.

Bóng ngả về chiều

.

Bóng đã ngả về chiều, nỗi nhớ mẹ cha hay niềm thương con cháu, quá khứ thì dày mà tương lai quá mỏng, những người chưa già hay sắp sửa già rồi cũng sẽ có chung một trải nghiệm đầy triết lý nhân sinh của quy luật thường hằng mà chẳng ai thoát ra được.

Bà Trần Thị Cúc (hàng đầu, bên trái) trong bài dưỡng sinh “Ba la chùy” ở Nhà văn hóa thôn Lệ Sơn 1. Ảnh: V.T.L
Bà Trần Thị Cúc (hàng đầu, bên trái) trong bài dưỡng sinh “Ba la chùy” ở Nhà văn hóa thôn Lệ Sơn 1. Ảnh: V.T.L

1. Qua điện thoại, nghe giọng ông Lê Minh Xuân lẫn ông Nguyễn Hạ (ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) có vẻ như không được khỏe. Tuổi già mà, trở trời là người như bị ai dần – ông Xuân nói vậy, nhưng rồi vẫn vui vẻ cho tôi cái hẹn.

Phòng khách nhà ông Hạ vắng hoe vào giờ hành chính. Ông vừa đem mấy ly nước ra thì ông Xuân nắm lấy tay, thuận đà kéo về phía bên trái mình, bảo: Ngồi xuống đây nói vài ba chuyện tâm tình cho cái cậu nhà báo ni ghi được cái chi thì ghi. Ông Hạ nhỏ nhẹ: Anh nói rứa răng được, “thắng nhất tuế vi huynh”, “kính lão đắc thọ”, ông bà mình dạy rứa, tôi ngồi ở mô thì cũng phải phép chứ anh. Nói rồi, ông Hạ đi vòng qua phía chiếc bàn nhỏ - nơi đặt một bình hoa tươi mà sáng nào con dâu ông cũng nhờ người mang tới cho vui cửa vui nhà, và ngồi vào phía bên phải ông Xuân.

Người xưa cũng có câu “thắng thập tuế vi phụ”, hơn 10 tuổi làm cha. Hèn gì mà ông Hạ 78 tuổi luôn tỏ vẻ nể trọng ông Xuân là người hơn mình đến gần một giáp. Ông Hạ ngày trước là giáo viên, có lẽ cái “chữ nghĩa thánh hiền” đã thấm vào máu thịt nên ông luôn hành xử theo đạo nghĩa, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Người bạn đời của ông cũng là nhà giáo, như cách nói bây giờ, đó là một “cặp đôi hoàn hảo”, hai ông bà xem 9 người con của mình như một lớp học ghép nhiều thế hệ và nuôi dạy tất cả ăn học tới nơi tới chốn. Giờ 8 người con đã ra riêng, vợ chồng ông sớm chiều khuây khỏa với tiếng cười, giọng nói của mấy đứa cháu nội là con của người con trai đang công tác bên Đại học Đà Nẵng đang ở cùng nhà.

2. Ông Xuân nguyên Trưởng ban Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Trong khi những người bạn đồng niên lần lượt ra đi thì ông còn trụ lại ở cái tuổi gần chạm cửu tuần. Vốn đã cô đơn, ông càng cô đơn hơn khi người đầu ấp tay gối của mình vừa qua đời mấy tháng trước. Ngôi nhà nhỏ bỗng dưng rộng thênh thang và đêm thì dài vô tận. Nhiều đêm ông bật dậy, thảng thốt nhớ lại khoảng thời gian ăn bụi ngủ hầm thời chống Pháp, vào tù ra tội; ngẫm nghĩ mình đã làm được những gì cho gia đình, gia tộc, xã hội… Với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng họ Lê Quảng Nam - Đà Nẵng, ông bao giờ cũng sống chững chạc, gương mẫu.

Hai người con đã có nhà riêng, giờ thì con gái ông đến nhà nối nghiệp mẹ làm nghề đông y. Tối tối người con rể ở lại, phòng khi ông trở mình giữa đêm hôm khuya khoắt. Nhớ cháu, ông điện thoại gọi chúng đến. Khi thì bánh trái, lúc thì cà-phê... cháu mang làm quà cho ông. Người đầu bạc, kẻ tóc xanh thầm thì trò chuyện. Ông to nhỏ tâm sự chuyện đời mình cốt cho cháu từng bước nhìn nhận đúng về xã hội ngày nay. “Xã hội bây giờ phức tạp quá, đêm nằm là suy tư, lo lắng vì luân thường đạo lý đảo lộn. Cứ thầm mong cho cháu chắt mình đừng có sa vào những chuyện tiêu cực ngoài xã hội”, ông trăn trở.

Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cũng có một cụ ông luôn trăn trở về hiện tình xã hội. Đó là ông, nay xấp xỉ tuổi 90. “Cụ Nghĩa” là tên gọi thân mật người dân Hòa Mỹ dành cho ông. 20 năm liên tục giữ chức Trưởng ban Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, Trưởng ban Tổ chức Hội làng, ông được mệnh danh là “trung tâm đoàn kết” của các họ tộc cũng như các tổ dân phố. Tuổi già, tuy có một số việc không làm được, nhưng là một trong những “cây cổ thụ” của làng, ông giải quyết một cách có tình có lý những khúc mắc xảy ra trong đời sống. Thanh-thiếu niên trong khu vực có biểu hiện hư hỏng, ông hết tỉ tê với cha mẹ, lại dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên lơn các cháu. Cái uy lực của người già đã giúp được nhiều cháu vượt qua sự cám dỗ của xã hội.

3. Ông Xuân và ông Hạ tuy tuổi tác chênh lệch nhưng tính tình “hợp” nhau nên họ trở thành hai người bạn già, đi đâu cũng kéo nhau như cặp bài trùng. Ông Hạ một thời còn chơi tennis, chừ thì sáng sáng kéo ông Xuân đi tắm biển, chiều rủ nhau xuống bờ sông Bạch Đằng chơi cờ tướng với mấy ông già. Ông Hạ cười: Nói là chơi cờ tướng cho oai, chứ thiệt ra xem người ta chơi là chính, mỗi khi thấy có nước đi xuất thần quá hay là ré lên như con nít!

Nhân nhắc chơi thể thao, nhớ có lần bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) rủ về Nhà văn hóa thôn Lệ Sơn 1 xem Câu lạc bộ (CLB) Thể dục dưỡng sinh Lệ Sơn Bắc biểu diễn. Cả xã có 9 CLB, nhưng chỉ mỗi CLB Lệ Sơn Bắc là liên thế hệ, độ tuổi trải dài từ 35 đến 80. Trẻ năng động, tiếp thu nhanh, có bài mới nào là dễ dàng hướng dẫn cho các cụ mau nhớ bài. 4 giờ 30 sáng, gần 30 thành viên đã có mặt, khởi động một lát rồi bước vào biểu diễn bài “Ba la chùy” theo điệu nhạc phát ra từ chiếc loa nhỏ. Tan buổi tập, họ tỏa về các nẻo đường, riêng các vị cao niên thì ngồi lại uống chén nước, tâm sự chuyện già với nhau.

Bà Trần Thị Cúc, đã “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn được các thành viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB từ năm 2009 đến nay. Con cái bà đi hết, chỉ còn hai vợ chồng già. Ông chồng bị đau khớp, sáng dậy chạy xe đạp cho giãn gân giãn cốt. Bà quê xã Hòa Khương, thỉnh thoảng về tham gia với chị em CLB Thể dục dưỡng sinh trên đó. Bà bảo, thể dục dưỡng sinh giúp người già giảm thiểu bệnh tật, làm chậm quá trình lão hóa nên cả người chưa già cũng mê. Thu hoạch vụ đông xuân vừa rồi bận rộn quá chừng, nhưng không ai bỏ một buổi tập.

Mỗi 3 năm một lần, Hội Người cao tuổi xã Hòa Tiến tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao người cao tuổi với nhiều hoạt động lưu giữ văn hóa xưa như têm trầu cánh phượng, gói các loại bánh cổ truyền, hát dân ca, làm thơ... Đây là một sân chơi bổ ích nên ai cũng tham gia. Con cháu tranh thủ việc đồng áng đến làm cổ động viên, cũng hò hét khản cổ mỗi khi có cụ ông, cụ bà nhà mình lên sân khấu. Ngày 6-6 này, theo bà Hương, Hội sẽ tổ chức mừng thọ 358 cụ tròn tuổi từ 70 đến 100 tại 12 điểm; trong đó có 3 cụ tròn 100 tuổi sẽ được thành phố đến thăm và tặng quà.

4. Ông Xuân sang năm tròn 90 và sang năm nữa ông Hạ tròn 80. Thời gian đi quá nhanh, mỗi khi nghe hỏi đến tuổi là người già ai cũng đâm sợ. Thế nhưng, vào các tuổi “tròn” như thế, các ông lại được con cháu và Hội Người cao tuổi mừng thọ, lại cảm thấy vơi đi nỗi buồn tuổi tác.

Ông Hạ những đêm mất ngủ lại chạnh nhớ đến cha mẹ mình một thời cơ cực nuôi 9 anh chị em ông ăn học. Mẹ ông làm nông. Cha là tú tài nho làm nghề thầy thuốc, mọi người gọi là ông thầy Quang, từng được lên Báo Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) vì những công trình phiên dịch các văn bia Hán – Nôm ở các ngôi mộ cổ. Cha ông đã dành cho anh em ông những trải nghiệm của một đời người theo học “chữ của thánh hiền”; đến phiên mình, ông lại truyền đạt lại cho cháu con những đạo lý làm người ở đời.

Nhớ đến cha mẹ mình, ông Hạ đôi mắt đỏ hoe. Cũng có người giấu nỗi nhớ mẹ cha vào trong câu thơ rứt ruột: nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ. Đầu tháng 11 năm ngoái, trước khi ra mắt tập thơ Phù sa rưng rưng của mình, tôi từng nghe ông đọc bài Bóng cuối chiều xa với những cảm xúc rưng rưng về cha: Rồi cha đi về một nơi/ Mà niềm tin còn xa lắc/ Tiếng nấc hoàng hôn xé rách một phương trời... Hay hình ảnh chạnh buồn của mẹ: Con tắc kè đêm đêm tặc lưỡi/ Lá úa vàng gốc bưởi chẳng ra hoa/ Mẹ nhặt nhạnh những cành khuya bên căn nhà cổ...

Khi người ta lên lão, ngoái đầu nhìn lại bỗng thấy mình đi gần hết con dốc phía bên kia của cuộc đời. Bóng đã ngả về chiều, nỗi nhớ mẹ cha hay niềm thương con cháu, quá khứ thì dày mà tương lai quá mỏng, những người chưa già hay sắp sửa già rồi cũng sẽ có chung một trải nghiệm đầy triết lý nhân sinh của quy luật thường hằng mà chẳng ai thoát ra được. Có điều, người trẻ có mấy ai chia sẻ, cảm thông với cuộc sống của người già?

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.