.

Sẵn sàng dấn thân

.

Năm 2008, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước sớm ý thức nhiệm vụ quan trọng và cấp bách phải đào tạo nguồn cán bộ trẻ về gánh vác những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Nhiều người vừa bước qua tuổi 30 đã được tin tưởng, giao nhiệm vụ. Dường như với họ, mọi cố gắng không bao giờ là đủ cho một nỗ lực ngày càng hoàn thiện bản thân.

Nguyễn Tấn Phát (ngoài cùng, bên phải), Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn trong một chuyến kiểm tra, cải tạo vườn tạp ở hộ gia đình.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nguyễn Tấn Phát (ngoài cùng, bên phải), Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn trong một chuyến kiểm tra, cải tạo vườn tạp ở hộ gia đình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đặt niềm tin vào người trẻ

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trước đó 10 năm, Thành ủy Đà Nẵng từng chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ đối với đảng viên nghỉ hưu công tác ở phường, xã như sau: Chỉ nơi nào chưa chuẩn bị kịp cán bộ trẻ thì mới phân công đảng viên hưu trí tham gia nắm vị trí chủ chốt. Mặt khác, Đà Nẵng cũng chú trọng công tác luân chuyển, hoán vị cán bộ trẻ từ quận, huyện xuống phường, xã, được xem là khâu đột phá trong việc đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo phường, xã hiện nay.

Khóa học “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn Ðà Nẵng” được triển khai vào tháng 6-2008 (gọi tắt Đề án 89) với những ứng viên là sinh viên chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi hoặc cán bộ do phường, xã cử đi thi, có tuổi đời không quá 35.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Phúc, giảng viên Trường Chính trị TP. Đà Nẵng cho biết, các buổi lên lớp, giảng viên (do Ban Tổ chức Thành ủy quyết định) không chỉ dạy kiến thức mà dành phần lớn thời gian truyền đạt kinh nghiệm, cách xử lý tình huống, tiếp dân, rèn luyện bản lĩnh chính trị, khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình, sẵn sàng dấn thân vì một Đà Nẵng ngày càng phát triển. Mỗi khóa học, quy định 5 học viên xếp hạng tốt nghiệp cao nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn nhiệm sở.

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, không chỉ định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ khi tham gia vào Đề án, Ban Tổ chức Thành ủy còn tăng thêm động lực học tập bằng những chế độ ưu đãi tiền lương khi về phường, xã công tác. Theo đó, ngân sách thành phố sẽ bù cho đủ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/tháng. Các học viên xuất sắc, giỏi, khá được chỉ định trực tiếp vào Thường vụ Đảng ủy xã, phường. Một số trường hợp sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm ngay làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND, HĐND phường, xã.

Tạo nguồn cán bộ

Ông Lê Trung Thắng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang cho biết, sau khi tiếp nhận học viên Đề án 89 về công tác ở địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã giao việc cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí, tạo điều kiện để cán bộ cọ xát thực tiễn, đồng thời phân công những cán bộ có kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ tiếp cận công việc, thực hiện việc luân chuyển vị trí công tác trong xã để cán bộ trẻ được tiếp cận nhiều lĩnh vực.

Rất nhiều cán bộ trẻ trưởng thành từ Đề án. Trong đó có không ít trường hợp sẵn sàng từ bỏ công việc quen thuộc, đúng chuyên ngành với mức lương cao để làm quen với lĩnh vực hoàn toàn mới cùng mức lương hạn hẹp.

Học viên Ngô Ngọc Trúc (1980) sau khi hoàn thành khóa học được giao giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, được bầu làm đại biểu HĐND xã Hòa Tiến khóa XI nhiệm kỳ 2011-2016 với mức thu nhập hiện nay hơn 4 triệu đồng/tháng (thành phố hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng cho 5 năm đầu công tác). Trước đó, anh đã trải qua nhiều công việc với mức lương dao động từ 10 đến 17 triệu đồng.

Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí Chế tạo máy, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) năm 2004; văn bằng 2 chuyên ngành Quản trị Kinh doanh thuộc Viện ĐH Mở Hà Nội chi nhánh Đà Nẵng năm 2008, Trúc đứng trước nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Dù vậy, anh vẫn quyết định chọn cho mình một lối đi khác, gập ghềnh hơn.

Hoàn thành khóa học với số điểm trung bình 8,48/71 học phần (xếp thứ nhì khóa II), Ngô Ngọc Trúc quyết định chọn quê nhà Hòa Tiến để công tác. Theo thời gian, ở cương vị mới, anh cùng tập thể lãnh đạo xã tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương. Cuối năm 2013, Hòa Tiến là một trong số ít xã ở Hòa Vang hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được Trung ương và thành phố khen thưởng.

Trong thời gian tới, anh cho biết, mình sẽ cùng với lãnh đạo địa phương tiếp tục nâng mức tỷ lệ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; góp phần cùng huyện và thành phố thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị 2015”.

Thu hút 24 học viên Đề án 89 về công tác, quận Hải Châu cũng là địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; trong số đó có 22 học viên được cơ cấu đảng ủy viên… Ông Đinh Công Tiến, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hải Châu đánh giá: “Thực hiện đề án này, thành phố đã phá vỡ tảng băng, tạo đà chuyển hóa đội ngũ cán bộ phường, xã. Từ đó, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy năng lực, sức sáng tạo trong công tác tại cơ sở. Đồng thời, sự trẻ hóa đội ngũ cán bộ cũng tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc cơ cấu đội ngũ cán bộ sau này”.

Mọi cố gắng không bao giờ là đủ

Không muốn nói về mình, đánh giá sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương là nỗ lực của một tập thể đoàn kết là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những lãnh đạo trẻ, trưởng thành từ Đề án 89.

Anh Trương Thu, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Thang chia sẻ, từ năm 1999, anh là 1 trong 23 học viên của khóa đào tạo cán bộ nguồn cho sở, ban, ngành do Ban Tổ chức Chính quyền tổ chức. Sau hai năm rưỡi đào tạo tại Trường Chính trị thành phố, anh về làm cán bộ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại xã Hòa Thọ (nay là phường Hòa Thọ Đông).

Sau gần 10 năm công tác, anh quyết định bỏ ngang để tham gia vào Đề án 89, trở thành Phó Bí thư thường trực phường Phước Ninh (năm 2010), rồi Chủ tịch UBND phường Nam Dương (từ năm 2011) và từ tháng 4-2015 đến nay, anh giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Thạch Thang.

Anh chia sẻ: “Những kinh nghiệm trong gần 10 năm ở bộ phận nhận, trả kết quả, những bài học được trau dồi qua thực tế làm việc, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đã giúp tôi từng bước trưởng thành. Theo tôi, người cán bộ lãnh đạo ngoài kiến thức, đạo đức, còn phải có khả năng tập hợp, phối hợp với người khác. Biết hòa nhập, phát huy sở trường của từng người, lắng nghe và học hỏi từ những việc nhỏ nhất”.

Điều anh mong muốn hiện nay là thay đổi tư tưởng, cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ. Theo anh, nếu người cán bộ được bố trí lâu năm ở một vị trí, lâu dần làm việc theo thói quen, giải quyết tình huống theo kinh nghiệm. Ở đâu, anh cũng khuyến khích mọi người nêu ý tưởng, tham mưu, đề xuất cách làm hay, không bàn lui những chủ trương đã được thống nhất, bỏ tư tưởng: “trước đây mình làm rứa”, “đặc thù trước đây hắn rứa” để kêu gọi sự đổi mới trong lề lối làm việc.

Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn là 1 trong 4 Chủ tịch UBND xã có tuổi đời 30, 31. Tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) năm 2007, Phát cũng từng có công việc ổn định. Từ thu nhập hơn 10 triệu/tháng, tham gia Đề án, mỗi tháng anh nhận hỗ trợ 1,5 triệu tiền hỗ trợ xăng xe, ăn uống.

Với anh, đó là quyết định không mấy dễ dàng bởi vấp phải sự phản đối của gia đình, sự ngăn cản từ bạn bè. Bây giờ, khi từng bước trưởng thành, Phát đã chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng đắn. Để làm tốt cương vị Chủ tịch UBND xã, anh học cách lắng nghe đồng nghiệp, nhân dân. Theo anh, môi trường làm việc nào cũng có sự ghen ghét, đố kỵ. Điều quan trọng là mình phải sống như thế nào để được mọi người ủng hộ, tin tưởng.

Cũng như nhiều lãnh đạo ở độ tuổi 25 đến 35, Phát thực hiện đúng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, phân công từng đầu việc, giao khoán thời gian, trách nhiệm cụ thể. Anh mong muốn, thời gian tới, quê hương Hòa Nhơn sẽ phát triển, chăm lo tốt cho sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế tại địa phương. Để làm được điều đó, Phát thấy mọi sự cố gắng của anh trong thời gian qua chưa bao giờ là đủ, chưa xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo thành phố và yêu cầu của nhân dân nên càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.

Ở đời ai cũng mong mọi việc đều suôn sẻ, nhưng dư luận chắc cũng không mong những học viên Đề án về công tác ở phường, xã lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trên con đường phục vụ nhân dân, đôi khi những vấp váp, thậm chí sai lầm cũng có tác dụng để khẳng định bản lĩnh chính trị của người cán bộ, ông Bùi Văn Tiếng đã đúc kết, nhắn nhủ điều đó với mỗi học viên của Đề án 89, như một sự chia sẻ, động viên họ tiếp tục cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình.

Sau 2 khóa học, Đề án 89 đã đào tạo được 136 cán bộ trẻ có năng lực và nhiệt huyết, trong số đó có 62 người hiện nắm giữ vị trí chủ chốt, tạo luồng gió mới trong công tác cán bộ. Đơn cử, huyện Hòa Vang hiện có 22 cán bộ trẻ, độ tuổi trung bình từ 25 đến 35 giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại xã nhà. Trong đó có 2 Bí thư Đảng ủy, 3 Phó Bí thư thường trực, 5 Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã, 2 Phó Chủ tịch HĐND, 10 Phó Chủ tịch UBND.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.