.
Phương hay Thuốc quý

Thuốc nam chữa tiêu chảy, kiết lỵ

.

Tiêu chảy và kiết lỵ là những bệnh rất dễ phát tác trong mùa hè nắng nóng, nhất là  ở những nơi không bảo đảm  nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Búp ổi có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm tiêu chảy, kiết lỵ.
Búp ổi có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm tiêu chảy, kiết lỵ.

Tiêu chảy và kiết lỵ đều có triệu chứng chung là đau bụng, đại tiện nhiều lần, phân lỏng, có thể có máu, sốt nhẹ. Điểm khác biệt là tiêu chảy kèm chướng bụng, còn kiết lỵ hay đi phân nhầy kèm cảm giác đau do mót rặn. Nguyên nhân thường gặp của tiêu chảy và kiết lỵ là do thức ăn nhiễm khuẩn, ký sinh trùng…

Xin trích giới thiệu một bài thuốc nam chữa hội chứng tiêu chảy và kiết lỵ đã được nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh hiệu quả lâm sàng để bạn đọc ứng dụng điều trị.

Bài thuốc chữa tiêu chảy

Công thức: hoắc hương 15g, búp ổi 15g, vỏ quýt 15g.

Cách làm: làm sạch hoắc hương, vỏ quít, búp ổi. Cắt thái thành đoạn ngắn, sấy khô giòn, tán riêng từng thứ thành bột mịn, rây qua rây 0,15mm. Trộn đều theo phương pháp trộn kép.

Đóng gói: mỗi gói 5g, để nơi khô ráo, thoáng.

Cách dùng: mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 gói, uống với nước đun sôi để nguội.

Về nghiên cứu thực nghiệm: Phòng Đông y thực nghiệm Viện Y học dân tộc Hà Nội cho kết quả như sau: thành phần hóa học của bài thuốc có tanin (2,1%), flanovoit (0,728%), tinh dầu. Thuốc ức chế sự co thắt ruột do acetylcoli, làm giãn ruột. Có tính kháng khuẩn ở mức độ vừa và yếu đối với cả vi khuẩn gram âm và gram dương, trong đó có vi khuẩn gây bệnh đường ruột (E.coli). LD 50 = 158g/kg cân nặng. Không tìm được liều tối thiểu gây chết. Các chỉ tiêu huyết học, sinh hóa của thỏ uống liều gấp 4 lần liều điều trị của người trong 5 tuần, so với trước khi uống thuốc, trong thời gian uống thuốc và sau khi uống thuốc chưa thấy chênh lệch rõ ràng. Các tác giả nhận thấy thuốc ít độc đối với súc vật thí nghiệm.

Về hiệu quả lâm sàng: Phạm Khuê và cộng sự nhận thấy trên 138 bệnh nhân ỉa chảy, thuốc cho kết quả tốt: 68 (49,27%), kết quả vừa; 40 (28,98%), không kết quả: 30 (21,73%). Thuốc không có tác dụng phụ đáng kể. (Kết quả tốt: hết đi lỏng trong 1-2 ngày; kết quả vừa: số lần đi lỏng giảm đi trong ngày; không kết quả: vẫn như cũ, phải dùng thuốc tây).

Bài thuốc chữa kiết lỵ

Công thức: Cỏ nhọ nồi 10g, rau sam 10g, cỏ sữa (lá nhỏ hoặc lá to) 10g, lá nhót 10g, búp ổi 10g.
Cách làm: làm sạch dược liệu, cắt thành từng đoạn ngắn, sấy khô giòn, tán riêng từng loại thành bột mịn. Rây qua rây 0,15mm. Trộn đều theo nguyên tắc trộn bột kép.

Đóng gói: mỗi gói 15g, để nơi khô ráo, thoáng.

Cách dùng: ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một gói.

Về nghiên cứu thực nghiệm: Phòng đông y thực nghiệm Viện Y học dân tộc Hà Nội cho kết quả như sau: Thuốc có thành phần hóa học chủ yếu là tanin (1,78%), flavonoit (0,5133%), ancaloit (0,09%). Thuốc có tác dụng với Corynebacterium diphteriae gravis, dipplococcusp pneumoniae, Shigrlla flexneri, Escherichia coli, Entamoeba moskowski. Thuốc có tác dụng chống sự co thắt ruột cô lập do axetylcolin. LD 100 = 200g/kg cân nặng. LD 50 = 114g/kg cân nặng. Ở nồng độ 5‰ , có hiện tượng ức chế sự co bóp của tim; ở nồng độ 7‰, ức chế tim hoàn toàn, tim ngừng co bóp ở giai đoạn tâm trương. Các tác giả đề xuất: cần lưu ý tác dụng của thuốc trên tim. Sau 5 tuần uống thuốc, máu của thỏ có những thay đổi sau: hồng cầu tăng với p <0,05, máu lắng tăng với p<0,05. Giải phẫu bệnh: Về đại thể, có nhiều ổ áp-xe hoặc nhiều điểm nghi xơ hóa ở gan. Các tạng khác bình thường. Về vi thể, có nhiều ổ viêm không đặc biệt ở gan, niêm nạc ruột bình thường, vách phế nang dày và sung huyết. Một số tiểu cầu thận sung huyết. Cơ tim bình thường.

Về hiệu quả chữa bệnh: Phạm Khuê và một số cộng sự cho biết, trên 66 bệnh nhân có hội chứng kiết lỵ, thuốc cho kết quả tốt: 38 (57,57%), kết quả vừa: 19 (28,78%), không kết quả: 9 (13,68%) (kết quả tốt: hết đi lị, trong vòng 2 ngày hết đau bụng; kết quả vừa: hết đi lỵ trong vòng 4 ngày hoặc chỉ đi lị trong một số ngày chứ không hết; không kết quả: đi lỵ như cũ, phải dùng thuốc tây).

PHAN LANG (st)

;
.
.
.
.
.