Từ đất

.

Thơ thẩn nhiều khi chợt nhận ra nhiều điều bình thường nhưng thật đáng nghĩ, ví như chuyện về hoa, lá, trái quanh ta. Với tôi, chưa nhiều nhưng thích nhất là những chuyến đi. Mỗi nơi mình đến, biết bao điều ngạc nhiên và xao xuyến.

Hoa actiso Đà Lạt. Ảnh: THU THỦY
Hoa actiso Đà Lạt. Ảnh: THU THỦY

Từ những chuyến đi xa gần ấy, chợt cảm thấy lạ lùng và ám ảnh là chuyện lộc của đất. Đất bao dung cho con người tất cả: từ vô lượng cây trái, hoa lá… cho đến một trong những cái quyền quan trọng nhất thế gian là sở hữu đất. Từ đất, biết bao điều để ta ngạc nhiên, tự hỏi và nhiều khi không lý giải được. Cây chỉ xuất hiện khi hạt được gieo vào lòng đất, được nuôi dưỡng bởi nước và ánh sáng. Hạt được sinh ra khi cây lớn lên và đơm hoa, kết trái. Có loại được chăm sóc ân cần, có loại hoang dại thuần khiết; loại thì to khỏe, cứng cỏi mang đến sự chở che tùng bách; loại thì yếu đuối, mảnh mai của thân phận cậy nhờ liễu rủ.

Trong kho trí nhớ của chiếc máy ảnh, ngoài những danh lam thắng cảnh, tôi rất thích lưu lại những cây, lá, trái, hoa. Mỗi nơi tôi đến, nhìn mâm cơm, rổ (đĩa) rau với những màu xanh lạ lùng đủ làm nên kỷ niệm: rau kèo nèo, điên điển, so đũa… trong bát canh chua Nam Bộ; thịt trâu lá trơng (Quảng Trị), lá lồm (Hòa Bình), lá dớn (Tây Bắc)... Có lẽ, hồn của đất theo từng cung bậc đã cho con người đủ đầy mùi vị nhân gian: đắng, cay, chua, ngọt... Tôi không giải thích được, vì sao giữa khắc nghiệt gió Lào khiến chiếc áo tơi phải ra đồng mùa hạ, lại có những quả cam ngọt thơm vào loại nhất: Cam Xã Đoài (Nghệ An), rồi bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Tôi đã tới và nhìn bạt ngàn những đồi cam Cao Phong (Hòa Bình), rồi những nhãn Hưng Yên, xoài Hòa Lộc... Bao nhiêu lần ra Hà Nội, chẳng hiểu vì sao tôi cứ ám ảnh hàng sấu cổ thụ bên đường. “Giới thiệu với mình sấu nhé/Cô này ta gọi bằng em” (Việt Phương).

Vào trong Nam thì không thể kể đếm bao nhiêu loại quả làm mình như trở nên mạnh khỏe: vú sữa (Tiền Giang), dừa (Bến Tre), thanh long (Bình Thuận), dĩ nhiên những hoa và lá Đà Lạt, Tây Nguyên... trở thành niềm tự hào của cả nước. Vài lần đến Bình Định, không thể nào quên tô canh cá chua lá bứa hoang dã đậm đà.

Ở quê tôi, mỗi lần vào chợ, hàng biển thường ở phía sau, còn hàng của đất ở khu giữa. Phong phú có lẽ không thua nơi nào trên cả nước, nhưng vẫn có chút hanh hao xứ nghèo, do bản tính chắt chiu, dè xẻn hay sao, trong các quán quê tôi những lát chanh được cắt nhỏ xíu đến nao lòng. Củ hành, củ kiệu chỉ được thong dong khi ngày tết đến. Sẽ thất bại trăm phần, nếu kho cá không có vài quả ớt xanh đập dập đi kèm.

Rồi tô mì Quảng mà vắng trái ớt xanh giòn rụm thì xem như chưa biết quê hương. Đó là chưa kể đến những rau răm, rau mơ, rau má khiêm nhường thân phận, nhưng dễ nào quên. Không gì hào phóng và sòng phẳng như đất, đắng như khổ qua cũng trở thành hồn quê chất phác, rồi thuốc lá Cẩm Lệ (“giọt lệ đẹp?”) trở thành thứ làm nên tiếu lâm. Nghe đâu, hồi năm 65, 66, khi Mỹ hành quân vào Miếu Bông, Cẩm Lệ, thấy mấy chị quê Thanh Quýt phì phèo thuốc lá, kháo nhau: “Dân Việt Nam chịu chơi thiệt, phụ nữ cũng hút xì gà!”. Thỉnh thoảng đọc báo, nghe tin mấy người con gái vùng cao, mỗi khi bế tắc chuyện đời thường tìm lá ngón. Hôm rồi, lên Hà Giang, đồng nghiệp chỉ cho tôi mấy ngọn lá chết chóc ấy, từng đọt lá hiền lành khỏe khoắn mà sao độc đến kinh sợ. Từ đất đủ đầy những sắc thái muôn màu cho cuộc sống con người.

Vừa gấp lại trang cuối Cõi người ta của Saint Exupery (cũng có bản in là Quê xứ con người), với chất văn trong sáng, lãng mạn ngập tràn cảm xúc, nhiều đoạn làm tôi thật sự cúi đầu, chợt da diết câu này “Yêu nhau không phải là ngồi để nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng” và “Đất dạy ta nên người”.

THU THỦY

;
.
.
.
.
.
.