.

Những cuộc đời thầm lặng

.

Khi chiến tranh đã lùi xa, trong những năm tháng hòa bình, ông Trương Trọng Cảnh, nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng đã tổ chức một đợt đi thăm các cơ sở cách mạng cũ, tìm lại những con người ở mọi tầng lớp, đã nuôi giấu, bảo vệ anh em cán bộ, nhưng hầu như, không gặp được ai. Người mất. Người lưu lạc nơi đâu. Cách đây hơn một năm, ông kể lại với tôi những câu chuyện này. Tôi xin ghi lại trung thực để nói lên tình cảm của nhân dân đối với cách mạng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người đánh bạc ở vạn chài Lành Tranh

Vào những năm 1951-1952, địch lập một vành đai gồm nhiều đồn bót và nhiều toán quân tuần tiễu ở vùng ngoại vi Đà Nẵng hòng ngăn chặn cán bộ ta vào nội thành hoạt động. Nhiều cán bộ ta bị chúng bắt. Lúc ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đưa tôi và anh Bùi Thượng Lương vào hoạt động trong Đà Nẵng. Nhưng để khỏi bị lộ phải tìm cách đưa vào hợp pháp.

Chúng tôi được gửi ra tỉnh Thừa Thiên. Ở đây, Tỉnh ủy Thừa Thiên tìm cách làm giấy tờ hợp pháp cho chúng tôi rồi đưa chúng tôi đến ngoại ô thành phố Huế. Người đón chúng tôi là anh Mai Như Im ở vạn chài Lành Tranh trên sông Hương. Anh đưa hai chúng tôi ở trên thuyền của anh đậu sát bên một đồn Tây trước Tòa Khâm.

Nơi đây, Tây thường hay lên xuống để khám xét và tìm những cô gái mại dâm. Thuyền anh đậu sát đồn Tây. Anh Im suốt ngày ngồi đánh bạc, chị vợ anh lại làm nghề bán thân. Họ cứ làm việc của họ, nhưng họ thay nhau để bảo vệ hai chúng tôi. Tôi và anh Lương đóng vai là em vợ anh Im, người ở Mỹ Lợi (Phú Lộc). Huyện Phú Lộc gần Quảng Nam nên chúng tôi giả tiếng Huế lai lai cũng dễ. Vì thế, nhiều lần bọn Tây lên thuyền mà chúng tôi không bị lộ.

Ở đây một thời gian chúng tôi được vợ chồng anh chạy xin giấy bọn cảnh sát địch để mua vé máy bay vào Đà Nẵng. Đi máy bay sẽ bảo đảm bí mật hơn đi tàu lửa hay ô-tô. Anh Im chạy giấy đến giờ chót chưa xong. Chị vợ liền nói:

- Để tui.

Chẳng biết chị nói gì mà bọn chúng cho giấy ngay. Anh Im mua 3 chiếc vé, cho 2 chúng tôi và cho cả anh đi kèm để bảo vệ chúng tôi. Tới Đà Nẵng, anh đưa chúng tôi vào nhà anh Châu, là bà con của anh. Anh cùng anh Châu chạy vạy xếp tôi vào làm ở khách sạn Morin (nay là khách sạn Bạch Đằng) còn anh Lương làm một thợ ủi. Hằng ngày, tôi đến khách sạn lau vỏ chai rượu để bán cho Tây. Anh Châu thường hỏi han việc làm của tôi. Thấy làm việc ở khách sạn Morin bất tiện, dễ bị lộ, anh chuyển tôi sang làm thợ chụp hình ở hiệu ảnh Tân Mỹ. Tại đây, cũng qua hai anh, tôi bắt liên lạc được với tổ chức và hoạt động...

Những chi tiết bổ sung cho lịch sử

Trong nhiều tài liệu lịch sử viết về cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng và Hòa Vang tại đồn Võ Tánh (căn cứ chuyển vận Đà Nẵng) không có những chi tiết này. Tôi xin bổ sung để nói cái tài giỏi của nhân dân nảy sinh trong đấu tranh.

... Vào lúc 9 giờ sáng ngày 1-8-1954, đoàn biểu tình tập trung trước đồn Võ Tánh là nơi tập trung khá đông số thanh niên bị bắt lính. Trước khí thế sôi nổi của quần chúng, kẻ địch lúng túng trong đối phó. Hai chị Phùng Thị Tương và Đặng Thị Trợ tiến vào trước cột cờ, hạ cờ tam tài xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Một tên phản động từ trong đồn bắn vào các chị.

Chị Tương hy sinh tại chỗ, chị Trợ bị thương nặng. Trước tình hình đó, bà con dùng xích lô chạy khắp thành phố báo tin: “Hòa bình rồi mà lính còn bắn người ở đồn Võ Tánh”. Lập tức mọi tầng lớp nhân dân thành phố tràn về đồn. Bọn ngụy ở đây cầu cứu bọn hiến binh Pháp. Để phân hóa kẻ thù, bà con đưa anh em hướng đạo, những người biết tiếng Pháp, đến nói với bọn hiến binh: “Hòa bình rồi, giữa Việt Nam và Pháp không còn đánh nhau nữa, đây là bọn lính của Diệm, các anh đừng tham gia”. Thế là bọn hiến binh Pháp rút đi.

Bọn Tây trên sân bay đưa lính vòi rồng đến, bà con ta cũng dùng phương pháp ấy để bắt chúng rút lui. Sau đó, chúng đưa xe chở bọn lính Ma-rốc đến đàn áp. Ta cũng cho người giải thích như thế và chúng vui vẻ cho xe chạy luôn. Bà con ta xông vào đồn với khí thế sôi sục. Anh Tiềm, một cán bộ của ta mặc đồ lính ngụy để chỉ đạo cũng bị bà con tưởng nhầm xông vào đánh, chúng tôi phải cho người đưa ra.

Bấy giờ, trên sân có hàng trăm chiếc xe, bà con muốn đốt mà không biết cách đốt. Một anh lính Ma-rốc bày cách mở thùng xăng bỏ lửa vào. Thế là hàng trăm chiếc xe bị thiêu sạch...

Người thanh niên ở Thạc Gián

Gia đình bà Điển Chước ở Thạc Gián là nơi anh em cán bộ hoạt động nội thành thường đến hội họp. Một lần, do sơ suất của vài người nên bị bể cơ sở. Địch bắt người con trai của bà lên phòng nhì tra tấn dã man, nhưng anh không khai báo. Bọn phòng nhì chẳng làm được gì, chúng bày ra một kế:

- Này - Chúng nói với anh - tụi tao thả mày về, mày thấy thằng Q. (bí danh của tôi) ở đâu thì chỉ cho tụi tao để lãnh thưởng.

Anh này về, mò mẫm tìm được chỗ tôi làm việc. Anh nói với tôi:

- Bọn phòng nhì bảo tôi chỉ bắt anh để lãnh thưởng đó, anh cố gắng đề phòng. Còn tôi, biết anh ở đây nhưng tôi không chỉ đâu, anh yên tâm.

Ai làm gì thì làm, tôi vẫn làm cách mạng

Khu vực Trung Lương (Đò Xu) là vùng căn cứ lõm của ta. Cán bộ hoạt động nội thành được bà con ở đây nuôi giấu bảo vệ suốt trong những năm chiến tranh.

Một lần, có một thành ủy viên của ta bị bắt, đã đầu hàng. Hắn dẫn bọn địch đến bắt gia đình bà Chương, nơi đã nuôi hắn. Mọi người trong nhà bị đánh đập khảo tra dã man nhưng trừ việc nhận nuôi hắn, chẳng khai thêm ai khác. Không moi được gì ở mọi người, bọn địch đành thả họ về. Một thời gian sau, tôi được đưa đến ở gia đình bà. Bà vui vẻ nhận lời, nuôi giấu bảo vệ tôi, làm liên lạc cho tôi. Có lần tôi đùa với bà:

- Chị cho tôi ở, chị không sợ tôi bị bắt rồi khai báo, bắt gia đình chị nữa à.

Bà cười:

- Nếu anh khai, tôi bị bắt, nó tra thì tôi chịu đòn. Ra tù, về nhà tôi lại nuôi giấu cán bộ cách mạng nữa. Ai làm gì thì làm chứ tôi vẫn làm cách mạng đó.

Ông Trương Trọng Cảnh còn kể cho tôi nghe những câu chuyện về những người dân đã bằng cách này hay cách khác, giúp đỡ cho cách mạng. Như  gia đình bà Xã Chai (đối diện với Bảo tàng Điêu khắc Chăm bây giờ) mà ông đã từng ở đó vào khoảng năm 1955. Chồng bà, một cây sâu rượu, cứ rượu vào là chửi bậy chửi bạ, có khi nói tầm láp về cách mạng nên bị cơ sở ta diệt. Nhưng anh Thành, con trai bà lại là cơ sở của ta. Lúc anh Thành đưa ông về ở trong buồng nhà anh, ông cứ ngại ngại khi nhìn tấm ảnh của ông già anh treo trên tường như gườm gườm nhìn xuống.

Thấy vậy, bà Chai liền nói: “Cháu đừng ngại gì. Bác trai mày say rượu ăn nói ẩu tả anh em họ hiểu lầm họ giết, chứ gia đình bác chẳng làm gì hại bên ta đâu. Cháu cứ yên tâm ở đây”. Hay như gia đình bà Kỳ ở gần ga Đà Nẵng, vợ chồng đều theo đạo Tin Lành đã giúp nuôi giấu cán bộ, theo dõi đường đi lối lại để diệt gọn tên ác ôn khét tiếng ngay tại khu vực này. Gia đình bà bị lộ. Ta phải đưa họ ra vùng tự do.

Ông Cảnh nghẹn ngào: “Có thể có người vẫn còn sống, nhưng  chẳng có ai đến nhờ chúng tôi chứng nhận công lao gì cả. Họ đóng góp cho cách mạng như thế, cách mạng thành công thì họ lo làm ăn sinh sống. Cuộc đời họ thầm lặng như cây cỏ...”.

THANH QUẾ

;
.
.
.
.
.