.

Cổ tích lòng nhân

.

Nhìn các sơ cao tuổi vẫn cần mẫn chăm sóc, trò chuyện để các cụ già neo đơn có được không khí gia đình, xua tan cảm giác cô đơn, côi cút. Nhìn các mẹ đang ngày ngày yêu thương, nuôi dưỡng những người con không do mình sinh ra… có lẽ ai cũng sẽ tự hỏi vì sao có những người tốt đến vậy? Tình thương, niềm trắc ẩn vô điều kiện ở họ có thể thắp lên niềm tin về một miền cổ tích có thật giữa đời thường.

Sơ Huỳnh Thị An đang “trò chuyện” cùng cụ Phạm Thị Vân bị mù và điếc. Ảnh: M.T
Sơ Huỳnh Thị An đang “trò chuyện” cùng cụ Phạm Thị Vân bị mù và điếc. Ảnh: M.T

Gia đình của người già neo đơn

Không ai biết cụ Phạm Thị Vân (85 tuổi) đã mù và điếc từ bao giờ. Chỉ biết từ ngày cụ vào sống tại Mái ấm tình thương dòng thánh Phaolo (gọi tắt là Mái ấm) trên đường Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn thì cụ đã không thể phân biệt được ngày và đêm, tháng và năm. Do không còn khái niệm thời gian nên cụ thường đánh thức sơ Lê Thị Thục (76 tuổi) vào lúc 1-2 giờ đêm để được đưa… đi tắm hay để hỏi vì sao mãi vẫn chưa dọn bữa sáng.

Cụ Vân là một trong số 28 cụ hiện đang sống tại Mái ấm tình thương này. Mỗi cụ một tính cách, hoàn cảnh nhưng hầu hết đều lớn tuổi, neo đơn và chuẩn bị bước vào chặng cuối của vòng sinh-lão-bệnh-tử. Những khuôn mặt già nua chầm chậm bước dọc dãy hành lang hoặc ngồi bất động, đầu ngửa về sau, mắt nhắm nghiền chỉ ánh lên tia sáng tinh anh, vui vẻ khi các sơ đến trò chuyện cùng. Mỗi người một cách trò chuyện với sơ.

Cụ điếc và mù cứ chậm rãi nói, sơ sẽ trả lời bằng cái vỗ vào lòng bàn tay cụ với ngụ ý là “có”, nhéo nhẹ lên mu bàn tay với thông điệp rằng “không”. Với những cụ quá lớn tuổi, ánh sáng dường như đã tắt qua kẽ mắt đục ngầu lại có niềm vui đoán tên sơ bằng cách đưa tay chạm vào những đường nét trên khuôn mặt. Và lần nào cũng vậy, các cụ đều đoán chính xác tên các sơ. Với những cụ bại liệt toàn thân, không còn sức để nói, không thể cử động được sẽ chào và “trò chuyện” cùng sơ bằng nụ cười biết ơn với hàm răng chiếc còn chiếc mất…

Với người cao tuổi, sự gắn kết gia đình là điều bền vững và nhân văn nhất. Tuy nhiên, các cụ nơi đây đều không có con cháu, ruột thịt. Nỗi cô đơn, côi cút càng khiến các cụ khúm núm, co ro. Khi hỏi về tương lai, các cụ chỉ lắc đầu nhắc về quá khứ. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, các sơ luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để có thể trò chuyện cùng các cụ. Các sơ tin rằng đây là liều thuốc hữu hiệu nhất, niềm vui duy nhất để giúp các cụ xua đi cảm giác sợ hãi vì cô độc.

Hầu hết, các cụ nơi đây đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, người mất cả 2 tay, 2 chân trong chiến tranh, người chỉ có thể nằm bất động, người mang bệnh parkinson với những cơn run bất tận… Bên cạnh việc chuẩn bị bữa ăn tươm tất, quét tước Mái ấm trong ngoài sạch sẽ, các sơ còn đút từng muổng thức ăn, tắm gội và cẩn trọng làm những công việc vệ sinh tế nhị, bất kể ngày hay đêm để đảm bảo các cụ luôn sạch sẽ và thoải mái nhất. Vì vậy, một ngày của 6 sơ được bắt đầu từ 4 giờ sáng hôm nay và kéo dài cho đến… 4 giờ sáng hôm sau. Cái guồng quay vô tận đó kéo dài mãi suốt tuần, suốt tháng đã 20 năm nay.

Mái ấm của trẻ nhỏ

Nằm cuối con đường Hoàng Văn Hòe, quận Ngũ Hành Sơn là Gia đình số 5 của Trung tâm Bảo trợ Trẻ em đường phố - nơi đang là mái ấm của 25 em và 3 mẹ. Những ngày đầu làm mẹ nơi đây, cô Đặng Thị Trọng từng có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc bởi những công việc không tên, bởi sự bướng bỉnh và lì lợm của những trẻ em đường phố ngày ấy.

Trước khi quyết định nghỉ việc, cô đưa một em nhỏ trong nhà đến khám tại Bệnh viện Tâm thần và buộc phải nhập viện. Những đêm chăm sóc em trong viện, giữa những lần tỉnh - mê, cô gái nhỏ cứ hát mãi bài Gặp mẹ trong mơ. Ca từ của bài hát: “Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe tiếng em gọi/ Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ mẹ/ Mẹ ở phương trời xa xôi hay sao sáng trên bầu trời/ Mẹ dịu hiền về với con nhé, con nhớ mẹ…” và giọt nước mắt trong vô thức của em nhỏ đã làm thay đổi suy nghĩ trong cô Trọng. Cô quyết định ở lại Gia đình số 5 suốt 15 năm qua “để cảm nhận rõ hạnh phúc từ những điều bình dị nhất”.

Cô Trọng nhận ra, sự chân thành, tận tâm mình gửi đi dần dần sẽ nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của các con. Ánh mắt và giọng nói rất buồn của cô mỗi lần con phạm lỗi dần dần sẽ thức tỉnh các con, giúp con nhận ra rằng, người mẹ hồn hậu, yêu thương con đôi khi không cần đến máu mủ ruột rà. Để các con hiểu rằng, “mồ côi” nhưng mình không bị bỏ rơi, chối từ. Để rồi mỗi con tự bước qua sự mặc cảm, sức ỳ và sự lười biếng của bản thân, để nắm lấy bàn tay người mẹ nuôi đã chìa ra cho mình, để tự nỗ lực bởi: “Hết mưa là nắng, hết buồn là vui, mẹ tin rồi con sẽ có tương lai hạnh phúc”.

Trong cuộc sống sôi động ngoài kia, khi những người mẹ hiện đại đang tìm cách để dạy con mình thông minh, giỏi giang, thì các mẹ tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, chỉ đồng hành cùng con, mong con có cuộc sống bình yên, biết đi con đường sáng, biết lèo lái để vượt qua những trở ngại của cuộc sống và trở thành người có tâm hồn hạnh phúc.

19 năm làm mẹ tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), giờ đây cô Hồ Thị Cẩn đã có “gia tài” là 27 người con hiếu thuận. Vốn là giáo viên giỏi của Trường THCS Kim Đồng, Hội An, cô Cẩn đã mặc cho tiếng thở dài của cha mẹ khi ai đó nhắc đến chuyện tình cảm của mình để quyết tâm về làm mẹ tại Làng SOS, để được sống với những đứa trẻ lạ lẫm, không máu mủ ruột rà.

Một trong những người con thiệt thòi nhất của cô Cẩn là em Hoàng Phương Nam. Chưa kịp cảm nhận vòng tay ấm, giọt sữa mẹ, em bị bỏ rơi khi mới 1 ngày tuổi, người còn nguyên cuống rốn, thể trạng ốm yếu đến mức khóc cũng không thể tròn tiếng. Ngày về với mẹ Cẩn, hai chân Nam tím ngắt màu mực bởi những con dấu chi chít, thể hiện “nội dung” em may mắn không mang trong mình HIV. Kể từ đó, chưa một lần sinh nở, cô tập làm mẹ, tập cho con ăn cháo, uống sữa ngoài bằng kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con trẻ lĩnh hội được từ chị gái. Cùng lúc với nuôi dưỡng Nam, cô nhận nuôi cả em Hoàng Thị Hằng, 26 ngày tuổi và 8 người con khác đang học lớp 1 đến 12.

Niềm hạnh phúc khi chứng kiến con lớn lên, cứng cáp, khỏe mạnh mỗi ngày của cô không được trọn vẹn khi Nam và Hằng chậm nói. Nghe ai chỉ cách chữa bệnh, dù mê tín và vô lý đến mấy như bắt cá trầu sống, bỏ vào bao ni-lông, đập lên 2 chân của con rồi lấy cá đó tao lên, nấu thành cháo để con ăn… cô đều mày mò làm theo với hy vọng nghe được tiếng “Mẹ”. May mắn, đến hôm nay, cả Nam và Hằng đều đã nói sõi và ham học. Bắt chước những anh chị lớn trong nhà, hai em cũng biết cách ôm lấy lưng mẹ Cẩn và thốt lên: “Mẹ ơi, con xin lỗi, con thương mẹ lắm” mỗi khi phạm lỗi hay điểm thấp.

Cứ như thế, cô Cẩn vừa làm mẹ, vừa làm cha, kiên trì mỗi ngày để vừa dạy con nên người, vừa rèn tinh thần tự lập, dũng cảm đối mặt với khó khăn và ý chí, nghị lực để thành người có ích. Cô khắc sâu vào niềm tin của các em rằng: “Tương lai của các con như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, cách sống của con hôm nay”. Với cô, điều bất hạnh nhất cho một đứa trẻ không phải là thiếu thức ăn, quần áo mà là phải sống trong sự cô đơn, thiếu tình thương, sự quan tâm từ gia đình. Tất cả những gì cô có thể làm cho con là cảm giác an toàn, được tôn trọng và yêu thương.

Khi đồng tiền đang trở thành thước đo cho nhiều thang giá trị, thì tại nơi đây, những người mẹ vẫn yêu thương đàn con không cùng huyết thống của mình nhiều như hết thảy những người mẹ trên thế giới. Các sơ vẫn yêu thương những cụ già bệnh tật, nghễnh ngãng ấm áp như một gia đình chuẩn mực. Tình yêu thật sự không chỉ nằm ở những điều có thể nhìn thấy mắt mà cả ở những điều chỉ có thể chạm được bằng tim.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.