.

Mang theo điệu lý quê nhà, Anh đi...

.

LTS: Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, từ biệt trần gian lúc 15 giờ ngày 15-5-2015, sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Đây là tổn thất vô cùng to lớn với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè gần xa. Trước khi tiễn đưa anh về nơi yên nghỉ cuối cùng vào chiều 18-5-2015, NSƯT Huỳnh Hùng - Giám đốc Đài PTTH Đà Nẵng đã gửi tới tang quyến cùng tất cả những người từng yêu mến anh và trân trọng những giá trị nghệ thuật và báo chí mà anh để lại lời tiếc thương vô hạn nhất.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Nhạc sĩ Thái Nghĩa tuổi Bính Thân, sinh năm 1956 tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vùng quê này nằm ngay trên vành đai căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng nên trong hai cuộc kháng chiến luôn nóng bỏng, ác liệt. Đầu những năm 60 thế kỷ trước, cha anh thoát ly tham gia cách mạng. Khi anh đang học lớp ba ở quê thì làng bị đốt, trường bị đốt, thầy giáo bị bắt, người mẹ dắt Thái Nghĩa và các em thơ dại vào Nha Trang lánh nạn, rồi bà bán hàng rong kiếm sống. Tại đây, Thái Nghĩa vừa học phổ thông, vừa tham gia các hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên, “hát cho đồng bào tôi nghe”. Và từ đây, anh chập chững bước vào con đường sáng tác âm nhạc.

Sau năm 1975, Thái Nghĩa về lại đất Quảng, tham gia thanh niên xung kích tại địa phương. Anh lên rừng cùng với bà con lập vùng kinh tế mới, xuống biển trồng phi lao chắn gió, đi đào mương dẫn nước vào đồng, đắp đập cứu ruộng đồng khỏi nhiễm phèn chua, nước mặn… Đi vào đời sống với những người lao động, tâm hồn anh luôn ngân vang giai điệu, chan chứa niềm ước ao được viết, được sáng tác nhưng còn băn khoăn vì tay bút chưa vững vàng.

Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh là năm 1978 về công tác ở Đài Phát thanh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN), nay là Đài PTTH Đà Nẵng. Anh đã gắn bó với cơ quan báo chí này cho đến hôm nay, 37 năm, hơn nửa đời người… Năm 1979, cơ quan Đài tăng cường anh về xây dựng Đài Truyền thanh huyện Phước Sơn. Là con trai duy nhất của gia đình nhưng anh sẵn sàng khăn gói lên đường đến với vùng núi cao trên dãy Đông Trường Sơn, để lại sau lưng gia đình cùng phố xá thị thành bên dòng sông Hàn thơ mộng.

Điều làm không ít đồng nghiệp bất ngờ là anh thích nghi rất nhanh, nhập cuộc rất nhanh, hòa nhập rất sâu với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số của miền Tây Quảng Nam như K’tu, K’dong, P’nong… Và từ đấy, đề tài miền núi, những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các làn điệu dân ca mộc mạc, trong trẻo nơi đây ngày càng thấm đẫm tâm hồn anh, đeo đẳng con tim khối óc anh như một sự ám ảnh, trở thành niềm cảm hứng sáng tạo mãnh liệt của anh. Và rồi từ đấy, miền núi Quảng Nam trở thành nơi chốn đi về thường xuyên của anh suốt mấy chục năm sau…

Năm 1980 anh trở về lại mái nhà cũ là Đài Phát thanh QN-ĐN, làm phóng viên văn nghệ, sau đó được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Văn nghệ của Đài. Bằng nhiều trải nghiệm từ thực tế cuộc sống, bằng sự nhạy cảm của một nhà báo-nghệ sĩ, anh là một trong những người có công lớn trong việc tham mưu cho lãnh đạo Đài xây dựng và trực tiếp tổ chức thực hiện các chuyên mục về văn học-nghệ thuật sát thực tế, giàu bản sắc, giàu tính nhân văn, phù hợp với định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là các chuyên mục:  Trang văn nghệ Đà Nẵng, Tiếng hát người Đà Nẵng, Bài hát bạn yêu thích, Diễn đàn Văn học-Nghệ thuật, Dân ca nhạc cổ, Những ngôi sao nhỏ, Sân khấu màn ảnh nhỏ…

Những chuyên mục này chẳng những làm đa dạng, sinh động làn sóng của Đài mà còn gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, động viên, cổ vũ phong trào sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ; góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; làm phong phú đời sống văn học-nghệ thuật ở Đà Nẵng nói riêng và một vùng văn hóa đất Quảng nói chung. Những chuyên mục này và sự đóng góp của nhạc sĩ Thái Nghĩa còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa-âm nhạc truyền thống của quê hương; tôn vinh những văn nghệ sĩ lớn tuổi, quảng bá sâu rộng những đứa con tinh thần của họ.

Đặc biệt, nhạc sĩ là người có công rất lớn trong việc gầy dựng sân chơi riêng dành cho các em thiếu nhi là “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” trên sóng phát thanh. Đây là chương trình đã góp phần nâng cánh ước mơ cho những tài năng nghệ thuật trẻ tuổi. Trong đó, có những người đã tạo nên những dấu ấn nổi bật trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp của địa phương và cả nước.

Bên cạnh công việc ở Đài, nhạc sĩ Thái Nghĩa còn tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên ngành. Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng từ 2002-2013; làm Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội VHNT thành phố từ 2009 đến nay. Ở các vị trí này, anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tình với công việc; công tâm, minh bạch trong quản lý, điều hành; gần gũi, cởi mở, chan hòa với đồng nghiệp; quan hệ tốt với văn nghệ sĩ các chuyên ngành khác ở Trung ương, các địa phương bạn, và đặc biệt anh thể hiện rõ khả năng tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ hội viên, đồng nghiệp.

Ngoài công việc quản lý, Thái Nghĩa còn là một nghệ sĩ chuyên tâm sáng sác. Cũng như nhiều nghệ sĩ chân chính khác, Thái Nghĩa nghĩ rằng chỉ có tác phẩm may ra còn lại với cuộc đời, với thời gian sau khi tất cả đã qua đi. Nhận xét về tác phẩm của Thái Nghĩa, nhạc sĩ Trương Đình Quang viết rằng: “Thái Nghĩa ấp ủ trong tâm trí nhiều đề tài. Anh ca ngợi quê hương, người lao động, núi rừng, cùng với niềm say mê lớn là sáng tác cho thiếu nhi. Thái Nghĩa viết cho các em những ca khúc có khúc thức gọn, chặt, giai điệu đẹp, trau chuốt, phát triển từ chất liệu âm nhạc dân gian, trên thang âm dân tộc; các nét luyến láy, bước nhảy quãng, tiết tấu mang màu sắc riêng của từng dân tộc, chứng tỏ ý thức cẩn trọng của nhạc sĩ trong sáng tạo…”.

Một trong những điều trăn trở khôn nguôi trong lòng Thái Nghĩa là chưa có một tác phẩm xứng tầm hay ít ra cũng ưng ý cho Đà Nẵng, nơi bản thân và gia đình đã gắn bó suốt mấy chục năm sinh sống và làm việc. Theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa thì “Điều này chúng ta cần thông cảm, vì con tằm Thái Nghĩa đã rút gần như cạn kiệt những sợi tơ cho những miền quê, cho núi rừng, cho nhiều thế hệ thanh-thiếu niên, nhi đồng là đồng bào các dân tộc miền núi QN-ĐN rồi! Đó là những ca khúc: Điện sáng làng định cư, Thao thức với rừng, Miền núi nhắn về, Chim Ch’rao vui hót, Suối ơi đừng có ngủ ngày, Hoa rừng tặng những bé ngoan, Đường mới vùng cao, Niềm vui phố núi, rồi Điệu lý quê em, Điện Bàn yêu thương, Mẹ cấy giữa mùa vui, Bài đồng dao ngày mới, Âm vang điệu lý sắc bùa, Đàn chim én quê em, Hát bả trạo chào bình yên...”.

Bên cạnh gần 100 ca khúc, Thái Nghĩa còn sưu tầm, biên khảo, ký âm, đặt lời mới, dịch ra tiếng phổ thông cho mảng dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đất Quảng. Rõ ràng, Thái Nghĩa biết chọn cho mình một lối riêng, rất riêng để sáng tác và nghiên cứu, và nhờ vậy mà anh khẳng định được chỗ đứng của mình một cách vững chắc trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật ở quê hương.

Với 60 năm tuổi đời, gần 40 năm tham gia công tác xã hội, nhạc sĩ Thái Nghĩa đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh thần rất đáng trân trọng, để lại cho chúng ta những phẩm chất tốt đẹp về tình đồng chí, đồng nghiệp và biết bao tình cảm yêu thương, trìu mến với gia đình, hàng xóm, bạn bè thân thiết. 60 năm cuộc đời của anh với quá nhiều biến động của xã hội, trải qua bao nỗi truân chuyên, gặp phải bao cơn sóng gió. Anh vốn là người yêu đời, lạc quan, tính tình hồn hậu, cởi mở, sống chan hòa với mọi người, thiết tha yêu đời yêu người, chúng tôi những tưởng đó là những liều thần dược giúp anh vượt qua cơn nguy kịch trong những ngày chống chọi với căn bệnh quái ác, nhưng điều bất ngờ vẫn cứ đến!

Chia tay vĩnh viễn với anh, những người ở lại chúng tôi bàng hoàng, đau xót. Bên cạnh anh, ngoài gia đình yêu quý nhất của anh, luôn có đông đảo bà con quê hương, xóm phố, bạn bè, đồng nghiệp. Các nhà báo, nghệ sĩ lão thành như Nguyễn Quỳnh, Thanh Anh, Trần Hồng, rồi những Trần Đình Sanh, Huỳnh Thanh Tám, Trần Quang, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Huy Hùng, Trương Duy Huyến, Minh Đức, Nguyễn Duy Khoái, Phạm Quang Trung, Bùi Công Minh, Bùi Văn Tiếng, Trần Trung Sáng, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Ngọc Hạnh, Võ Kim Ngân, Kiều Nga… đều rưng rưng, không ai muốn chia xa anh vĩnh viễn…

Những ngày này, chúng tôi càng nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống của anh với cử chỉ nhẹ nhàng, bước đi khoan thai, nụ cười hồn hậu, ánh mắt trìu mến, rồi nhớ đến những giai điệu đẹp, những ca từ hay, những ý tưởng mới trong sáng tạo của anh, rồi bỗng nhiên muốn hát: Em còn đi học đường xa, mang theo điệu lý quê nhà, em đi, ba lý tang tình mà nghe!...

Nhạc sĩ Thái Nghĩa ơi, đành lòng vậy! Anh đừng đau đáu nữa mà hãy thanh thản ra đi. Chúng tôi, những người ở lại, sẽ tiếp tục những công việc mà anh còn dang dở, những ước mơ của anh chưa thành hiện thực, và sẽ viết tiếp những giai điệu đẹp, những nốt nhạc hay mà  anh từng ấp ủ…

Xin vĩnh biệt nhạc sĩ Thái Nghĩa yêu mến của chúng tôi, của chúng ta!

HUỲNH HÙNG

;
.
.
.
.
.