.

Góp sức bảo tồn linh trưởng Sơn Trà

.

Với những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, Lê Thị Trang (sinh năm 1986), Trưởng phòng Truyền thông giáo dục - Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã được Future for Nature Award 2015 (Quỹ Tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới.

Lê Thị Trang (ngoài cùng, bên phải, đứng) tham gia chương trình tập huấn quốc tế kỹ năng giáo dục cộng đồng và tham gia tập huấn các kỹ năng truyền thông cho cán bộ văn hóa thông tin.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Lê Thị Trang (ngoài cùng, bên phải, đứng) tham gia chương trình tập huấn quốc tế kỹ năng giáo dục cộng đồng và tham gia tập huấn các kỹ năng truyền thông cho cán bộ văn hóa thông tin.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Yêu thích các hoạt động bảo tồn nên ngay từ những ngày còn là sinh viên năm thứ 2, khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trang tham gia làm tình nguyện viên cho các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Đà Nẵng. Nhờ quãng thời gian này, Trang có nhiều kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về tính chất công việc mà mình theo đuổi.

Ra trường năm 2009, Trang làm việc trong nhóm dự án “Mạng lưới ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã” của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai. Khi đó, công việc của Trang chủ yếu là nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật.

Trang cho biết, để có số liệu điều tra chính xác về các loài động vật, Trang đã cùng với các thành viên của ENV thường có những chuyến đi dài ngày đến các vùng rừng đệm ở nhiều tỉnh, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Những chuyến đi dài ngày làm điều tra viên giúp Trang hiểu được quá trình săn bắt, buôn bán động vật hoang dã của mạng lưới đó như thế nào, được làm việc với các cơ quan chức năng và đưa các vụ việc vi phạm pháp luật ra ánh sáng.

Tháng 4-2013, Trang về làm công tác truyền thông giáo dục tại GreenViet. Tại đây, Trang đã cùng các nhân viên của GreenViet thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau về loài voọc chà vá chân nâu để có kế hoạch bảo tồn.

Nhắm đến mục đích bảo tồn voọc không chỉ là nhiệm vụ của nhân viên, mà cả cộng đồng cùng biết, cùng chung tay bảo tồn loài động vật quý hiếm này,  Trang và nhóm đồng hành đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ như đưa hình ảnh voọc chà vá chân nâu như một biểu tượng của Sơn Trà ra cộng đồng, đến những nơi công cộng như quán cà-phê, khách sạn. Cuối tháng 12-2014, muốn học sinh tiểu học và THCS thấy được những loài vật quý hiếm ở ngay thành phố mình, các em phải làm gì để bảo vệ nó, GreenViet đã tổ chức thử nghiệm chương trình “Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà” cho 2 trường tiểu học và 2 trường THCS trên địa bàn quận.

Chương trình kéo dài 1 năm với 9 bài học, trong đó có 2 bài học thực tế lên Sơn Trà để tìm hiểu về đa dạng sinh học ở đây qua các dụng cụ chuyên dụng của GreenViet. “Bản thân các em nhỏ đã yêu động vật, chỉ cần khơi dậy tình yêu trong các em thì các em sẽ biết cách để bảo vệ loài vật mình yêu thương”, Trang nói. Trong tháng 4 tới, GreenViet sẽ phối hợp với các phòng văn hóa thông tin quận, huyện đưa hình ảnh voọc chà vá tới các chợ, nhà văn hóa... để đông đảo người dân cùng biết về hoạt động bảo tồn.

Được vinh danh trong top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới, với Trang là niềm tự hào lớn, khi những việc làm nhỏ bé của mình được ghi nhận. “Đây là một động lực rất lớn để mình hoàn thành những dự án phía trước. Mình muốn thay đổi nhận thức cho người dân rằng, việc bảo vệ các loài động vật là nghĩa vụ chung, chứ không chỉ là công việc của kiểm lâm và các nhà bảo tồn. Hiện tại, các số liệu về hệ sinh thái ở Sơn Trà cũng đã quá cũ, không còn chính xác, nên mình đang có kế hoạch để điều tra, rà soát lại”, Trang chia sẻ.

Được biết, trong số 10 nhà bảo tồn được vinh danh tại Future For Nature Award 2015, có 3 người sẽ được chọn trao giải thưởng 50.000 Euro/người, Trang hy vọng may mắn sẽ tiếp tục mỉm cười với mình bởi khi đó, Trang sẽ dùng số tiền này vào việc bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là với loài voọc chà vá chân nâu.

Theo số liệu từ năm 1997 thì hiện trên báo đảo Sơn Trà có khoảng 350 cá thể voọc chà vá chân nâu, tuy nhiên vì con số không cụ thể nên việc bảo tồn rất khó. Với sự phong phú về đa dạng sinh học, bán đảo Sơn Trà đang là điểm đến hấp dẫn đối với người dân và du khách.

Để nâng cao nhận thức của mỗi người cùng hành động vì môi trường xanh và chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bên cạnh những dự án đã triển khai, thời gian tới, GreenViet sẽ làm 3 dự án chính: Tiếp tục nghiên cứu về chà vá chân nâu ở Sơn Trà; nghiên cứu về dạ dày của voọc chà vá chân nâu để biết được nguồn thức ăn của loài vật này để đưa ra hướng bảo vệ; phát triển dự án thành phố Đà Nẵng nói không với tiêu thụ động vật hoang dã dành cho khách du lịch và người dân.

NHẬT HẠ

;
.
.
.
.
.