.

Tiếng hát làm vơi nỗi đau

.

Mỗi tháng hai lần vào chiều chủ nhật, hơn 100 sinh viên các trường đại học (ĐH) ở Đà Nẵng và doanh nhân trên địa bàn quận Hải Châu lại đem tiếng hát đến với các bệnh nhân ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

 Sinh viên, doanh nhân hát với bệnh nhân ung thư để chia sẻ nỗi đau, tiếp thêm nghị lực sống. Ảnh: T.H
Sinh viên, doanh nhân hát với bệnh nhân ung thư để chia sẻ nỗi đau, tiếp thêm nghị lực sống. Ảnh: T.H

Đây là chương trình được phát động sau dự án “Một bức tranh – Nhiều hy vọng” do nhóm giảng viên, sinh viên khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thực hiện vào cuối năm 2014, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Giờ đã thành thói quen, hằng tháng có hai chiều chủ nhật, bệnh nhân khắp các phòng trong bệnh viện ngóng đợi các bạn trẻ đến. Chỉ cần có tiếng mời của người dẫn chương trình ở giữa sân bệnh viện, là các cô, các chú bệnh nhân đã ngồi kín khắp các dãy bàn. Mỗi chương trình được tổ chức, có khoảng bốn đến năm chục bệnh nhân tham gia; lần nhiều thì không còn đủ chỗ để ngồi, phải đứng lên trên bậc thang. Những người không thể rời giường bệnh để đến với chương trình được các bạn sinh viên đến tận nơi an ủi, động viên, tiếp thêm nghị lực sống cho những người đang ngày đêm chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Nửa năm qua, cứ đầu giờ chiều chủ nhật, các bạn sinh viên và doanh nhân tới sớm bưng bê bàn ghế, nối điện cho “dàn nhạc” cây nhà lá vườn. Sân khấu dã chiến dựng giữa sân bệnh viện. Nhiều người bệnh già yếu không tự đi được thì các bạn đẩy xe lăn, hoặc cõng ra. Bệnh nhân ngồi trên ghế, sinh viên và doanh nhân ngồi bệt giữa đất, quây lại thành một vòng tròn. Mở màn bao giờ cũng là ca khúc tập thể “Nối vòng tay lớn”, “Niềm tin chiến thắng”…; nhiều bệnh nhân tay còn cắm ven chuyền, đầu đội mũ để che đi mái tóc rụng gần hết sau các đợt hóa trị vẫn yêu đời vỗ tay hát theo. Lần lượt, những tiết mục đơn ca, song ca, độc tấu sáo trúc của các bạn sinh viên vang lên, các doanh nhân đi vòng quanh sân, vừa hát, vừa nắm tay bệnh nhân thật chặt như thổi vào lòng họ niềm lạc quan để sống tiếp.

Cụ Phạm Đức Kiên năm nay đã ngoài 70, đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối xúc động: “Tôi biết mình và những bệnh nhân ở đây không còn sống được bao lâu nữa, những tháng ngày này với chúng tôi như một cửa ải khó khăn, tự thân mình không thể nào vượt qua được. May thay, nhận được sự quan tâm, khích lệ của các bạn trẻ, chúng tôi thấy cuộc sống ý nghĩa vô cùng, còn sống được ngày nào, phải tươi vui ngày ấy”. Thế rồi cụ rời ghế, chậm chạp lê từng bước chân ra giữa vòng tròn, nhờ ban nhạc đánh đàn cho ca khúc “Đám cưới đầu xuân”. Tất cả bệnh nhân và những ai có mặt ở đó đều vỗ tay theo nhịp bài hát khi giọng hát ấm áp của cụ cất lên; nét mặt cụ đầy lạc quan như chưa hề trải qua những cửa ải mà cụ nói. Nhiều bệnh nhân khác cũng hát theo, rồi xin giấy đăng ký thêm bài. Chiều hôm ấy, sân bệnh viện trở thành sân khấu ca nhạc, nhiều người bệnh hân hoan khi mình là “ca sĩ” của chương trình.

Bạn Trần Minh Toại, SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tâm sự: “Với mục đích chia sẻ nỗi đau, tiếp thêm nghị lực sống cho các bệnh nhân, mình cũng như tất cả sinh viên ở đây đều hưởng ứng hoạt động này rất nhiệt tình. Ai biết hát thì hát, không biết thì ngồi cổ vũ, miễn sao làm bệnh nhân nở được nụ cười. Nhiều cô chú bệnh nhân còn dặn tụi mình năng tới hơn nữa, để không chỉ được hát, mà còn chia sẻ những vui buồn, nguyện vọng trong cuộc sống”. Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hy vọng các bạn trẻ đã thay bệnh viện mang đến cho các bệnh nhân một tâm lý thoải mái, thái độ sống tích cực, lạc quan: “Đối với người bệnh, nhất là những người đang điều trị ở giai đoạn cuối thì liều thuốc tinh thần rất quan trọng đối với họ. Bệnh viện hy vọng sẽ được đón tiếp những hoạt động bổ ích như vậy ngày càng nhiều hơn”.

Tính từ đầu năm đến nay, chương trình đưa tiếng hát đến với bệnh nhân ung thư đã tổ chức 7 lần tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Anh Hồ Dương Đông, giảng viên khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), thành viên Ban tổ chức chương trình cho biết: “Trước khi chương trình diễn ra khoảng một tuần, chúng tôi kêu gọi các bạn sinh viên lên trang Facebook Dự án tình nguyện Một bức tranh – nhiều hy vọng đăng ký các tiết mục văn nghệ, đồng thời cắt cử các nhóm khác lo bưng bê bàn ghế, chuẩn bị sân khấu, đón tiếp bệnh nhân. Các doanh nhân kêu gọi thêm một vài doanh nghiệp khác cùng đóng góp và đồng hành với công tác chuẩn bị bằng cách ủng hộ bánh, sữa…”.

TRẦN HIỀN

;
.
.
.
.
.