.
Nghĩ

Dạy con kiểu Tây và giữ con kiểu ta

.

Câu chuyện về một đồng nghiệp trong cơ quan đã trở thành giai thoại bởi suốt 12 năm con đến lớp, dù mưa hay nắng, dù học chính hay học thêm, anh vẫn đều đặn đưa đón con. Không chỉ vậy, anh và vợ còn bên con cả trong từng bài giảng, từng lớp học. Gia đình anh bằng lòng với việc theo sát con dẫu các đồng nghiệp xung quanh phê phán cách đào tạo “gà công nghiệp” của mình.

Việc chấp nhận khổ sở, mất thời gian, công sức chỉ để bảo vệ con của người đồng nghiệp đi ngược lại với trào lưu dạy con theo kiểu Tây của nhiều gia đình Việt hiện nay. Theo đó, họ dạy con cách tự lập bằng cách để con tự đi bộ đến trường (hoặc đi xe đạp). Dạy con tự trải nghiệm cuộc sống bằng cách tham gia vào các trò chơi lấm lem bùn đất, kể cả dẫn con đi chợ, để con tự chạm tay vào con cá tươi sống…

Tuy nhiên, môi trường tại các nước phát triển quá khác biệt với Việt Nam. Trường học tại Nhật luôn là trung điểm của các mảng xanh. Ngoài giờ học, các em nhỏ trên đất nước “mặt trời mọc” lại dạo quanh các khu nhà vườn, từ đó các em được hiểu hơn về giá trị của từng loại cây đối với sinh thái và sức khỏe con người và từ trong vô thức hình thành tình yêu với cây cối. Trong khi đó, trường học ở Việt Nam lại được bao quanh bởi vô vàn cửa hàng trò chơi điện tử, quán ăn vặt không bảo đảm vệ sinh…

Tại các quốc gia phát triển, người đi bộ, đi xe đạp được xem là thượng đế khi tham gia giao thông. Lề đường thực sự là của người đi bộ chứ không phải của hàng quán vỉa hè, cũng không thuộc sở hữu của nhà mặt tiền. Người đi xe đạp luôn được dành riêng một làn đường an toàn tuyệt đối. Người đi bộ và đi xe đạp thậm chí có thể… nhắm mắt khi đi trên đường bởi người đi ô-tô luôn luôn dừng xe, thậm chí còn hạ cửa kính để vẫy tay chào và mỉm cười thân thiện để người đi bộ yên tâm băng qua đường. Không như tại Việt Nam, những chiếc xe đạp nhỏ xíu, không đèn có thể bị nuốt chửng giữa dòng xe cộ giờ tan tầm. Con số thương vong mỗi ngày trên cả nước do tai nạn giao thông có thể khiến bất kỳ tay lái kỳ cựu nào cũng run sợ chứ không kể đến học sinh, sinh viên.

Tại Úc, việc bán cá được thực hiện khép kín và sạch sẽ tựa như bán… thuốc tây. Tất cả nhân viên làm việc tại chợ cá đều mang đồng phục, găng tay và ủng cùng hệ thống nước thải hiện đại và mạng lưới bán hàng qua mạng… Cá sau khi đánh bắt được đưa thẳng lên những kệ đá đã vệ sinh kỹ lưỡng. Người mua cá có thể đưa con đi dạo, vuốt ve lên cá và thậm chí thích thú nếm thử cá sống, hàu sống ngay tại chợ. Điều này hiển nhiên là không thể tại Việt Nam – nơi cá được đặt trên mẹt và thả trực tiếp xuống sàn chợ quanh năm ẩm ướt, tanh nồng.

Sự khác nhau trong môi trường Tây – Ta còn được thể hiện rõ qua các phương tiện truyền thông tuần qua. Hình ảnh người mẹ ngồi gập người trước cửa phòng mổ, vừa nức nở khóc vừa di di ngón tay trên màn hình điện thoại để xem lại ảnh cười nói của con được phát trên truyền hình cả nước. Nhìn nét thất thần, âu lo trên khuôn mặt chị có thể hiểu, điều duy nhất người mẹ tại quận Cái Răng, Cần Thơ ấy mong muốn là con sẽ tỉnh dậy khỏe mạnh chứ không cần truy cứu ai đã khiến con chị bị chấn thương sọ não ngay trong lớp học.

Cũng trong những ngày ấy, nhiều trang báo mạng lan truyền đoạn phim về thầy giáo một trường tiểu học tại Mỹ nhảy múa và ca hát hồn nhiên trước cổng trường mỗi sáng để khởi động ngày mới cho học sinh và cả các phụ huynh. Màn trình diễn nhiều màu sắc của thầy đã giúp khuấy động tinh thần học tập của các em. Học sinh đến lớp sớm hơn bởi không muốn bỏ lỡ chương trình chào buổi sáng của thầy. Hiển nhiên, những ai làm cha làm mẹ đều không muốn con mình rơi vào hoàn cảnh bất hạnh như trên và hầu hết đều muốn con được hưởng môi trường giáo dục lý tưởng như trường hợp dưới.

Ra đi là để quay về, nhìn ra thế giới không đồng nghĩa với việc quay lưng với quê hương. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận được rằng, việc “bao cấp” con, chấp nhận để con trở thành “gà công nghiệp” dường như là điều bắt buộc để đổi lấy sự an tâm cho người làm cha, làm mẹ khi môi trường xung quanh con không thực sự an toàn. Cách dạy con theo kiểu Tây chỉ phù hợp với môi trường phương Tây, nơi trẻ em được xã hội bảo vệ tuyệt đối khỏi ma túy, tai nạn, cạm bẫy trên thế giới ảo… để được tự nghiên cứu, tự trải nghiệm, tự học đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết trước khi bước vào hành trình tự lập.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.