.

Từ cuộc sống đến tác phẩm

.

Cuộc sống luôn là đề tài hấp dẫn để người nghệ sĩ khai thác qua nhiều góc nhìn, lăng kính cảm nhận khác nhau. Trong những chuyến đi thực tế, bằng cảm xúc và khả năng tưởng tượng, người nghệ sĩ đã giúp bạn đọc cảm nhận đầy đủ hơn hơi thở cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình.

Kỷ niệm một chuyến đi thực tế sáng tác của CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn Đà Nẵng. Ảnh: HÀ QUỐC TẤN
Kỷ niệm một chuyến đi thực tế sáng tác của CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn Đà Nẵng. Ảnh: HÀ QUỐC TẤN

Đi để chiêm nghiệm cuộc sống

Thực tế chỉ ra rằng, phần lớn tác phẩm ra đời trong và sau mỗi chuyến đi thực tế sáng tác thường mang hơi thở cuộc sống, sinh động và giàu tính nhân văn. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương chia sẻ, càng đi sâu vào nghề viết, chị càng thấy những chuyến đi thực tế,  tích lũy vốn sống vô cùng quan trọng.

Như lần đi viết về việc rà phá bom mìn và bình đồ cho dự án Laguna - Việt Nam ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, chị biết người dân nơi đây ngoài làm ruộng còn có nghề lấy vỏ hàu để tôi vôi. Điều đặc biệt là vỏ hàu chỉ lấy được trong mùa biển động. Chờ tiết trời phù hợp, một mình chị vượt Hải Vân, vượt sông Bù Lu rồi băng qua núi Cù Dù, nỗi khổ vì mưa gió không là gì so với nỗi sợ một mình băng rừng lạ.

Chị vừa chạy xe vừa khóc nhưng không hối tiếc vì trong chuyến đi đó, chị được chứng kiến cuộc sống vất vả nhưng ngời ngợi như tranh của những người dân. Bài bút ký sau đó của chị được nhà văn Bùi Việt Sỹ, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (khóa 4, năm 2010) phân tích, khen ngợi trước lớp học. Chuyến đi thực tế vất vả nhưng đầy cảm xúc để bây giờ, mỗi khi nghe gió mùa rít hun hút, trong chị lại hiện ra những bóng người nhỏ nhắn, lui cui như dã tràng trước biển dữ.

Trở về sau những chuyến đi, gặp gỡ biết bao nhiêu mảng màu tối – sáng của cuộc sống, bạn sẽ làm gì nếu không viết?! Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà thơ, nhà văn đều hỏi ngược lại tôi câu hỏi đó. Nhà văn Thái Bá Lợi có cách đi thực tế rất lạ, đi như một cuộc dạo chơi, trong túi chẳng khi nào có sẵn giấy bút vì ông hầu như không ghi chép.

Ông nói đi như thế để có thời gian, không gian cảm nhận hơi thở cuộc sống, quan sát tình huống, câu chuyện hay đơn giản là quan sát con người, để khi trở về nhà, ông ngồi vào bàn và chỉ viết những gì mình nhớ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả những điều ông thâu nhận được sau chuyến đi sẽ xuất hiện trên tác phẩm.

Đa số tác phẩm tiểu thuyết, văn xuôi của Thái Bá Lợi đều hình thành từ vốn sống được tích lũy từ 3 việc: đi, đọc, viết. Ví như tác phẩm Trùng tu được ông chắp bút từ năm 1983 nhưng mãi đến năm 2003 mới cho in. Dù là chuyện cũ, nhưng ai từng đọc Trùng tu sẽ thấy trong đó hơi thở cuộc sống đương đại vẫn ngồn ngộn, giống như câu chuyện chỉ vừa diễn ra hôm qua, hôm kia mà thôi.

Nói đến cảm xúc là nói đến giá trị tinh thần ở mỗi con người. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng duy nhất đến thời điểm này nhận tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế (A.FIAP) của FIAP, có nhiều ảnh tham gia triển lãm quốc tế trong và ngoài nước, Thân Nguyên được biết đến bởi năng lực sáng tác vững vàng, cộng với khả năng xâm nhập thực tế ở nhiều địa bàn khác nhau thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trong mỗi chuyến đi, anh mang về hàng chục, hàng trăm bức ảnh, bày biện, lựa chọn để giữ lại vài bức ảnh ưng ý hoặc lên vài ý tưởng cho chuyến đi sau này.

Như “Che chở”, tác phẩm đoạt Huy chương vàng PSA duy nhất - sau khi vượt qua 2.221 ảnh đến từ 46 quốc gia - tại Cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 17 ở Pháp năm 2004 do FIAP và Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) bảo trợ là kết quả của chuyến đi thực tế sáng tác cuối năm 2003 tại huyện Đông Giang (Quảng Nam). Ở đó, anh nhìn thấy giữa nhóm người dân tộc Cơtu đi làm rẫy về có một bà lão chừng 70 tuổi toát lên vẻ đẹp cuốn hút.

Theo chân bà lão về nhà, Thân Nguyên thực sự xúc động khi nhìn thấy cảnh cháu bé mừng rỡ chạy ra đón bà rồi sà vào lòng bà tíu tít kể lại những chuyện xảy ra khi bà đi vắng. Không bỏ lỡ giây phút đó, anh ngắm nhìn hai bà cháu, tận dụng ánh sáng ngoài trời hắt vào hiên nhà rồi liên tục bấm máy.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng nói rằng người nghệ sĩ rất cần những chuyến đi thực tế và không thể phủ nhận nhiều chuyến đi đã mang lại vụ mùa bội thu cho văn chương, nghệ thuật bởi phần lớn hiện thực được thu hoạch/thâu nhận trong cuộc sống sẽ theo đường vòng để bước vào tác phẩm. Do đó, trong bất  kỳ cuộc đi nào, dù là đi thực tế để tham quan và giao lưu cũng không hẳn là vô bổ, bởi điều đó có thể góp phần làm dày thêm vốn sống của người nghệ sĩ.

Tưởng tượng đúc kết từ hiện thực

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương nói chị từng cảm thấy bất lực khi đứng trước nại muối của diêm dân Sa Huỳnh, trong lò sấy cau khô ở Trà Bồng hay trước mẻ lưới trong bình minh ở biển Hải Hậu, Nam Định… Viết thế nào để nói được những khó nhọc của người dân? Với truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu lại càng khó, chị có cảm giác bế tắc bởi đây là các thể loại đòi hỏi trí tưởng tượng. Với chị, khi viết các thể loại này, những tư liệu từ thực tế chỉ dựng nên cái phông cho bài viết. Lúc này người viết cần đóng cửa để nhào nặn, gài đặt, nhấn nhá từng câu chữ, thông điệp cần chuyển tải…

Khi viết Đệ nhất game thủ, một truyện ngắn cho thiếu nhi, Nguyễn Thị Thu Sương chỉ dành hai buổi ra ngồi ở quán game nhưng phải thức trắng nhiều đêm mới viết nên câu chuyện sinh động, dí dỏm nhưng đầy trăn trở. Chị phải tưởng tượng, phải đặt mình trong câu chuyện ấy, đang bức bối vì vấn đề ấy, khi ấy chị như một đứa bé, chỉ với chăn màn, chiếc giường của mình nhưng đã nghĩ ra bao nhiêu trò chơi…

Trí tưởng tượng là yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tác nghệ thuật. Tuy nhiên, tưởng tượng phải dựa trên sự chiêm nghiệm, đúc kết từ hiện thực cuộc sống, nếu không thì tác phẩm ấy sẽ xa rời thực tế, thiếu tính thuyết phục. Một nhà thơ “bật mí” trong vài lần đi thực tế sáng tác đến vùng đất mới, ông thường “thủ sẵn” bài thơ được viết từ trước đó để đỡ áp lực cũng như có cái “trình làng” dù Ban tổ chức không đòi hỏi họ phải nộp tác phẩm cụ thể vào cuối chuyến đi.

Chia sẻ câu chuyện trên với ông Bùi Văn Tiếng, ông nói, trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật rất cần cảm hứng, mà cảm hứng sáng tạo thì không phải lúc nào cũng sẵn có để tạo đà cho người nghệ sĩ. Vì thế để tránh tình trạng “đối phó”, không nên đòi hỏi người nghệ sĩ sau chuyến đi thực tế phải có ngay tác phẩm chất lượng bởi việc thâu nhận hiện thực cuộc sống vẫn còn tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người, có cơ hội sẽ được bộc lộ bằng những sáng tạo nghệ thuật có giá trị cao hơn. Khi đó, người nghệ sĩ phải biết tích lũy tối đa năng lượng đồng thời phải để dành những nhụy hoa của cuộc sống và góp cho đời những giọt mật sóng sánh ngọt ngào.

Ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc, trong những chuyến đi thực tế ngắn ngày, hiếm có nhạc sĩ nào cho ra lò ngay tác phẩm. Nếu có chỉ là bản nháp, vỡ hoang những ý, từ vừa bắt gặp để rồi sau đó mới hoàn thiện. Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng chia sẻ những ca khúc Phú Ninh hò hẹn mới (1977), Cù Lao Chàm tình ca quê biển (1979), Tam Kỳ khúc hát yêu thương (1998), Nồng nàn Tây Nguyên (2004)… của ông đều có dấu ấn từ những chuyến đi trải nghiệm. Cũng có nhạc sĩ khi đi rất tâm huyết, khi về không viết được, lòng day dứt mãi rồi từ những tư liệu, những cảm nhận trong chuyến đi ấy phải đợi đến 5, 10 năm sau mới cho ra đời một ca khúc. Điều đó nói thêm rằng, sự trải nghiệm trong sáng tác nghệ thuật, đôi khi không đến từ những chuyến đi, mà đến từ thực tế cuộc sống đang diễn ra xung quanh mỗi người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.