.
Giới thiệu sách

An nhiên mà sống

.

Tự nhủ cứ lì lợm không lập facebook, mặc người người tủm tỉm trước sự quê mùa của mình để đổi lấy sự bình thản khi không phải hấp thụ thêm những hỉ, nộ, ái, ố xung quanh và cũng không bận bịu phơi bày lòng mình.

Bìa sách An nhiên mà sống. Ảnh: nld.com.vn
Bìa sách An nhiên mà sống. Ảnh: nld.com.vn

Không thể nhớ đã bao nhiêu lần phớt lờ những nội dung đầy gọi mời trên facebook, nhưng không ngờ có lúc lại “dính bẫy” Quynh Huong Le Do, tên trang facebook của biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Lê Đỗ Quỳnh Hương với giọng nói lẫn giọng viết đủ “làm mềm” tất cả mọi thứ.

Chuyện là Lê Đỗ Quỳnh Hương vừa cho ra tập tản văn nhỏ nhỏ chỉ hơn 206 trang, khổ 13 x 20cm (Nhà xuất bản Trẻ), in xong hồi tháng 9-2015. Tên sách nghe nhẹ hều: An nhiên mà sống. Mặt sau bìa sách lặp lại dòng chữ kiểu viết tay “An nhiên mà sống nha bạn!” kèm cái biểu tượng mặt cười chị rất ghiền ngắm nghía mỗi ngày. Toàn bộ nội dung gần 50 bài viết trong sách được góp nhặt từ những “thủ thỉ”, “comment” của Quỳnh Hương trên trang Quynh Huong Le Do. Nghĩa là đọc sách nhưng khác nào lướt từng trang facebook của chị. Vậy mà đến trang sách cuối cùng, bỗng cảm thấy hẫng hẫng như đáng ra phải dài thêm để đọc nữa.

Một tập sách “bộp” vô cái là câu chuyện hai mẹ con chị đi ăn sáng rồi vô tình nhìn thấy… “một chiếc lá khô rơi xuống, lượn qua và chao xuống vỉa hè”, để từ đó kéo về những suy nghĩ bâng quơ. Một tập sách “không đầu không cuối” như cách tác giả tự nhận xét, bởi chuyện gì cũng có thể làm tâm hồn Quỳnh Hương “tan chảy” thì nói sao cho hết tâm tư.

Chị nói văn phong của mình có “một chút” ngôn ngữ miền Tây, nhưng thực ra là một giọng miền Tây không lẫn vào đâu được mới đúng. Những dòng chữ hiện ra cùng cảm giác như đang được nghe MC Quỳnh Hương nhỏ nhẹ, dí dỏm, ủi an, rưng rưng trong Thay lời muốn nói, một chương trình đã đi liền tên tuổi của chị qua bao năm tháng.

Sách chia thành hai phần Yên an mà qua Thương nhau khi còn có thể. Mảng Yên an mà qua tựu lại cũng là cách nghĩ, cách nhìn đời nghiêng về phần “sáng” mà chị gọi là “Thuyết 7/3”. Trong mỗi người hay mỗi việc có 7 phần tốt, 3 phần chưa tốt, như vậy cũng gọi là tốt. Thay vì chăm chăm vào 3 phần chưa tốt để buồn bực thì “Hoy, kệ pà nó ih!”. Thuyết 7/3 không chỉ được Quỳnh Hương “sáng tác” để an ủi, động viên những comment phiền não trên facebook, mà còn là cách nhìn, cách chị tìm thấy niềm an nhiên trong cuộc sống thực tại của mình. Ai nói Quỳnh Hương diễm phúc quá, cuộc sống như ưu ái cho chị quá nhiều để lúc nào cũng có thể an vui và thốt ra những lời hạnh phúc. Quỳnh Hương không nghĩ vậy. Chị thấy ông trời đã ban cho chị đủ hạnh phúc và đắng cay, cả những xui rủi, mệt nhoài không kể đâu cho hết. Nhưng trong hoàn cảnh nào, chị cũng nhìn về 7 phần sáng để bình yên hơn và “biết đủ”. Xuyên suốt tập sách, dù chia phần, chia bài nhưng tư tưởng chung vẫn không ra khỏi “Thuyết 7/3” mà chị đặt ra.

Tựa Thương nhau khi còn có thể của phần 2 đã nói lên nội dung chính của hàng chục câu chuyện tản mạn còn lại trong tập sách. Đọc những điều Quỳnh Hương kể, có 4 nhân vật được nhắc tới nhắc lui không chán và hình như việc gì, chuyện gì của chị cũng không rời những nhân vật quan trọng này. Đó là khóm hoa dại trong vườn nhà hoang dã, quê quê mà đủ kéo Quỳnh Hương ra khỏi những áp lực, mỏi mệt ở bên kia cánh cổng; là người cha ở quê mãi không chịu lên thành phố sống cùng con cháu, nhưng ông luôn hiện hữu trong trái tim và tâm trí cô con gái “bé bỏng” Quỳnh Hương, để chị có thể gọi điện thoại “méc” cha bất kể chuyện gì trong ngày; là cậu con trai mới 12 tuổi mà thiệt tình cảm để mẹ Quỳnh Hương rót mọi yêu thương, nghĩ về mọi điều tốt đẹp phía trước; là anh xã dù không được kể nhiều chi tiết nhưng thấp thoáng bờ vai vững chãi cho chị bình yên trên đường đời.

Nói về khóm hoa, về cha, con trai, anh xã, các em trong ekip để rồi từ đó Quỳnh Hương nói về những yêu thương, hạnh phúc đâu phải ở xa xôi. Chị cứ xót ruột, tiếc hùi hụi khi ai đó cảm thấy ngại, khó nói lời yêu thương với người mình muốn nói. “Chỉ nói thương thôi đã khó, vậy những cái ôm hun chắc còn hiếm hoi nữa, phải không… Trời ơi, tại sao cái có sẵn trong lòng như vậy, mà không chịu nói ra, không chịu làm điều mình mong muốn? Nói hay làm ban đầu có thể mắc cỡ, ngại ngùng nhưng dần dần… cũng sẽ quen mà!” (Những cái hun).

An nhiên mà sống không đầu không cuối, lãng đãng những sẻ chia, rung động của Quỳnh Hương trước mọi chuyện, mọi việc. Từ chuyện mang đôi giày đi tập thể dục, chuyện đứa bé biết nói lời cảm ơn khi được đợi thang máy, hay từ những câu hỏi bâng quơ của cậu con trai cũng đủ để Quỳnh Hương ngẫm nghĩ nên những “triết lý” cuộc đời. Thế nên, đọc về sự an nhiên mà khó cảm thấy hoàn toàn thảnh thơi khi “bị” lôi vào những ngẫm nghĩ lãng đãng cứ đâu đó quanh mình…

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.