.

Từ rác

.

Khi cuộc sống còn xoay vần trong nỗi lo cơm - áo - gạo- tiền, thì những thứ vứt đi của người này, đôi khi lại trở thành miếng cơm, manh áo của người khác. Ở đâu đó, rác sinh hoạt trở thành nguồn sống giúp những phận đời cùng cực bấu víu, san sẻ như món quà quý giá dành cho họ.

Vợ chồng ông Chuẩn, Gái Em với công việc lượm ve chai quen thuộc từ mấy chục năm nay. Ảnh: T.Y
Vợ chồng ông Chuẩn, Gái Em với công việc lượm ve chai quen thuộc từ mấy chục năm nay. Ảnh: T.Y

Nguồn sống từ rác

Đứng ngay cạnh thùng rác nặng mùi, người phụ nữ có thân hình gầy đét cúi đầu xuống thấp với ánh mắt mở to, tay cầm thanh sắt quờ quạng xuống tận đáy thùng, tay nhặt lấy những lon bia, vỏ hộp, bao ni-lông cho vào túi gom. Khi trong thùng không còn thứ gì để nhặt nhạnh, chị nhanh tay vun vén những thứ vừa gom được, chất vào chiếc giỏ móc sẵn nơi đầu tay lái xe đạp.

Lại chầm chậm những vòng xe, lại dừng ở mỗi thùng rác chừng 15 phút thu gom. Gần một ngày rong ruổi khắp ngõ hẻm, chị thường nhặt nhạnh, chất đầy một xe “hàng” để mang chúng đến vựa ve chai.

Suốt mấy ngày liền, chị mặc trang phục quen thuộc. Chân đi tất dày, đầu trùm khăn kín mít. Ngoài việc giảm mùi hôi, chiếc khăn che mặt dường như giúp chị tự tin hơn khi không có ai nhận ra mình trong công việc khá vất vả này. Chị tên Liên, 58 tuổi, nhà ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), ra Đà Nẵng nhặt rác 6 năm nay

. “Tôi có người chị cùng quê lâu nay nhặt rác trên bãi Khánh Sơn, mỗi ngày kiếm gần 100.000 đồng. Mấy năm trước nhân chuyến về thăm nhà, thấy mùa màng thất bát, chị gợi ý bảo tôi đi với chị ra Khánh Sơn hành nghề. Nói thiệt, sức khỏe vốn yếu, huyết áp cao, cả ngày đứng trên bãi rác khổng lồ nặng mùi hôi thối, tôi ngộp thở, buồn nôn không nhấc nổi tay chân. Làm được gần tháng thì chịu không thấu, phải về. Nhưng về rồi chẳng biết lấy chi mà ăn. Thế là quyết định ra Đà Nẵng, ở trọ, đạp xe rong ruổi trên những con đường, lượm lặt rác như hiện nay”, chị trải lòng.

Mỗi ngày, chị Liên đi lúc 4 giờ sáng, mang theo que sắt và mấy bao tải to. Chị bảo phải đi sớm, tranh thủ lượm lặt trước giờ xe chở rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom.

Khi cuộc sống còn xoay vần trong nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền, thì những thứ vứt đi của người này, lại trở thành miếng cơm, manh áo của người khác. Bãi rác Khánh Sơn lâu nay trở thành “cơ quan làm việc” của 5 thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, tổ 13 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Mười ba năm, cả nhà ông ăn, ngủ trên rác. Mỗi khi xe rác đến, ông cùng trăm “đồng nghiệp” khác nhanh chóng dùng cuốc chỉa xới tung, giơ lên, hạ xuống đều đặn, thu lượm những thứ còn giá trị sử dụng, gom về bán cho vựa ve chai của chị Nguyễn Thị Bốn – người phụ nữ từng có hoàn cảnh khó khăn trước khi khá lên nhờ rác.

Cả ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, gia đình ông Tiến sinh hoạt trên bãi rác rộng hơn 50ha, thu nhập từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Đưa cánh tay áo quệt mấy giọt mồ hôi đang chảy dài trên má, ông Tiến hóm hỉnh: Mùi hôi của rác cũng giống như mùi thơm mấy lọ nước hoa Pháp. Nó cứ vất vưởng khắp nơi, bám vào áo, vào quần, vào tóc, vào đôi bàn chân, bàn tay chai sần vì suốt ngày cầm cuốc, cầm móc. Tối về, dù tắm giặt sạch sẽ đến đâu quần áo cũng vương mùi.

 Ông nói với nụ cười tỏa rạng dưới cái nắng hầm hập, xua tan bao mệt nhọc, ưu phiền.

Ít ra cũng còn có cơm ăn

Chị Nguyễn Thị Gái Em sống ở tầng 6, khu A, Khu chung cư Vịnh Mân Quang - 52 tuổi nhưng có thâm niên… 47 năm hành nghề lượm chai bao. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo, từ tấm bé, chị đã theo má rảo khắp làng trên xóm dưới ở khu vực Vũng Thùng, Thọ Quang…, lượm lặt chai nhựa, túi ni-lông vương vãi nơi lề đường.

Thuở ấy, không phải đến trường ê a tập đọc, ngày ngày theo chân mẹ rong ruổi trên những con đường, trở thành niềm vui, sự háo hức của cô bé gầy gò, đen nhẻm. Lên 10 tuổi, Gái Em đã có thể một mình đi nhặt ve chai mang đến bán cho chủ vựa, kiếm chừng 10.000 đồng mang về phụ má nuôi em. Cứ thế, từ lúc nào không rõ, công việc gom rác vận vào người Gái Em, không dứt ra được.

Chồng Gái Em, ông Lê Phước Chuẩn (55 tuổi), thời thanh niên đi phụ hồ, lúc rảnh rỗi ai kêu chi làm nấy. Giờ cũng theo vợ lượm ve chai đỡ đần cuộc sống. Hai vợ chồng rong ruổi trên 2 chiếc xe đạp cà tàng, giăng mắc trên yên xe đủ thứ chai bao, giấy loại. Với họ, một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 1, 2 giờ khuya xoay vần bên thùng rác.

Đi khắp đường to, đường nhỏ, bến sông cho tới cảng cá. Gái Em chia sẻ, công việc của vợ chồng chị giờ đỡ vất vả hơn trước do ở Nại Hiên Đông khu chung cư thay nhau mọc lên, hình thành nhiều điểm tập kết rác thải sinh hoạt.

Tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn nên người lượm chai bao không tránh khỏi những căn bệnh như phong thấp, đau nhức xương, ghẻ lở, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Không chỉ vậy, các ngón tay họ thường xuyên bị đứt, chảy máu bởi miểng chai, dao lam hay kim gãy do người dân vứt vào sọt rác. Gái Em nói, mỗi lần mở nắp thùng, mùi hôi của thức ăn, rau, rác ủ cả đêm bốc lên xộc thẳng lên mũi, vào tận não. Sợ thì không thể làm. Không làm thì lấy gì mà ăn. Vì thế, biết là bẩn, là bệnh tật nhưng ít ra cũng còn có việc để làm nên cơm ăn, áo mặc.

Cách đây mấy năm, trời mưa gió liên miên không thu gom chi được, Gái Em xin vào một công ty thủy sản làm việc nhưng chỉ đứng được 2 ngày thì bệ chân, tê tay không trụ nổi, đành quay lại với nghề lượm ve chai. Hôm nào trời nóng quá, hai vợ chồng lấy tấm bạt căng thành lều bên mấy thùng rác, vừa nhặt nhạnh vừa trốn nắng. Suốt đời chăm chỉ, cần cù cũng không đủ sức giúp cuộc sống gia đình Gái Em khấm khá. Cậu con trai Nguyễn Văn Tiến, năm nay 25 tuổi nhưng một chữ bẻ đôi không biết do từ nhỏ không được đến trường.

Dù công việc nhặt rác muôn phần cực nhọc, suốt ngày tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn, thu nhập chỉ vừa đủ với người biết tằn tiện, chắt bóp, nhưng họ là những người biết chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Có lẽ vì thế, trên đường phố, rất ít khi nhìn thấy ở một điểm tập kết thùng rác có nhiều-hơn-một-người đang cắm cúi lượm lặt. Bởi khi thoáng thấy thùng rác mình đi đến đang có người thu gom, họ sẽ lặng lẽ quay đi, tìm địa điểm mới.

Thông tin từ chủ vựa ve chai trên đường Trần Hưng Đạo cho biết, giá mỗi kg nhựa hiện nay khoảng 5.500 đồng, bình nước suối 4.500 đồng, giấy loại 2.000 đồng, sắt 3.500 đồng, lon bia 200 đồng/lon… Với giá thành khá bèo bọt nên dù có làm việc cật lực, trung bình mỗi ngày người thu lượm ve chai chỉ có thể đạt mức thu nhập từ 50.000 đồng đến gần 100.000 đồng mỗi người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.