.
Phương hay Thuốc quý

4 nghiệm phương chữa bệnh trẻ em của Hải Thượng Lãn Ông

.

“Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là bộ y học toàn thư đồ sộ của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nét độc đáo của bộ sách quý này là ngoài việc trình bày có hệ thống từ lý luận đến thực tiễn điều trị chung các khoa chữa bệnh, tác giả luôn có những sáng tạo riêng biệt.

Ví như về nhi khoa trong các tập “Ấu ấu tu tri” (Yêu trẻ nên biết), sau phần trình bày chi tiết gồm 90 mục chữa bệnh trẻ em, Lãn Ông đã đúc kết kinh nghiệm soạn chế 4 phương thuốc có thể gia giảm chữa mọi chứng bệnh thông thường của trẻ em. Xin trích lục giới thiệu 4 bài thuốc đó.

Tiếp tục vô âm phương (tức Lục vị địa hoàng thang gia giảm)

Thục địa 8g (âm hư, hình khô đét gia tới 12 – 16g); Sơn dược 6g (hấp trên nồi cơm, sấy 2 lần, sao 3 lần đến độ vàng sẫm là được); Phục linh 3g (miệng khô khát thì tẩm sữa, thượng tiêu nóng dùng 4g); Sơn thù 4g (hay khóc, mặt đỏ dùng 2g chưng với rượu); Mẫu đơn bì 4g (tẩm rượu sao, vị khí yếu giảm một nửa, yếu quá thì bỏ đi vị này); Trạch tả 2g (tẩm muối và rượu sao, âm hư nhiệt lắm thì dùng 4g, không khát mà đi tiểu nhiều lần thì bỏ đi); Mạch môn 4g (trộn với gạo lâu năm sao phồng, vị khí mạnh dùng sống); Ngũ vị 1g (phế khí suy thì giã, tẩm mật chích vàng để nhuận phế, muốn thu nạp chậm thì nghiền thô). Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Phương thuốc này để làm mạnh phần thận thủy của tiên thiên; dùng chữa hết thảy các bệnh nóng, bệnh mới cảm của trẻ con, không nơi nào là không thích hợp, thực là phương thuốc rất hay về nhi khoa. Nhờ bổ mạnh chân âm, thủy vượng nên hỏa dẹp xuống, âm được tư dưỡng thì hỏa tự giáng, hỏa không hao thì nguyên khí không tổn, hỏa trở về vị trí của nó thì mọi chứng trạng được yên ổn.

Tư bồi trĩ dương phương (tức Bát vị địa hoàng thang gia giảm)

Thục địa 8g; Sơn dược 4g; Sơn thù 4g; Mẫu đơn 3g; Phục linh 4g; Trạch 3g; Ngũ vị 2g; Ngưu tất 4g; Đỗ trọng (sống) 4g; Đại phụ tử 1g; Nhục quế (bỏ vỏ) 0,8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa các chứng trẻ con ngoài giả nhiệt mà trong thực hàn, cùng với các chứng lâu ngày, bệnh nặng và mệnh môn hỏa rất hư. Bổ mạnh nguyên dương lại kiêm tư âm để làm cho nguồn tinh huyết đầy đủ. Trẻ em tiên thiên bẩm thụ yếu đuối thì phương thuốc này là đơn thần hộ mệnh, thuốc tiên cứu sinh.

Vinh dưỡng tâm can phương (tức Tứ vật thang gia giảm)

Hoài sinh địa (tẩm rượu 1 đêm) 8g; Đương quy (rửa rượu) 4g; Bạch thược (rửa rượu sấy khô) 3g; Xuyên khung (sấy khô) 1,5g; Sa sâm (rửa rượu) 4g; Can khương (sao đen) 1g; Gia thêm 10 sợi Đăng tâm sắc uống ngày 1 thang.

Chữa các chứng trẻ con bỗng nhiên nóng dữ (do tà nhiệt mới xâm vào), các chứng có nóng vừa, vì nóng thì hại huyết, phải bồi dưỡng cơ năng thống huyết (của Tâm) và tàng huyết (của Can) để cứu âm huyết hậu thiên.

Điều bổ tỳ phế phương (tức Tứ quân tử thang gia giảm)

Nhân sâm 8g (hỏa thịnh dùng 4g); Bạch truật 12g (cần thẩm thấp sao đất, tỳ yếu sao vàng, âm hư tẩm sữa sao); Phục linh 6g (tẩm sữa); Chích thảo 3g (môn vị khô táo tẩm mật chích); Thục địa 4g (nướng cho thơm, để hòa tỳ âm, kiềm bớt tính ráo của Bạch truật); Liên tử 4g (bỏ vỏ bỏ tim, sao thơm); Gia gừng nướng 3 lát, Đại táo 3 quả; sắc uống ngày 1 thang.

Chữa chứng tỳ hư thấp trệ không thể vận hóa được, vị hư không thu nạp được và phần dương của vị hư mà vệ khí kém thiếu, phần âm của tỳ hư mà vinh khí hao tổn biến sinh các bệnh. Đó là điều bổ tạng tỳ, chuyển xấu làm tốt để bổ nguyên khí của hậu thiên và bồi thêm nguồn gốc sinh hóa.

Trên đây là trích lục 4 bài thuốc tâm đắc trị bệnh trẻ con của danh y Lãn Ông có lược bỏ phần gia giảm mỗi bài thuốc. Cần lưu ý bài Vinh dưỡng tâm can, bản dịch do Hội Y học dân tộc TP. Hồ Chí Minh tái bản năm 1985 đã bỏ sót vị Xuyên khung và thay Hoài sinh địa bằng Thục địa. Người trích lục bài này đã dựa vào nguyên bản chữ Hán chỉnh lại cho đúng nguyên văn.

Cũng cần nói thêm, đường lối trị bệnh vương đạo luôn biết chăm bón cái gốc của sinh mệnh, điều trị đúng cái gốc sinh ra bệnh mà Y tổ Lãn Ông đề cao đã được nhiều thầy thuốc đời sau thực hành theo và gặt hái nhiều thành công. Có thể xem cố Lương y Nguyễn Tấn Luật ở Đà Nẵng là một đại biểu có uy tín của trường phái trị bệnh này. 

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.