.

Brazil bây giờ đã khác xa!

.

Sau thất bại ở Copa America 2015, dư luận trong nước Brazil kêu gọi HLV Carlos Dunga từ chức bởi vì nếu ông ở lại Selecao sẽ tiếp tục tụt dốc.

Các tuyển thủ Brazil không còn toàn tâm toàn ý vì Selecao như trước. (Ảnh Internet)
Các tuyển thủ Brazil không còn toàn tâm toàn ý vì Selecao như trước. (Ảnh Internet)

Phía LĐBĐ Brazil vẫn chưa nói gì về tương lai của HLV 51 tuổi này thì cây bình luận bóng đá danh tiếng thế giới Rob Hughes của tờ New York Times có bài nhận định về sự cần thiết phải thay đổi ở Selecao với tựa bài “Sự thất bại của Brazil ở những giải đấu lớn chẳng có gì là mới mẻ”.

Carlos Dunga thay Felipe Scolari dẫn dắt Brazil với quyết tâm cải tổ mạnh mẽ vì Selecao thảm bại 1-7 trước người Đức ở tứ kết World Cup 2014 ngay tại sân nhà. Quyết tâm đó của Dunga ở nhiệm kỳ thứ hai tại Selecao khá ấn tượng với những trận thắng giao hữu ở châu Âu và Trung Đông.

Đất nước Brazil với hơn 200 triệu dân luôn cuồng nhiệt với bóng đá, yêu thích bóng đá đẹp đã chết mê chết mệt với những trận thắng giao hữu để rồi gục ngã trước người láng giềng Paraguay chỉ có 7 triệu dân. Nó giống như chàng tý hon David quật ngã gã khổng lồ Goliath bởi vì từ năm 1953 tới nay, lần đầu tiên Brazil để thua Paraguay sau khi có bàn thắng dẫn trước.

Brazil thua liên tiếp ở những giải đấu lớn bởi vì cựu HLV Scolari và HLV đương nhiệm Dunga không biết tự thay đổi nhận thức của mình. Cầu thủ Brazil bây giờ thực dụng hơn, lo vun đắp đời sống cá nhân hơn là theo đuổi vũ điệu samba cho tuyển Brazil.

Daniel Alves chỉ trích Barcelona dữ dội vì hạn hợp đồng sắp hết nhưng vẫn không đá động gì để rồi hậu vệ lão tướng này ở lại đàm phán gia hạn với Barcelona trước khi dự Copa America 2015. Ngay tại Copa America 2015, ít nhất hai cầu thủ Brazil tập trung thương thảo hợp đồng. Roberto Firmino “bẻ lái” từ Manchester United sang ký hợp đồng với Liverpool. Douglas Costa bàn chuyện rời Shakhtar Donetsk tới Bayern Munich. Những cầu thủ Brazil, những CLB Brazil đều xây mộng làm giàu từ các CLB châu Âu.

Các CLB Brazil mua những cầu thủ nhí giá vài triệu USD và đào tạo vài năm bán lại cho các CLB châu Âu với giá vài chục triệu USD theo kiểu “bán lúa non”. Trước đây, các cầu thủ Brazil thường thành danh ở trong nước mới bắt đầu sang châu Âu kiếm tiền.

Selecao bây giờ khác quá xa thời của Pele. Những tuyển thủ Brazil tính chuyện sang châu Âu sớm hơn vì nghĩ tới lương bổng nhiều hơn là thứ bóng đá đẹp cùng Selecao. Ngay cả LĐBĐ Brazil đã bị phanh phui vụ để nhà tài trợ của mình chỉ định cầu thủ chơi những trận giao hữu, còn thành phần dự các giải lớn sẽ do HLV trưởng quyết định.

Nên nhớ các trận giao hữu là nền tảng để HLV trưởng tuyển chọn lực lượng cho World Cup hay Copa America nhưng ở đây có sự chênh lệch quá lớn nên sự thất bại của Selecao chẳng có gì đáng nói bởi đó là sự tất yếu của đội tuyển Vàng xanh hiện tại.

Nói tóm lại, HLV trưởng Brazil có tài năng tới mấy cũng chẳng thể nào giúp Selecao thành công nếu như các tuyển thủ chỉ nghĩ tới những bản hợp đồng béo bở, LĐBĐ Brazil giao phó những trận giao hữu cho nhà tài trợ chứ không phải trách nhiệm của HLV trưởng.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.