.

Quản lý đô thị bằng Facebook

.

Ai đó từng nói rằng, người làm công tác quản lý đô thị cần “gần mỗi con đường như sợi gân máu nằm sẵn trong trái tim”. Tuy nhiên, để nắm rõ từng góc phố, từng vấn đề nhỏ nhặt nhưng có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân thì họ vẫn phải cần đến “tai mắt” của người dân.

Giao diện với hai nhân vật độc quyền chàng Đô và nàng Thị của trang Facebook Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp. Ảnh: M.T
Giao diện với hai nhân vật độc quyền chàng Đô và nàng Thị của trang Facebook Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp. Ảnh: M.T

Chính vì lẽ này mà Đà Nẵng đã đi tiên phong khi sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay - Facebook - để tiếp nhận thông tin, lắng nghe và giải quyết bức xúc của người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Giờ đây người dân chỉ cần phản ánh mọi việc trên Facebook (tạm gọi tắt là Fb) và gọi đích danh người có trách nhiệm xử lý mà không cần gửi đơn, thư đến các cơ quan chức năng và mỏi mòn chờ đợi sự hồi âm.

Từ ý tưởng… trên trời

Trước đây, hằng tuần, hằng tháng, thậm chí hằng quý, mỗi sở, ban, ngành mới tiến hành giao ban với những đơn vị trực thuộc để lắng nghe, giải quyết những bất cập trong công việc mình phụ trách. Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung giải quyết lĩnh vực điện chiếu sáng, cơ sở hạ tầng,  Sở Tài nguyên và Môi trường lại quan tâm đến vấn đề thoát nước, xử lý nước thải… Tất cả vấn đề liên quan quản lý đô thị (QLĐT), kể cả những vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhưng lại đe dọa sự an toàn của người dân như nắp cống hư, dây điện sà, cột đèn giao thông hỏng, nước ngập… đều phải chờ đến ngày họp giao ban mới được lãnh đạo phân công xử lý.

Năm 2013, Fb bùng nổ ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Trưởng phòng QLĐT nhận ra đây là phương tiện QLĐT trực quan lý tưởng khi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể dễ dàng chụp hình, quay phim và chia sẻ mọi thông tin trên mạng. Qua Fb, người dân có thể “lấp đầy” được hạn chế về mặt không gian, thời gian bằng cách mang lại những thông tin, bức ảnh mà các nhà QLĐT - người không thể có mặt trên tất cả các cung đường, tuyến phố của thành phố - bỏ qua hoặc chưa tiếp cận.

Đây cũng là giai đoạn Bộ Thông tin và Truyền thông cấm sử dụng Fb trong các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí gia đình đều phản đối  việc làm “trên trời, viển vông” khi thấy ông Duy cặm cụi thành lập Fb và dành quá nhiều thời gian cho “thế giới ảo” trong lúc văn bản, giấy tờ cần giải quyết vẫn cứ ngồn ngộn trên bàn.

Tuy nhiên, với quyết tâm và sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố, tháng 4-2013, trang Fb “Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” (tạm gọi tắt là QLĐN) đã ra đời, đánh dấu cách làm tiên phong, hiệu quả của thành phố biển trong QLĐT. Trang QLĐN nhanh chóng thu hút được đông đảo người dân tham gia. Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, QLĐN đã cán mốc 12.500 thành viên. Nhóm quản lý Fb cũng đã tăng từ 1 người ban đầu lên 10 người để đảm bảo quá trình vận hành trôi chảy. Phạm vi hoạt động của trang cũng không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật đô thị mà còn mở rộng ra an toàn đô thị và tinh thần đô thị.

Toàn thành phố cùng chung tay

Trang QLĐN là nơi mỗi cá nhân thể hiện vai trò người làm chủ đô thị, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội chứ không phải là sản phẩm của chính quyền. Ông Nguyễn Văn Duy khẳng định: “Trang Fb được thành lập và quản lý bởi cán bộ thành phố. Tuy nhiên nó thuộc sở hữu của toàn dân - những người đang ngày ngày “gieo trồng” và nhận “trái ngọt” văn minh đô thị”. Theo đó, với hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận mỗi ngày, 12.500 thành viên của trang QLĐN là lực lượng “mắt thấy, tai nghe” trên mọi tuyến phố, ngả đường, khu dân cư, giúp lãnh đạo hầu hết các sở, ban, ngành (cũng là thành viên của QLĐN) kịp thời nắm được thông tin, rút ngắn thời gian xử lý, nhanh chóng khắc phục bất cập.

Vỉa hè giao giữa đường Hoàng Diệu và Duy Tân từng bị “nuốt trọn” bởi một quán nhậu. Tại ngã 3 đông đúc này, người đi bộ thường chấp nhận đi dưới lòng đường chứ không thể vượt qua những “chướng ngại vật” là bàn ghế nhựa xếp lớp và dãy dài xe máy được chủ quán bố trí trên vỉa hè – phần đường vốn dĩ chỉ dành cho người đi bộ. Không chỉ vậy, chủ quán nhậu còn nối các tấm phên tre vòng quanh trụ điện để làm nhà vệ sinh lưu động cho thực khách. Quán nhậu ồn ào về đêm và nhà vệ sinh tạm bợ kia trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống trong chung cư Hòa Thuận kế bên.

Theo ông Lê Văn Sanh, quản lý chung cư Hòa Thuận thì không biết bao nhiêu lần tổ trưởng tổ dân phố đã mời chủ quán nhậu cùng tham gia các cuộc họp với hy vọng họ sẽ lắng nghe bức xúc của người dân và thấu hiểu được quy luật “lề đường dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho xe cộ lưu thông”, việc chen chân với các phương tiện giao thông dưới lòng đường bất chấp tính mạng bị rình rập là điều bất công đối với người đi bộ. Bên cạnh đó, việc dựng nhà vệ sinh xung quanh cột điện cũng là hình ảnh không thể chấp nhận được ở quận trung tâm của thành phố. Tất cả nỗ lực của người dân sống trong khu dân cư đều như muối bỏ biển cho đến khi vấn đề được phản ánh trên Fb QLĐN.

Tương tự, việc dây điện nằm trên kiệt nhỏ của tuyến đường Nguyễn Tri Phương sà thấp, gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt lúc đêm khuya đã được một công dân phản ánh trên Fb cùng với một bản đồ trực tuyến chỉ rõ vị trí của dây điện. Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Phạm Thái Bình (cán bộ Công ty Điện lực Đà Nẵng) và ông Nguyễn Hưng (cán bộ phụ trách chỉnh trang cáp Điện lực Thanh Khê) đã tiến hành thu gọn và đưa bó cáp lên cao đồng thời hứa sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông xử lý dứt điểm trong thời gian gần nhất. Thông qua Fb QLĐN, những cán bộ chuyên trách này không chỉ nhận thông tin, xử lý và phản hồi đến cho người dân trong khu dân cư biết một cách nhanh chóng mà còn chia sẻ những lời cảm ơn, hy vọng người dân sẽ tiếp tục đồng hành trong quá trình xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố sống tốt.

Trang QLĐN còn nhận được cả sự chung tay góp sức của cả những người con Đà Nẵng xa quê. Ấn tượng với cách làm việc và tính hiệu quả của trang QLĐN, anh Lê Hồng Minh (hiện đang học tại Trường Đại học Aichikenritsu, là trưởng nhóm sáng tạo trò chơi điện tử và phim hoạt hình Nhật Bản) đã viết “tâm thư” gửi đến cộng đồng các thành viên của Fb QLĐN. Qua thư, anh xin phép được xây dựng hình ảnh các nhân vật hư cấu, sinh động, nhiều màu sắc để góp phần tuyên truyền hiệu quả cho các hành vi văn minh đô thị.

Ý tưởng của anh nhanh chóng được cư dân mạng hưởng ứng, và từ đó, nhân vật chàng Đô màu xanh lá, nàng Thị màu hồng nhạt ra đời và trở thành hình ảnh độc quyền của Fb QLĐN. Ngày 9-6-2015, nhân vật “Đô-Thị” đã được nhận giấy đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) cấp. Từ nhân vật “Đô-Thị” này, anh Minh đã vẽ nên nhiều bức tranh ngộ nghĩnh như: Chàng Đô vất rác đúng nơi quy định, nàng Thị nhường người già và trẻ nhỏ khi xếp hàng ở siêu thị, chàng Đô dừng đèn đỏ, nàng Thị đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… Mỗi hình ảnh này đều có 2 bản: một bên đầy đủ màu sắc sinh động, một bên chỉ có nét vẽ đen trên nền trắng.

Anh Lê Hồng Minh cho biết: “Chỉ cần một cái nhấp chuột, các thành viên của Fb QLĐN có thể in những hình vẽ ngộ nghĩnh này cho các em nhỏ tô màu theo. Hy vọng rằng, những hình ảnh dễ nhìn, dễ hiểu, dễ nhớ này sẽ giúp người Đà Nẵng, đặc biệt là thế hệ tiếp theo của thành phố dần dần tự hình thành nên thói quen văn minh mà hình ảnh chuyển tải”. Những bức tranh mang thông điệp của anh Minh đã nhận được hàng trăm lượt like và phản hồi tích cực của công dân mạng.

Đọc các bài viết được chia sẻ, những lời bình luận mang tính góp ý cao, có thể thấy rằng, thành viên đều tham gia trang Fb QLĐN một cách tự nguyện. Họ không bực dọc, không lấy làm vất vả, khổ sở khi thường xuyên nêu lên những điều chưa đẹp của thành phố, không tự mãn với những gì mình đã làm được, cũng không ghét bỏ, thù hằn với những cá nhân đang đi ngược lại với mục tiêu “Văn hóa, văn minh” của thành phố. Mọi người cứ tự giác làm việc và thấy thoải mái, tự do với hành trình của mình trong việc góp phần giúp xây dựng một thành phố Đà Nẵng tiện nghi - xanh - sạch - đẹp.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.