.

Nhà thơ Phùng Hiệu: Nghị lực và nhân ái

.

Sinh ra ở Đà Nẵng một năm sau ngày đất nước thống nhất, lớn lên ở vùng kinh tế mới Đồng Nai trong hoàn cảnh gian khổ, Phùng Hiệu lại lưu lạc xuống Sài Gòn mưu sinh bằng nhiều nghề để tồn tại, học tập và dựng nghiệp. Bây giờ, khi đã thành đạt, anh luôn nhớ tới những người gặp khó khăn như mình đã trải qua...

Nhà thơ Phùng Hiệu
Nhà thơ Phùng Hiệu

Xa quê đã lâu nhưng chất Quảng trong con người Phùng Hiệu vẫn còn khá đậm nét, từ giọng nói đến tính cách. Cao lớn, nước da rám nắng, thoạt nhìn Phùng Hiệu có vóc dáng một gã lực điền, nhất là khi anh đội trên đầu chiếc mũ bảo hiểm thì trông “oai” như một quản đốc công trường. Thực ra anh còn hơn thế: chỉ huy nhiều quản đốc công trường, với tư cách giám đốc một công ty xây dựng, trang trí nội thất có thương hiệu ở TP. Hồ Chí Minh. Cũng vì cái vẻ bề ngoài bụi bặm ấy mà nhiều người bất ngờ khi biết anh còn là một nhà điêu khắc, nhà thơ với niềm say mê sáng tạo không ngừng.

Rời thành phố Đà Nẵng quê hương, Phùng Hiệu theo gia đình đi kinh tế mới ở tận miền núi Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Anh là con trai cả, do đời sống quá khó khăn, người cha muốn anh nghỉ học để phụ giúp trồng trọt nương rẫy, hái củi, đốt than nuôi đàn em đông đúc. Bề ngoài theo ý cha, nhưng anh vẫn âm thầm “trốn” nhà đi học, sau khi cố gắng hoàn thành công việc được cha giao. Nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh gia đình quá bĩ cực, anh cũng đành bỏ dở trung học.

Đến tuổi nghĩa vụ quân sự, anh nhập ngũ, được phân bổ về huyện đội Định Quán, rồi được chọn học thêm bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp trung học và khóa chuyên môn cấp tốc, anh về lại cơ quan huyện đội làm công tác thống kê động viên tuyển quân.

Sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phùng Hiệu trở về nhà, mong muốn học tiếp để có nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên, vì gia đình vẫn quá khó khăn, không đủ điều kiện cho anh ăn học, nên anh quyết định tự thân vượt hàng trăm cây số xuống TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Không nghề nghiệp, anh xin làm phụ hồ, đào đường, đúc ống cống cho công trình xây dựng đường ống nước ở gần cầu Bình Triệu. Ngày làm, đêm ngủ ngay trên công trường, có lúc thủy triều lên bất ngờ ướt ngập cả người. Hết làm cống, anh chuyển sang làm nhân viên tiếp thị, rồi mượn tiền thế chân để chạy thuê taxi.

Anh cũng tranh thủ ôn lại bài vở và thi đậu Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nhưng vừa làm vừa học được hai năm thì sức kiệt, anh phải bảo lưu kết quả học tập, chuyên tâm chạy taxi để kiếm tiền tích lũy và giúp gia đình. Chạy xe taxi hoài cũng chẳng khá, anh xin vào làm công cho một công ty điêu khắc hợp với sở thích, đồng lương cũng đỡ hơn, đồng thời còn học hỏi được kinh nghiệm cho nghề mỹ thuật.

Không cam chịu thân phận làm thuê, Phùng Hiệu quyết tâm làm cú đột phá mới, chuyển sang kinh doanh. Bằng số tiền dành dụm, anh mở một cơ sở nhỏ sản xuất các sản phẩm điêu khắc vào năm 2000. Nhờ anh năng động, nắm bắt được nhu cầu thị trường, cơ sở kinh doanh phát triển nhanh chóng. Tám năm sau, hội đủ điều kiện tài chính và học tiếp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng - điêu khắc - trang trí Lạc Hồng do mình đứng đầu. Dần dần Lạc Hồng trở thành một thương hiệu uy tín trong ngành nội thất xây dựng, đến nay có đội ngũ hơn 200 cán bộ, công nhân viên, thực hiện nhiều công trình lớn trong và ngoài nước.

Thời bĩ cực của chàng nông dân nghèo trôi vào dĩ vãng. Con đường kinh doanh của anh đang hanh thông. Cuộc sống khá lên, anh không quên quay lại giúp đỡ những người khốn khó bằng những hoạt động từ thiện lặng lẽ…

Sự vượt khó của Phùng Hiệu thật đáng quý. Càng đáng quý hơn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào anh cũng nuôi dưỡng trong mình giấc mơ nghệ thuật. Có năng khiếu mỹ thuật nhưng anh lại rất nặng lòng với thi ca và mê viết báo. Từ thời còn lận đận anh đã làm thơ để thổ lộ tâm tình, tự an ủi mình, giải tỏa những thất bại trước tình yêu và cuộc sống. Hai tập thơ Tình không dám ngỏ (2008) và Thức giấc (2010) đã được xuất bản trong tâm thế ấy. Đó cũng là cơ sở để Phùng Hiệu được kết nạp vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2011.

Nhờ sự gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ đi trước, thế giới nghệ thuật thi ca mới thực sự “mở mắt” cho anh, giúp nâng trình độ thẩm mỹ thi ca, có cái nhìn khác đối với công việc sáng tạo, mà kết quả là tập thơ khá ấn tượng Trong thế giới ngụy trang đã ra đời giữa năm 2014, gây bất ngờ cho những ai đã từng đọc, từng biết thơ Phùng Hiệu với những câu thơ còn theo kiểu “nên vần nên điệu” trước đây.

Ở lời giới thiệu tập thơ với tựa đề Một cách ngụy trang trong thế giới, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã viết: “Thơ anh với sự gân guốc trong từng dòng, từng khổ như hình ảnh cuộc sống được chiếu rọi thông qua lăng kính ngôn từ. Ở đó, trên những dòng thơ bồi hồi cảm xúc, cuộc sống được phát hiện, được dựng dậy, được tái sinh với nhiều chiều kích đa dạng.

Không dễ để làm như vậy, quá khó để viết như thế nếu trong tim không chất chứa một thứ tinh chất nhiệt tình, một tình yêu mãnh liệt cuộc sống, một niềm tin vào con người không thể chuyển lay”. Còn nhà thơ Đynh Trầm Ca trong bài Những lời thơ thế sự cũng đồng cảm khi nhận định: “Với nhà thơ Phùng Hiệu, sự khắc khoải của đời người và của thi ca như nhau, là một con đường khai mở âm thầm trên những dốc gai và bạc bẽo. Chính vì vậy, tập thơ Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu ta thấy ít mỹ từ mang tính trừu tượng, tuy nhiên anh lại đẩy được ngôn ngữ vào thế cùng cực như những cành gai nhọn, vì vốn cuộc đời chân thực nhiều những gai nhọn hơn hoa hồng”.

Những cành gai nhọn ngôn ngữ thơ Phùng Hiệu ra sao? Thì đây, hình ảnh một gia đình cái bang:

Hướng về phía hoàng hôn
những vách lá liêu xiêu loang lổ bóng đêm
một gia đình trú ngụ trên nền đất cái bang tanh tưởi
 
Sự sống vẫn duy trì
sự sống vẫn bừng lên mái đầu ngụp lặn
sự sống vẫn mãnh liệt hơn những gì tôi biết

(Số phận)

Còn nhiều, rất nhiều số phận bất hạnh thầm lặng khác “bước” tự nhiên vào ngôn ngữ thơ gai góc của Phùng Hiệu. Không trải qua nỗi đau chính mình thì khó mà đau nỗi đau của đời. Với thơ, nỗi đau như Phùng Hiệu càng khó. Đó cũng chính là tình yêu, giấc mơ vượt thoát mà anh mong tiếp sức cho những người bất hạnh giữa thế giới còn lắm ngụy trang.

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.