.

Cách mạng tháng Tám trong ký ức văn nghệ sĩ xứ Quảng

.

Trong lịch sử dân tộc, Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại, làm thay đổi tiến trình lịch sử dân tộc về tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả đời sống tinh thần và văn học nghệ thuật.

Đó là sự thay đổi về chủ thể và tư duy sáng tạo, cảm quan hiện thực và đối tượng thưởng thức, trong tâm thế của một dân tộc, một vùng lãnh thổ nhỏ nhoi trên trái đất đang “rũ bùn đứng dậy chói lòa”. Cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, các văn nghệ sĩ xứ Quảng đến với cách mạng và kháng chiến với nhiều cảm nhận khác nhau, được ghi nhận trong ký ức khó phai mờ.

Điều dễ nhận ra là, cách mạng là sự đổi đời, sự thay đổi tận gốc rễ trong bản ngã của con người, từ một nghệ sĩ chỉ sống vì nghệ thuật, trở thành một con người, một cán bộ cách mạng và một nghệ sĩ của đời sống đích thực, của nhân dân và cách mạng. Trong hồi ký Đi từ Quảng Nam, Trinh Đường viết rằng: “Mấy năm trước Cách mạng, tôi say mê văn học, say mê đọc và viết. Tôi quyết soạn thảo một tập thơ “quý hồ tinh” theo hướng tìm tòi riêng mình, tôi hạn cho tôi đến ba mươi tuổi phải hoàn thành, để lại cho đời rồi chết (…). Tuổi tôi chưa đến ba mươi thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra.

Từ một người làm thơ, nhờ có tổ chức giác ngộ, tôi trở thành một cán bộ Việt Minh trước khởi nghĩa, chủ trì việc cướp chính quyền ở xã rồi sau đó làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tổng Quảng Hòa (gồm 10 xã, khoảng 1/4 huyện Duy Xuyên), sau lại được cử làm Ủy viên trinh sát huyện này. Cách mạng Tháng Tám đúng là đã làm xoay chuyển cuộc đời tôi, giải phóng tôi khỏi tâm trạng bế tắc trong trường phái thơ lấy cái chết, lấy thơ thuần túy phi nhân sinh làm cứu cánh” (Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu Năm 1945-1954, Nxb Đà Nẵng 2007, tr.164).

Điều quan trọng hơn, không chỉ là sự đổi đời trong bối cảnh chung của cả dân tộc, mà còn, trong bão lửa của cách mạng, đã chói sáng một ngọn lửa của sự sống, thắp lên niềm tin và sự ý thức về nghề nghiệp của người cầm bút.

Nguyễn Văn Bổng, tác giả của những truyện ngắn thể hiện tâm trạng bế tắc của một thế hệ thanh niên thời bấy giờ (Say nửa chừng, Cha mẹ, Dưới đáy sông Hương, Làm lại cuộc đời…), nay đã ý thức được rằng: “Phải đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi mới thật sự bước vào đời văn - hay bước vào đời văn thật sự, tại quê nhà. Cách mạng Tháng Tám, tôi về công tác ở Đà Nẵng, được giao lập lên và phụ trách một trường trung học cho thành phố, làm văn hóa cứu quốc, đồng thời làm thông tin tuyên truyền, đêm đêm lên tiếng trước hàng ngàn người nghe, kêu gọi ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào ruột thịt đã nổ ra ở Nam Bộ. Tập bút ký tôi viết trong những ngày ấy lấy tên của bài đầu tập: Nhập vào đám đông. Tâm trạng hồ hởi của một thanh niên đến với cách mạng, nhập vào cuộc sống của đồng bào mình trong những tháng ngày sôi nổi đó” (Từ vùng đất quê hương, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học xuất bản 1983, tr.11-12).

Còn nhiều tác giả trưởng thành trước cách mạng, chào đón cuộc cách mạng của nhân dân với tất cả sự hồ hởi, phấn khởi như Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình, Phan Thao, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký, Phạm Văn Kỳ…

Hầu hết đều là những cây bút, ít nhiều được bạn đọc biết đến. Cuộc cách mạng không chỉ giải phóng cho cả dân tộc, mà còn giải phóng cho từng cá nhân con người, tạo điều kiện cho họ hội nhập và đẫm mình trong đời sống nhân dân và dòng chảy của lịch sử, để phát huy hết năng lực, giá trị của cá nhân. Ở thời điểm này, trong cả nước, các tác giả đã thành danh một thời như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ… cũng hồ hởi đến với cách mạng, đến nỗi người bị bệnh hiểm nghèo, sắp qua đời như Bích Khê, “ngày khởi nghĩa tháng Tám, anh đang bị bệnh phổi nặng, nhờ người nhà khiêng cả giường nhỏ anh nằm ra trước cổng để tận mắt nhìn thấy nhân dân xuống đường, trực tiếp sống cái giây phút giải phóng đất nước, giải phóng tâm hồn người thơ.

Tôi hiểu sâu sắc nỗi niềm của anh, cũng như ít nhiều từng hiểu tấm lòng anh Hàn Mặc Tử ngày anh còn sống. Trong không khí hào sảng của cuộc khởi nghĩa cả nước, tôi cứ nghĩ rằng, cũng như Bích Khê, nếu Hàn Mặc Tử còn đến hôm nay, anh cũng sẽ cùng chúng tôi, xuống đường biểu tình với quần chúng cách mạng” (Nguyễn Viết Lãm, Miền Nam Trung Bộ, đất thơ trong kháng chiến chống Pháp, in trong Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam 1948-2005, Nxb Hội Nhà văn 2005, tr.1029).

Một thế hệ trẻ hơn, những người chào đón Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến trong khí thế tươi mới, tinh khôi, tạo ra một đời sống tinh thần lạc quan, làm thức tỉnh những cảm xúc thẩm mỹ trong đời sống nội tâm, khai mở con đường đưa họ đến với văn chương như Lưu Trùng Dương, Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Lưu Nghi, Thân Như Thơ, Ngọc Anh, Vũ Hạnh, Võ Quảng… Phan Tứ kể rằng: “Hồi bấy giờ, tôi mới mười sáu tuổi lẻ một tháng, ra đi từ lớp đệ tứ niên Trường Phan Châu Trinh, Hội An. Gia tài chỉ có một cái túi dết bên hông, một tấm vải đắp bằng xi-ta cuộn chéo qua ngực, một kính cận thị số hai, một đôi dép da xách tay nhiều hơn là mang vào chân. Cả tuổi lẫn vóc đều thuộc loại em út trong đoàn, mọi người quen gọi “thằng Khâm”, tôi cũng quen xưng em đến nỗi khi thực tập diễn thuyết trước đoàn, tôi cũng buột miệng nói: Em xin thưa toàn thể đồng bào…

Về sau, tôi thử đeo kính cận lên diễn thuyết, vẫn không tăng được chút uy tín nào trước toàn thể đồng bào.” (Cái Tết đánh Tây đầu tiên, phụ trương tạp chí Đất Quảng xuân 1983). Xuất thân và con đường đến với cuộc kháng chiến của họ tương đối giống nhau, sự bắt đầu từ những tâm hồn trinh trắng và hai bàn tay trắng, để sau này họ có một tài sản đồ sộ gắn với bước đường kháng chiến: Nguyên Ngọc lên Tây Nguyên để có Đất nước đứng lên, Rừng xà nu; Ngọc Anh cũng đi chiến trường Tây Nguyên để có những lời ca bất tử Bóng cây kơ nia, Phan Tứ sang chiến trường thượng Lào để có Trước giờ nổ súng, Bên kia biên giới; Lưu Trùng Dương bám theo bước chân bộ đội trên từng chiến dịch để có Tập thơ của người lính, Chiến sĩ dân công Nguyễn Thị Cam; Vũ Hạnh từ một giáo viên, tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến trường, để có các kịch bản sân khấu Người chủ tiệm, Một giấc chiêm bao, Thưa biết rồi ạ; Võ Quảng công tác bên ngành tư pháp và bám sát làng quê kháng chiến để có Quê nội, Tảng sáng…

Đó là chưa kể đến những tác phẩm họ viết trong thời kháng chiến chống Mỹ. Cuộc cách mạng như một sự châm ngòi, khai mở, tạo những bước đi vững chắc ban đầu trong kháng chiến, tích lũy một trường lực để họ đi hết một đời văn từ thuở chiến tranh cho đến lúc hòa bình.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả của những ca khúc vang lừng một thời kháng chiến như Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong, Mùa đông binh sĩ, Quê tôi miền Nam, Liên khu Năm yêu dấu và sau này trở thành nhạc sĩ của tình yêu dạt dào tuôn chảy với Bài ca xây dưng, Bóng cây kơ nia, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, đã từng minh định cội nguồn cảm xúc của mình như sau: “Nói gì thì nói, điều đầu tiên tôi muốn nói rằng, cuộc đời nhạc sĩ của tôi được khai nguồn, được nuôi dưỡng… được cất nhắc là nhờ Cách mạng Tháng Tám! Nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì tôi biết làm gì?

Phải nói rằng cách mạng đã sinh ra tôi lần thứ hai” (Phan Huỳnh Điểu – tác phẩm và cuộc đời, Nxb Thanh Niên 2000, tr.109). Vậy là, cuộc cách mạng không chỉ giải phóng, không chỉ đổi đời, không chỉ cung cấp nguồn cảm xúc và nội dung mỹ cảm, mà còn sản sinh ra cuộc đời thứ hai – cuộc đời của những văn nghệ sĩ đích thực, sống có lý tưởng và vì một lý tưởng thẩm mỹ, biết tri nhận đời sống và tạo ra cái đẹp để phục vụ cho cuộc sống con người.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.