.
Khách sạn ở Đà Nẵng

Giá tốt sẽ kéo khách đến

.

“Thực tế, sản phẩm du lịch nói chung và phòng ở lưu trú khách sạn (KS) nói riêng như một mặt hàng thời trang. Giá bán nó được xây dựng theo phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau nên giá bán khác nhau, phản ánh chất lượng sản phẩm sẽ khác nhau”, ông Nguyễn Hùng Anh, Chủ tịch Hội KS Đà Nẵng bày tỏ quan điểm khi được hỏi về vấn đề cạnh tranh và liên kết trong khối KS để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất.

Mùa hè trở thành mùa cao điểm khách nội địa những năm gần đây nhờ biển Đà Nẵng dài và rất đẹp.
Mùa hè trở thành mùa cao điểm khách nội địa những năm gần đây nhờ biển Đà Nẵng dài và rất đẹp.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Thông thường, chủ KS có thể dùng chính sách giá để phân loại khách hàng; khách du lịch cũng sẽ có những lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào ngân sách chi tiêu của mình.

Phân khúc thị trường trong việc chọn KS làm điểm nghỉ là khu nghỉ dưỡng hạng sang, tiêu chuẩn 5 sao hay KS 2-3 sao cũng không chênh nhau nhiều. Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng chủ yếu đón khách nội địa vào các dịp nghỉ lễ dài ngày, dành cho giới “nhà giàu” là chính. Còn các KS ít “sao” hơn thì lượng khách đa dạng hơn.

Trên thực tế, việc xếp hạng sao của các KS ở Việt Nam chưa phản ánh đúng bản chất thật sự của một KS. Chính vì vậy, một KS cùng hạng 3 hay 4 sao thì giá bán hoàn toàn có thể khác nhau, phụ thuộc vào vị trí của KS ở phố hay ven biển, chất lượng dịch vụ như thế nào, sản phẩm có gì đặc biệt, thuê các tập đoàn quản lý chuyên nghiệp hay tự quản lý... Ông Nguyễn Hùng Anh cho biết: “Có những KS 5 sao nhưng bán giá thấp hơn 4 sao hay những KS 3 sao nhưng giá bán lại cao hơn 4 sao. Chính vì lẽ đó, giá bán của các KS cùng sao hạng nếu có khác nhau cũng là bình thường. Nếu mùa hè, các KS ở biển thì giá bán có thể cao hơn đến 1,5 lần so với ở trong thành phố nhưng đến mùa mưa thì ngược lại”.

Theo khảo sát, các KS gắn biển 3 sao ven biển Mỹ Khê, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ… giá phòng nghỉ mùa hè này dao động từ khoảng 750.000 - 1,2 triệu đồng/phòng. Nếu đặt phòng hiện nay cho dịp nghỉ vào cuối tháng 6 và trong tháng 7, thì tùy vào tình hình số phòng trống của KS thời điểm đó, khách hàng sẽ được giảm 5-10% hoặc 100.000 đồng/phòng tùy vào số lượng khách cũng như thời gian lưu trú. Đó cũng là mức giá của KS Bay Sydney Hotel trên đường Hồ Nghinh, đơn giá mùa cao điểm được tính từ ngày 1-4 đến ngày 31-8-2015. Thời gian còn lại trong năm (trừ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5) được tính là mùa thấp điểm, giá thấp hơn 100.000 đồng/phòng so với mùa cao điểm.

Trong khi đó, trên trang web bán hàng trực tuyến cungmua.com, một số KS tiêu chuẩn 2-3 sao cũng ở khu vực ven biển quận Sơn Trà Đà Nẵng bán hàng thường xuyên với mức giá giảm từ 31đến trên 50%/phòng (từ nay đến cuối năm 2015): KS Hoàng Sa giảm còn 490.000 đồng; Từ Sơn II còn 390.000 đồng; Maple còn 400.000 đồng; Angel còn 499.000 đồng...

Bà Phạm Huyền Lan Giao, Giám đốc KS Angel Đà Nẵng, cho biết chính sách bán hàng trên mạng để kích thích khách ngoại tỉnh lựa chọn KS của mình trước khi đến Đà Nẵng; khi KS có chính sách giá tốt ngay trong mùa cao điểm thì khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, chỉ cần khách đặt trước khoảng 1 tháng là tiết kiệm được khá nhiều tiền.

Nói về việc hàng chục KS 2-3 sao bán hàng trực tuyến và giảm giá, bà Lan Giao cho rằng các KS muốn khai thác hết công suất buồng phòng; bởi với số lượng KS tiêu chuẩn tương đương nhiều như hiện nay, thì việc đạt 70-80% công suất buồng phòng vào mùa cao điểm như hiện nay là rất khó.

Bài toán giá và chất lượng khách sạn

Đà Nẵng hiện có 456 KS với 16.454  phòng, gồm 10 KS 5 sao và tương đương, 11 KS 4 sao và tương đương, 50 KS 3 sao, còn lại là KS 2 sao trở xuống. So với cùng kỳ năm 2014, Đà Nẵng tăng thêm 60 KS với 2.717 phòng. Trong năm nay, có thêm 11 KS hạng 4-5 sao đi vào hoạt động (Olalani, Fusion Suites, Naman Retreat, A la Carte Đà Nẵng, Holiday Beach…).

Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng

Số lượng KS từ 4 sao trở xuống ở Đà Nẵng tăng nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều KS. Theo số liệu từ Sở VH-TT-DL, Đà Nẵng đã tăng thêm 60 KS so với vùng kỳ năm 2014, trong đó có 11 KS 4-5 sao.

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng cần có định hướng vĩ mô trong việc cấp phép xây dựng KS thêm ở Đà Nẵng, chú trọng thêm các dịch vụ giải trí khác cho du khách. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các bên, KS, quản lý Nhà nước, hiệp hội du lịch... cam kết mức giá thấp nhất và cao nhất, để các doanh nghiệp tự bảo vệ nhau về hiệu quả kinh doanh từ giá thuê phòng và chất lượng dịch vụ tương ứng.

Còn theo ông Nguyễn Hùng Anh, điều quan trọng là không nên dùng việc giảm giá để cạnh tranh mà nên gia tăng dịch vụ cho du khách vào những mùa thấp điểm như giá vé máy bay, phòng ở, ăn uống và tour tuyến... Việc giảm giá này phải đồng bộ và phải có kế hoạch sớm để du khách biết và có kế hoạch. Để Đà Nẵng không có mùa thấp điểm, cần quảng bá cho du khách quốc tế biết nhiều và lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến.

Cùng quan điểm như trên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng tình trạng đa dạng mức giá phòng và dịch vụ ở các KS khác nhau (3 và 4 sao) là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thông thường mức dao động giá phòng của các KS cùng hạng sao không thể quá chênh lệch và nên nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được. Ngoài ra, việc ổn định giá cả và cam kết giữ vững chất lượng dịch vụ là một điều vô cùng cần thiết để giữ chân khách du lịch.

“Tình trạng tăng giá, chặt chém mùa cao điểm và bán phá giá mùa thấp điểm của các KS vừa và nhỏ rất nguy hiểm, tác động rất lớn đến hình ảnh du lịch Đà Nẵng trong lòng du khách. Hãy bán đúng giá với chất lượng tốt nhất. Như vậy từng doanh nghiệp sẽ phát triển, cộng đồng doanh nghiệp du lịch sẽ cùng phát triển”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Tấn Vinh đưa ra các sáng kiến như: Liên kết quảng bá điểm đến Đà Nẵng, vì đây là cơ hội phát triển cho các đơn vị, doanh nghiệp, KS và ngành du lịch Đà Nẵng. Liên kết trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều hành KS và kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh dựa trên chất lượng phục vụ chứ không phải chỉ cạnh tranh về giá. Cùng tạo một khung giá chung, mức giá sàn và giá trần đối với các KS cùng hạng sao, cam kết không nâng giá, chặt chém du khách mùa cao điểm cũng như không bán phá giá mùa thấp điểm…

Cần có một tiêu chuẩn đánh giá sao hạng vừa theo quy định của Nhà nước vừa theo đánh giá của du khách. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước nên giám sát việc cho phép các KS xây mới sao cho đừng có quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Thêm vào đó, cần có một cơ quan chuyên biệt để đánh giá chất lượng dịch vụ của các KS hằng năm để bảo đảm chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.