.

Quên đi những điều đáng nhớ

.

Đôi khi, thế giới muôn màu trong mạng Internet khiến ta nhớ những điều đáng quên và quên đi những điều đáng nhớ...

Không gian chia sẻ của gia đình bị ngăn cách bởi thiết bị điện tử thông minh. (Ảnh minh họa)
Không gian chia sẻ của gia đình bị ngăn cách bởi thiết bị điện tử thông minh. (Ảnh minh họa)

1. Trong gia tài tháng năm tuổi trẻ của tôi có hàng trăm lá thư tay của bạn bè từ khắp nơi gửi về. Nhìn những nét chữ quen thuộc, những dòng thăm hỏi ân cần, những câu chuyện tình yêu trong sáng tuổi học trò được tâm sự, sẻ chia luôn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Ngày ấy, tôi gửi lá thư đầu tiên cho người bạn phương xa khi đang là học sinh lớp 9, viết bằng bút mực màu tím, nắn nót từng ý, từng lời suốt buổi tối cuối tuần để sau này, trong lá thư hồi âm bạn gửi lại, tôi nhận được lời khen “viết chữ đẹp quá chừng” mà lòng rộn vui suốt những ngày sau đó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải vì sao mỗi lần gửi và nhận thư, trong tôi đều xuất hiện cái cảm giác thân thuộc, nhiều yêu thương đến thế.

Trong xấp thư dày cộm, tôi nhận ra lá thư tay cuối cùng bạn gửi ghi dấu bưu điện ghi ngày 12-5-2007, tức hơn 8 năm về trước, có đoạn:“Thôi hỉ, bữa ni không ngồi viết thư tay nữa. Ra trường, đi kiếm việc làm, chắc không đủ thời gian viết thư nữa đâu. Mình lập cái thư điện tử đi, có gì cần tâm sự, cứ gõ vào đó mấy chữ, chỉ trong tích tắc, chúng ta sẽ có mặt để chia sẻ mọi buồn, vui”. Chẳng ai có thể phủ nhận sự nhanh chóng và tiện ích của hòm thư điện tử, nhưng chẳng hiểu sao, những dòng chữ - dẫu tràn cảm xúc - cũng khó gợi lên những dấu yêu ngày cũ.

Và, cũng chẳng hiểu vì sao, chưa bao giờ tôi kiên nhẫn viết một thư điện tử đủ ý, đủ lời như cách viết thư tay trước đây để tâm sự nhiều hơn với bạn. Dường như, thư điện tử khiến những chia sẻ giữa những người bạn, người thân tự nhiên ngắn đi, thiếu cảm xúc và thiếu hẳn những câu chuyện trải lòng.

Một lần, tôi bắt gặp trong truyện ngắn Hang động của Nguyễn Ngọc Tư đoạn chị viết: “Có lần đọc nửa cuốn Những bức thư đầm ấm của hai ông Nguyễn Hiến Lê và Quách Tấn, em cùng người bạn hào hứng rủ nhau tụi mình sẽ viết thư giống mấy ông già kia. Kể nhau nghe cái gió chuyển mùa, bài hát sướt mướt vừa nghe được chiều nay, một cuốn sách hay tìm thấy được trong gánh ve chai, hay rên rỉ về một nổi buồn quéo râu ria… Lịch sử rốt cuộc đã không được ghi lại, vì vụ tình thương mến thương ấy đã xếp xó chỉ sau chục cái thư điện tử”. Có lẽ, chính Nguyễn Ngọc Tư cũng thừa nhận rằng, thư điện tử dần lấy đi cảm xúc con người, để người viết thư không phải mang nỗi lo thư bị thất lạc bởi anh nhân viên bưu điện làm rơi ở dọc đường, không sợ chữ xấu như gà bươi vừa đọc vừa đoán, nhưng sự tiện nghi chẳng có chút giá trị gì, khi người ta không sẵn sàng chia sẻ.

2. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các phương tiện kỹ thuật số đối với đời sống con người. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chỉ vài thao tác đơn giản, bạn đã có thể kết nối với người thân, trao đổi công việc, hội thoại kèm video, để lại lời nhắn hay gửi tin nhắn có hình ảnh kèm theo.

Bạn cũng có thể cập nhật trạng thái trên mạng xã hội facebook, chụp hình, quay phim, viết những điều cần ghi nhớ, bản đồ, công cụ đọc báo, nghe nhạc, chơi game, xem các chương trình giải trí… Điều con người đang cố tình quên đi là việc điện thoại thông minh đã “lấy” đi của bạn bao nhiêu thời gian và tiền bạc, nó khiến bạn thu mình lại trước mọi người, ngại chia sẻ. Chị Trịnh Thị Hương, chuyên viên Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết, khá nhiều chị em tìm đến trung tâm kể rằng mình “ghen” với chiếc điện thoại của chồng.

Từ lúc ra khỏi nhà đến khi về ăn cơm, xem tivi, đi vệ sinh, vào phòng ngủ, tay – mắt chồng không bao giờ rời khỏi điện thoại di động. Hỏi thì chồng bảo đọc tin tức, xem thư điện tử, xem bóng đá… với muôn vàn lý do chính đáng khiến vợ không còn cách nào để nói chuyện hay nhờ chồng chia sẻ việc nhà cửa, bếp núc, vô tình tạo khoảng trống cho kẻ “thứ 3” xen vào. Cuộc chiến của họ âm ỉ từng ngày khiến vợ chồng ngày càng xa cách mà quên đi việc mình phải trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn nữa với người bạn đời để cuộc sống gia đình hòa thuận, ấm êm.

Cách đây khoảng 1 năm, Báo Vietnamnet đưa tin Tổ chức Tầm nhìn thế giới (Worlds Vision) đưa ra một kết quả khảo sát rằng, học sinh THPT tại Việt Nam dành mỗi ngày từ 1 đến 7 giờ để gọi và nghe điện thoại, gửi từ 20 đến 50 tin nhắn và dành 1 đến 4 giờ đồng hồ chơi trò chơi điện tử, trở thành một trong những quốc gia có học sinh sử dụng điện thoại di động thuộc hàng cao nhất thế giới.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Phan Thị Hải, Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) nói rằng không ít thầy cô phàn nàn chuyện học sinh vẫn cố tình để chuông điện thoại trong giờ lên lớp khiến mỗi lần chuông reo ảnh hưởng không nhỏ đến mạch giảng bài của thầy cô, làm học sinh phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

3. Có thể nói rằng, cách đây gần chục năm, điện thoại di động chỉ là công cụ giao tiếp của con người, dừng lại ở việc nghe, gọi, nhắn tin hoặc nghe radio. Giờ đây, hình ảnh vợ chồng, con cái ngồi với nhau nhưng dường như xa cách hơn bởi chiếc điện thoại di động vô tình trở thành rào chắn. Ở không gian nghiêm túc như một cuộc họp, hội nghị, cũng không khó bắt gặp cảnh người phát biểu cứ phát biểu, người nghe cứ cắm cúi vào thiết bị cầm tay; bạn bè rủ nhau đi uống cà-phê cũng “việc ai nấy làm” với chiếc điện thoại nhỏ xinh của mình, chẳng buồn hỏi han, trò chuyện.

Tôi từng bắt gặp cái nhíu mày của một cụ ông giữa sân ga Đà Nẵng chiều 28 Tết khi nghe cô bé ngồi chờ tàu bên cạnh nói chuyện điện thoại rõ to, thỉnh thoảng đệm thêm vài câu chửi thề như đang ở chỗ không người mà quên rằng mình cần phải giữ phép lịch sự nơi công cộng. Có lẽ, trước thực trạng lạm dụng điện thoại di động mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi như hiện nay, xã hội nên đòi hỏi một thứ văn hóa mới: văn hóa sử dụng điện thoại thông minh, lịch sự và có trách nhiệm với cộng đồng.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.