Phương Tài - nhạc sĩ phong trào ngành điện

.

Giọng nói ấm áp trong một dáng vẻ phong trần với nước da hơi sạm, cùng cách nói chuyện sôi nổi, chân thành… là những gì đọng lại trong tôi khi lần đầu gặp nhạc sĩ Phương Tài. Khi nói về những sáng tác của ông, chúng ta không thể không nhắc đến những ca khúc viết về ngành Điện Việt Nam như: Chiếc dây da, Vĩnh Sơn ngày ấy - bây giờ, Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời…

Hình ảnh nhạc sĩ Phương Tài bên cạnh chiếc guitar quá đỗi quen thuộc với những người làm trong ngành điện. Ảnh: M.H
Hình ảnh nhạc sĩ Phương Tài bên cạnh chiếc guitar quá đỗi quen thuộc với những người làm trong ngành điện. Ảnh: M.H

Nhạc sĩ Phương Tài tên thật là Nguyễn Trọng Tài, sinh năm 1953, quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nói về nghệ danh Phương Tài, ông chia sẻ: “Anh em nghệ sĩ hay bảo, Trọng Tài là trong bóng đá rồi nên ông lấy tên Phương Tài đi. Tôi thấy cũng hay, hợp với mình nên lấy luôn cái nghệ danh đó.” Từ Phương ở đây có nghĩa là đi đây đi đó, lang thang khắp nơi, làm đẹp cho đời. Ông cười bảo: “Nếu không đi thì lấy đâu ra chất liệu mà sáng tác.”

Thuở thiếu thời, đam mê âm nhạc, ông theo học guitar. Khi có gia đình, nếu chỉ dựa vào âm nhạc thì không đủ lo cho vợ con nên ông phải tạm dừng đam mê để kiếm cho mình một công việc khá hơn. Ông chọn lái xe của ngành điện, từ Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn, đến Công ty Xây lắp Điện 3 rồi Công ty Truyền tải Điện 2 (trực thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia). Có lẽ, tình cảm đặc biệt mà ông dành cho cái ngành khô khan và nguy hiểm này được bắt đầu từ đó.

Hằng ngày, ngồi đằng sau vô lăng, tưởng chừng người lái xe ấy chỉ biết đến những con đường ngoằn ngoèo, hiểm trở. Nhưng không, với niềm đam mê âm nhạc một con tim luôn tràn đầy tình yêu với đời, với công việc, với đồng nghiệp, ông đã luôn “hát cho công nhân tôi nghe”. Nơi núi non hiểm trở, ông đã đem lời ca, tiếng hát của mình cùng cây đàn guitar để “sưởi ấm” tâm hồn và “xua tan” đi sự nhớ nhà, nhớ người thân của những người công nhân điện. Âm nhạc của Phương Tài đã mang những người công nhân điện đến gần với nhau hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, “gia tài âm nhạc” của ông đã có hơn 50 ca khúc viết về quê hương đất nước, riêng về ngành điện có hơn 40 ca khúc. Ông gặt hái được rất nhiều huy chương, giải thưởng và bằng khen… Trong tất cả các ca khúc viết về ngành điện, ông tâm đắc nhất với ca khúc Chiếc dây da. Ông viết ca khúc này vào năm 1989, với tiết tấu vui tươi, dí dỏm nhưng lại chứa đựng một hàm ý sâu sắc ấy đã và đang “ăn sâu” vào tiềm thức của những người công tác trong lĩnh vực này.

Chiếc dây da theo ta năm tháng.

…Hãy mang em theo, hãy mang em theo, hãy mang em theo, nhớ nghe anh yêu.

...Có em theo cùng vương vấn vẫn vui.

…(Hãy mang) em theo luôn anh nhé, xây dựng công trình lắp trạm đường dây.

Còn bao điều may rủi người ơi…”.

Đối với những người công nhân điện, chiếc dây da là một vật đã quá đỗi quen thuộc. Nó quen thuộc đến độ mà không ai nghĩ nhạc sĩ Phương Tài đã viết riêng một ca khúc về nó. Bằng tâm hồn nghệ sĩ, lại là người trong ngành, hiểu được tầm quan trọng của chiếc dây da, ông đã biến nó từ một đồ vật vô tri, vô giác thành một biểu tượng về an toàn lao động của ngành điện trong ca khúc của mình.

Có được tận tai nghe nhạc sĩ Phương Tài vừa đàn vừa hát những ca khúc về điện nói riêng cũng như những ca khúc do ông sáng tác nói chung, mới thật sự cảm nhận được cái tâm, cái tài của người nhạc sĩ này...

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.