng trong sự phát triển  tiếp diễn thương mại trao đổi hàng hóa với bên ngoài, chị có một mong mỏi: “Nếu đèo Hải Vân- tiền đồn và cửa ngõ phía Bắc, và Hội An- biển cửa Đại gắn với cửa Hàn một thời sầm uất- thuộc về Đà Nẵng thì hay biết bao! Khi quá khứ được nối dài trở thành một phần của hiện đại sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong tương lai”.

Đà Nẵng trong mắt ai. Người ta đến rồi đi và nghĩ gì về Đà Nẵng. Nói chuyện văn hóa, lịch sử, quan trọng cũng chỉ là nói chuyện con người. Mọi thứ đều tốt đẹp, đều hấp dẫn mà nếu như con người ở đó không tốt thì những thứ khác không còn giá trị. KTS Nguyễn Thúc Hào, người được nhận nhiều giải thưởng  danh giá về kiến trúc của thế giới về những công trình kiến trúc mang tính cộng đồng, nhân văn đã nghĩ một cách tốt đẹp về người Đà Nẵng: “Những con người thẳng thắn, khẳng khái và hay lý sự ấy thực sự trở nên đáng yêu, dễ gần khi tiếp xúc và điều ấn tượng nhất để nói về họ chính là họ có niềm tin vào sự tốt đẹp của con người”. Với họa sĩ Việt kiều Vũ Trọng Thuấn, người có một chỗ đứng nhất định trong giới hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, đã chọn Đà Nẵng nơi sống cuối đời của mình đã cho rằng: “…Sau gần 6 năm sống tại đây tôi đã nhận nhiều, rất nhiều từ vùng đất này. Đà Nẵng đã cho tôi quá nhiều làm sao kể hết. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với thành phố này”. Nhà đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của nước  ta – Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh viết về Đà Nẵng bằng những điều trải nghiệm riêng rất sâu sắc sau khi đã quay nhiều phim tài liệu về Đà Nẵng: “Bây giờ tôi mới hiểu: Hóa ra Vàng của Đà Nẵng ở trong mình thật mà mình không biết, mà ngày xưa cứ vơ vẩn đi tìm ở những chân tháp cổ. Những người Đà Nẵng mà tôi đã gặp mãi mãi là vàng trong tôi, nó làm cho Đà Nẵng rực rỡ từng ngày…”. Và ông mong ước: “Nếu luân hồi có kiếp sau… Tôi đi Tourane. Và có lẽ tôi sẽ ở lại Đà Nẵng, không về nữa!”

Đà Nẵng là nơi không thể nào quên với KTS Trần Ngọc Chính, người từng là Chủ nhiệm đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng – một thành phố vốn là một khu liên hợp khổng lồ (hải-lục-không quân của Mỹ và chính quyền Sài Gòn để lại)  phát triển hình hài đô thị ngày một hoàn thiện để trở thành một thành phố đáng sống như ngày nay. Công trình thiết kế “Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng” của Trần Ngọc Chính và cộng sự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đó là kết quả thu được từ sau khoảng thời gian lăn lộn của anh với thành phố từ năm 1991 đến nay, anh không ngần ngại để cho rằng Đà Nẵng sẽ hướng tới: “… xây dựng thành phố thông minh – thành phố xanh xứng tầm là đô thị đi đầu cả nước về phát triển và quản lý phát triển đô thị”.

Và không phải vô tình trong tập sách Cảm nhận Đà Nẵng có sự xuất hiện của 3 KTS hàng đầu về những lĩnh vực kiến trúc chuyên ngành. Ngoài KTS Trần Ngọc Chính và KTS Nguyễn Thúc Hào là
GSTS-KTS Hoàng Đạo Kính – ông ví von vẻ đẹp của Đà Nẵng là “đô thị - đóa hoa trên biển Đông”. Ông nhìn nhận giá trị kiến trúc của Đà Nẵng sau hơn hai mươi lăm năm đổi mới: “ … thành phố hầu như  nhân đôi quỹ kiến trúc của mình. Đà Nẵng, thành phố duy nhất hạ tầng chờ kiến trúc. Thành phố duy nhất mà đường mới và nhà mới nhiều hơn cũ, diện mạo mới lấn át khuôn mặt cũ”. Và  mới đây trong cuộc trò chuyện, ông cảm thấy lo ngại cho sự phát triển ồ ạt của các đô thị lớn của Việt Nam đã phá vỡ không gian kiến trúc của đô thị, ông nhấn mạnh: “Chỉ có duy nhất Đà Nẵng là còn trong tầm kiểm soát…”.

Đối với những người làm thơ, nhạc thì Đà Nẵng vẫn đầy nét quyến rũ luôn khơi gợi cảm xúc để sáng tạo. Nhà thơ Phan Vũ, tác giả của trường ca  Em ơi, Hà Nội phố!, là người gốc Đà Nẵng nhưng 90 năm từ ngày sinh mới lần đầu về quê hương, ông rưng rưng đọc những dòng thơ trong chương đầu của tập trường ca mới viết về Đà Nẵng: Suốt đời tôi là kẻ tha phương/ Chín mươi năm phiêu bạt/ Khoảng trống không thể nào khỏa lấp/ Hôm nay tôi nhận quê hương khi khóc trước nấm mồ… Khung trời xanh giăng mây nhớ? Khoảng cách hun hút dặm ngàn/ Bao tình yêu xin đóng gói mang theo”. Các nhạc sĩ như Phan Huỳnh Điểu. Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thụy Kha đều bày tỏ niềm hy vọng, Đà Nẵng sẽ là nơi chốn nảy sinh cho những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Nhạc sĩ Trần Tiến đã dành một “thời lượng” khá dài khi viết về Đà Nẵng. Chỉ 5 ngày ở thành phố, anh đã có những cảm nhận: “Đà Nẵng kham khổ đang bay lên trong khát vọng. Mảnh đất của những bài ca âm thầm, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, trẻ trung. Kho báu nằm ngay eo biển miền Trung, nơi bao chàng nhạc sĩ đi qua vô tình”.

Đà Nẵng là một thành phố đầy khát vọng vươn tới, là vùng đất đầy cảm hứng sáng tạo đối với các anh em văn nghệ sĩ, xin mượn lời của nhạc sĩ Trần Tiến để kết thúc bài viết này: “Bài hát (những tác phẩm nghệ thuật) hay nhất bạn đang tìm lại nằm ngay dưới cát bụi chân ai”.

HỒ SĨ BÌNH


(*) Cảm nhận Đà Nẵng. Nhiều tác giả. NXB Hội Nhà văn. Đà Nẵng 2018.        

;
.
.
.
.
.
.