.

Chữ đẹp, chữ xấu

Vừa rồi tôi có việc phải tới một cơ quan công quyền chứng nhận vào lá đơn, mới thấy công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến đáng kể, phục vụ chu đáo, tận tình các yêu cầu chính đáng của người dân.

Tôi chỉ đợi trong vài phút là tờ đơn được đóng dấu đỏ chót, song thực sự tôi không hài lòng, bởi trong chùm chữ bút phê của họ tôi không thể nào đọc nổi vì chữ viết nghệch ngoạc, cẩu thả vô cùng. Ngày hôm sau, đưa đơn cho anh bạn “dịch thử” họ viết gì thì anh cũng đành... bó tay?

Nhân chuyện lá đơn của tôi, anh kể: “Cơ quan của anh cũng có một nhân viên rất trình độ, năng lực nên được sếp giao một công việc khá phức tạp. Nhiệm vụ của anh ta làm có đặc trưng chủ yếu viết các loại giấy tờ bằng tay, rất ít sử dụng vi tính và đến khi hồ sơ hoàn thành thì phải chuyển cho đơn vị khác nhưng 10 lần chuyển thì họ trả hồ sơ lại hết 9 lần vì những người của đơn vị tiếp nhận không tài nào đọc được các trang viết do chữ của anh ta quá xấu”.

Câu chuyện nhỏ này càng cho thấy nét chữ cũng có vai trò cần thiết trong công việc. Trước đây, những người viết chữ đẹp thường được trưng dụng để viết các loại văn bằng, giấy chứng nhận... do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, nhưng đến thời kỳ công nghệ thông tin bùng nổ, có người nói ngày nay, nét chữ không còn vai trò quan trọng nữa.

Điều này không sai, song hoàn toàn chưa đúng, bởi ngay trong thời điểm hiện nay, có không ít tài liệu, giấy tờ... bắt buộc phải viết bằng tay chứ không thể sử dụng vi tính. Có lẽ không ít người đã từng nhìn thấy nhiều loại sổ sách cấp cho người dân, mẫu mã được in ấn công phu, màu sắc, hoa văn rất đẹp đẽ mà thật “xót xa” trong các trang ấy lại hằn lên những dòng chữ ngoằn ngoèo, căng mắt ra đọc cũng không thể hiểu nổi.

Thời xưa, học vấn của một con người được đánh giá ở văn, song theo họ, văn lại chìm ẩn ở bên trong nên dù hay đến mấy vẫn phải thể hiện bằng chữ thì người khác mới thẩm định được, vì vậy “văn hay” phải đi đôi với “chữ tốt”. Xuyên suốt chiều dài lịch sử và bất cứ trong hoàn cảnh nào, cái đẹp được ươm mầm, sản sinh từ cuộc sống không bao giờ lỗi thời, chữ viết cũng vậy.

Chữ đẹp không chỉ là nét đẹp truyền thống của cội nguồn văn hóa Việt có từ lâu đời mà nó còn mang giá trị tôn vinh, thể hiện sự kế thừa, gìn giữ cái đẹp, rất gần gũi trong đời sống xã hội. Nhìn những nét chữ đẹp, ai ai cũng thích thú, mến mộ. Viết cho người khác bằng những con chữ đẹp là thể hiện tấm lòng, sự trân trọng đối với người mình cần trao đổi, giao dịch và ngược lại sẽ làm khổ người đọc.

Hiện tại, nhiều trường tiểu học đã tích cực rèn chữ cho học sinh. Không ít phụ huynh cũng đưa con cháu đến các cơ sở, trung tâm để tập viết chữ đẹp, bởi cái mục tiêu không chỉ để các em có nét chữ đẹp mà còn tập tành, rèn luyện để các em có tính cần mẫn, kiên trì, cẩn trọng trong lối sống. Cũng có ý kiến, chữ đẹp bây giờ không cần thiết đối với học sinh nữa; đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì nền giáo dục của chúng ta không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em về nhân cách làm người.

Theo khoa học, chữ viết của một con người sẽ không trùng lặp với bất cứ ai trên thế gian này, đây là cái riêng cực kỳ lý thú của tạo hóa nhưng chữ đẹp lại không phải dành cho những người có năng khiếu hoặc có “hoa tay”. Nó sẽ được ban tặng cho những ai thật sự yêu thích nét chữ đẹp truyền thống, chịu khó khổ luyện mới nhẹ nhàng thả niềm đam mê và tâm hồn của mình vào từng nét chữ. Ai có chữ xấu nếu biết cẩn thận và chịu khó tập luyện trong cách viết, chắc chắn sẽ có những dòng chữ đẹp.

Tính thẩm mỹ của từng con chữ được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau và nét đẹp của chữ viết sẽ mãi mãi hòa với muôn vàn vẻ đẹp của cuộc sống. Bây giờ, thỉnh thoảng trên các kênh thông tin tuyển dụng nhân sự cũng có những trường hợp yêu cầu đơn xin việc phải viết tay, điều này cho thấy nét chữ cũng đang được nâng niu, trân trọng. Chính vì vậy mà các cơ quan, đơn vị cần lựa chọn, bố trí những nhân viên, công chức viết chữ đẹp, nếu không chí ít cũng có những người chữ  “đủ chân tay”  để viết các loại giấy tờ cấp phát cho dân... để họ dễ đọc một chút!

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.