.

Nơi mãi lòng ta ở đó

.

Tôi có một cháu gái, rất tự hào về nó lúc còn nhỏ. Mỗi khi nhìn các tấm ảnh, từ ảnh phôi nhi tới khi nó ẵm ngửa, tập đi, cả cái ảnh nó làm lễ nhập học thiêng liêng lớp một, cả khi cháu vào tuổi trưởng thành, làm lễ lúc tròn 16 tuổi trăng. Một tập ảnh mang theo, khi rời xa gia đình lần thứ hai tan vỡ, tấm ảnh nào cũng xinh, cũng đẹp cũng làm tôi khóc rất nhiều, khóc rất lâu khi thăm thẳm xa con.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Câu chuyện dài. Bắt đầu khi sinh nở, nó suýt chết.  Người đỡ đẻ là giáo sư già, giỏi nhất Potsdam, đã đè cườm tay ông miết lên bụng sản phụ mà con tôi không chịu ra. Thai ngược. Nhau quấn cổ. Tôi nhìn thấy ngón chân nó lòi ra lẫn nước đục và máu. Nguy hiểm! Tôi nắm tay mẹ nó: Em ơi, một lần nữa, rặn đi. Vợ tôi kiệt sức, mắt thất thần. Tôi gằn nhỏ: Rặn nào! Lại thì thào: Rặn đi, con sắp ngạt chết! Vợ tôi cắn môi cố rướn lên. Bác sĩ, giáo sư liếc nhìn tôi, hiểu, lại miết rất mạnh bằng cả cườm cánh tay, y tá trưởng phụ mổ rạch cửa mình và máu phụt ra... Rặn! Em ơi... Rặn. Tôi nói gấp. Thai con tôi trôi ra vào đôi bàn tay người đỡ. Sau này, giáo sư nói, tôi không muốn sinh mổ vì sợ vợ anh giảm thọ. Anh dũng cảm, có tinh thần.

Từ phút sinh tử ấy của cháu, tôi gắn bó và thương yêu nó hơn nhiều, bởi hình như nó cũng như tôi, cuộc sống từng qua cửa tử sẽ làm con người yêu nhau hơn.

Chúng tôi buôn bán ở vỉa hè, kiếm sống mưu sinh ngày một khốc liệt. Khai sinh tôi lấy tên con trùng tên giáo sư bác sĩ Ngọc Toản, bởi bác sĩ Ngọc Toản có ơn chỉ đạo từ xa việc mang thai, vì mẹ cháu quá lớn tuổi. Lại họ hàng tuy rất xa, thuộc tằng tổ dòng Nguyễn Phúc Chu. Thế là, để cho cháu ý thức, rằng nó từ trong máu có tổ tiên ở phương Đông, nòi giống hiển vinh. Và, công dân Việt tên Nguyễn Ngọc Toản, con gái thứ hai của tôi, đã sinh ra tại Đức, theo đúng con đường tự nhiên... Ôi con ơi!

Chúng tôi đã có bao kỉ niệm. Những ngày băng giá... chợ Noel, đêm lạnh âm 20 độ, nó nằm ngửa trên nôi xách tay. Tám giờ đêm, cả chợ về sạch, phố vắng tanh, ai cũng trở về nhà đoàn tụ, chuẩn bị đón  Noel rồi. Xe tôi bất ngờ trơ ra, không nổ máy được. Hai giờ đồng hồ đã trôi đi, nó và mẹ nó ngồi trong xe, tôi lấy quần áo dầy để bán quấn vào, cho cái nôi ấm lên và tiếp tục chữa xe trong âm 20 độ.

Chín giờ đêm, tay tôi như hóa đá khi tháo bộ chế hòa khí đã tắc, hai vai tôi cứng và rất nhức, các vết thương cũ đua nhau cắn. Nhưng tôi lòng tự bảo, bình tĩnh, con mày đang lạnh trong xe. Phải nổ máy, xe ơi. Cuối cùng, xe phải nổ máy và chúng tôi trở về nhà. Băng lạo xạo kêu cọt kẹt trong từng bước chân khi tôi bế con từ ô-tô lên gác tư chung cư. 19 năm, đôi khi tôi vẫn nghe tiếng băng vỡ đêm ấy. Thời bấy giờ người Việt ít hiểu biết, không có điện thoại cầm tay, không biết hợp đồng với công ty cấp cứu xe ADAC.

Có lần, ở Đức, tôi đâm xe. Tốc độ cao, đầu xe tan nát, xe kia lăn vài vòng toé lửa trên mặt đường làm cháu kinh khiếp. Thế mà tôi và nó đều sống. Cũng bao lần, khi nó lớn lên, đi giữa mùa xuân nước Đức, chìm trong cánh đồng hoa cải, oải hương, hướng dương và, nó chạy khi gió thơm mang đầy tiếng cười khanh khách... Tôi luôn ý thức việc cho nó gắn bó với quê hương, với văn hóa Việt. Ông nội cháu là hoạ sĩ, nó thích vẽ, tôi đưa nó tới trường dòng dạy vẽ. Khi ông nó còn, năm nào cũng về. Tôi chỉ cho con gái các bức tranh của hoạ sĩ Đông Dương.

Nghe ông xếp bát, đổ nước khác nhau, gõ lên các bản dân ca ngũ cung. Tôi tới thăm các nhà văn yêu trẻ như Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Anh Thư tựa như sự tới Tây hồ, Bờ Hồ, 36 phố... tất cả, tất cả, cả làm bàn thờ khoảnh nhà trân trọng nhất xứ người ta. Bàn thờ có ảnh ông bà nội; phá chấp tôi thờ cả ông ngoại. Rồi thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn đọc lên dạy cháu tiếng Việt. Có nhiều danh từ mà nước Đức không bao giờ có như Hầm chữ A, rổ rá hay cái cầy chìa vôi và cây lúa lại có ở thơ các thi sĩ đương đại Việt... Trong nhà, không bao giờ dùng tiếng Đức.

Mọi sự cố gắng của tôi có một kết quả nhất định. Theo thời gian, một ngày nó nói với bè bạn: tớ có hai tổ quốc, Việt và Đức. Tôi đồng ý như vậy. Cháu sinh ra ở Đức, có cả tuổi thơ bè bạn Đức, thì tất nhiên nó phải nói, đấy là quê hương thứ hai, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Năm cháu làm văn sử chuyển cấp lên trung học hệ Gymnasium, Toản Li (biệt hiệu người Đức gọi ở nhà tức là Toản bé nhỏ) viết luận văn với điểm tuyệt đối. Bài viết của nó trong sự giúp đỡ của tôi, một nhà văn, nói về “Việt Nam quê tôi”, về lịch sử, về cánh đồng lúa, về vài cuộc chiến ở Việt Nam trong 100 năm qua và, cuối cùng nói về múa nón. Sao lại là múa nón, chứ không phải là mũ, là ô của dân Âu châu, hay là khăn của những người India, Tuerkei v.v... đấy là qua tôi kể mà nó nhận ra nhiều điều để phân biệt và tự hào, về vì sao phải làm nón thay mũ từ loài lá rất sẵn trong rừng ở trung du. Nón cái tán che đầu rộng, khi mặt trời chói chang và nước nóng vùng lúa nước hầm hập hắt lên mặt luộc chín cả những sinh vật như cua...”.

Song cuộc sống đâu phải như tôi mong muốn. Một con người, con tôi đâu là thứ bột để tôi nặn ra một tác phẩm điêu khắc. Theo năm tháng, sự gắn kết của nó với tôi xa dần đi, bởi mưu sinh, bởi văn hóa Đức gần hơn, như mưa dầm từ từ, gần gũi, thường nhật cùng bạn bè Đức mỗi giờ tới lớp đã ngấm vào con tôi. Điều ấy thực xem ra có vẻ tàn nhẫn, dù tôi hay mẹ nó có yêu nó bao nhiêu chăng nữa, nó đã thích nghi sâu hơn, nhiều hơn với nền văn hóa không gốc tích trong máu nhưng lại gốc tích của đời sống hình thành bản ngã.

Chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng, trong văn hóa của chúng ta, có rất nhiều điều tốt đẹp, song có cũng khá nhiều điều, nhất là ở phong tục thói quen, mà khi có cái để so đọ, con người ta, chính tụi trẻ ấy, tự nhận ra, nó phải chọn cái nó thấy dễ quen để chia sẻ hơn, hay hơn, phù hợp duyên cảnh của trẻ em. Tụi trẻ đã biến hóa, chơi với văn hóabản địa, sự ấy thích thú hơn cái cũ của cha mẹ đã quen thuộc kiên trì mang tới cho nó. Nó, sự chấp nhận văn hóa bản địa nơi nó sinh ra đã  lớn hơn, hơn vì nơi xa tắp là tổ quốc không gần gũi thường ngày. Nhất là nó trẻ, quá trẻ, mà sự tiếp nhận ở vô thức trong sự giáo dục của nước sở tại lại quá hiệu quả khi nhận thức về cái tôi và thế giới quan quanh chúng với bao sự hay, sự lạ.

Tôi đã từng có ý định đưa nó về Việt Nam khi ý thức nó sẽ bay đi. Tôi xây một cái nhà rất đẹp trong một khu vườn giữa trung tâm Hà Nội. Chính chị nó, Nguyễn Huyền Trang và anh rể nó đã thiết kế vườn quanh nhà cho em, tự tay mua cây và hoa...

Trong đời sống con người ta rất hay rơi vào bẫy của duy lí trí, cho dù cái gốc của người ta, có khi, mọi sự cố gắng, hy vọng, bắt đầu từ tình cảm. Tất cả mọi sự cố gắng của "Duy lí trí" đều trước sau thất bại.
Tôi nhận ra, dầu con gái tôi chấp hành kỷ luật khi trong gia đình rất nghiêm, nhưng hễ có lũ trẻ em người Việt tới là chúng không dùng tiếng Việt nữa. Liên kết của đám trẻ sinh ra ở Đức lỏng lẻo trong tiếng Việt và dễ hiểu chặt chẽ với tiếng bản địa thường dùng ở trường, ở quan hệ bè bạn. Tôi cũng nhận ra, con gái tôi từ lớp 6 khi cứ bắt học tiếng Việt là có cảm giác nó như bị tra tấn. Trẻ em không thể đơn độc học điều gì, trừ khi con người cá biệt hay thiên tài. Tôi bắt đầu để nó tự nhận thức...

Nhưng cũng khi ấy gia đình tôi dần tan vỡ. Mùa đông rồi xuân... mà nằm nghe rõ tiếng tuyết tan, băng vỡ răng rắc ở ngoài mặt kính cửa sổ. Ở Hà Nội tôi bỏ cái nhà xây cho nó và tôi, thành nhà vườn hoang. Với tôi, gia tộc nhà tôi, mà điển hình là cha tôi, đến đời tôi, quan niệm rất sâu bền rằng, tiền quan trọng, song vật chất không bao giờ xây được hạnh phúc, dù nó như hồ vữa có thể xây lên Nhà Hạnh Phúc.

Toản Li chỉ về ở đó hai lần. Từ Đức tôi hỏi nó, về nhà bố xây, cảm giác thế nào. Cháu im một chút rồi nói: Cũng thích, nó thích chị nó và bạn chị nó, các cô gái Hà Nội nói tiếng Anh như gió và cũng hiểu ít nhiều văn hóa thế giới... Lần thứ hai nữa, nó không trả lời. Máy im bặt. Nó đã 16 tuổi. Trẻ em ở Đức rất được tôn trọng Quyền Tôi và tôi phải tôn trọng  cái quyền thiêng liêng ấy từ khi cháu bắt đầu học lớp sáu. Năm ấy ở Tetow có cô giáo thạc sĩ văn chương Bích Thúy sang đoàn tụ  với chồng. Hội người Việt Nam ở Potsdam mở lớp dạy học cho cô giáo Thúy. Đấy là một giáo viên rất có trách nhiệm. Mẹ cháu và tôi động viên nó đi học tiếng Việt. Tôi đã nói rất nhiều rất nhiều rằng, nếu con muốn yêu quê cha mẹ, thì con phải nắm ngôn ngữ mẹ đẻ, nó là chìa khóa mở ngôi nhà Việt. Nó nghe đấy, vâng đấy, nhưng cuối cùng nó vẫn bỏ lớp vì con người ta tâm hồn vốn không phải như cái giỏ, lại khi các lớp nó tới đều thưa thớt và tẻ nhạt. Con gái tôi không thích thú với dân ca nữa, không nghe cùng cha Kuchschen Rock, cũng ngán ngẩm bỏ đi khi nghe Mariah Carey, Whitney Houston... cùng máy tính và hitech với trẻ Đức  chúng nghe rap và bao nhiêu thứ sau rap với một thế giới văn hóa hội nhập không có chỗ đứng cho cá thể văn hóa Việt.

Năm 2010. Có một đạo diễn điện ảnh phim tài liệu khoa học người Việt tới Đức, cháu đã dựng bộ phim "Giữa hai cánh cửa" theo gợi ý của chính tôi. Tôi đồng ý cho cô ta ở nhà tôi, tự nhiên quay hết, ghi hết mọi chuyện Cha và Con... Trong đó có cả đoạn con gái tôi tâm sự với cô ta rằng, cháu không thể hiểu vì sao bố cháu cứ thích quay về Việt Nam, (kể cả về thăm nhiều nó cũng không hiểu). Chúng tôi không đủ ngôn ngữ để nói cho cháu hiểu. Mà có đủ, tôi e rằng mọi sự giải thích cũng khó khi  nó, con gái yêu của tôi, còn quá trẻ lại bắt đầu yêu một thanh niên Đức cùng lớp.

Tôi đã khóc rất nhiều khi biết tâm sự ấy, nhận ra bi kịch của tôi, một người Việt có tuổi thơ ở Việt Nam còn con tôi lại không có. Tôi có những năm tháng gắn bó với máu và sự hy sinh của bao liệt sĩ vì đất Việt, còn cháu thì không có... Cũng xin nói rằng, sự tan nát của gia đình tôi, cũng là thêm một giọt nước tràn ly, nên đi đâu và ở đâu nói chuyện với tư cách nhà văn từng trải nghiệm, tôi cũng hót lên tiếng kêu của một con chim từng chết, khuyên hay nhắc nhở, những gia đình đang hạnh phúc, cả những đôi vợ chồng đang, sắp, sẽ tan vỡ,  cảnh báo bi kịch đang tới sẽ vùi dập tâm hồn chúng ta, trẻ em và người lớn, sẽ chìm trong nước mắt, nếu như họ rơi vào tình thế phản bội nhau, chia lìa gia đình, ly thân  và ly dị  như  tôi.

Con người Việt, ai có cả quá khứ ở quê hương, mà tuổi thơ đã ở đó, thì mãi mãi trong anh chị lòng ta neo lại ở đó. Bởi hơn nữa, khi trẻ em có quyền chọn lựa nó sống ở đâu! Yêu như thế nào kệ nó.... Tới khi nó trưởng thành chín chắn, khi một góc tâm hồn thôi dành cho nước gốc, nơi có cha mẹ tổ tiên nó, một tí thôi, cho VN, cho tổ quốc thứ hai của con... chắc chắn tình yêu ấy cũng sẽ  vẹn nguyên. Không bao giờ mất gốc!

Tôi viết hết sự thật về Con gái của tôi rồi. Không khóc nữa. Đã lâu đứng dậy! Đứng dậy, phải biết chung sống với tất cả những thay đổi ngoài lý trí. Kể cả nỗi buồn kia cũng gạt bỏ, tự xoa lấy trái tim mình. Vui sống với hiện tại và tương lai để nếu trời cho, tới một ngày nào đó, mùa thu trời rất đẹp, tôi và Nguyễn Huy Văn, em trai của Nguyễn Ngọc Toản cùng chị nó là Nguyễn Huyền Trang ra tận sân bay đón giọt máu Toản Li - con gái bé bỏng của tôi ơi - của tôi ơi, về thăm nhà. Thậm chí nó còn  dù ngượng ngùng trong phút giây đầu tiên, nó đã ôm lấy Châu Giang, bà dì nó, người vợ thứ ba yêu thương chăm lo suốt cho tôi tới ngày đoàn tụ...

Mùa Thu - 2014

NGUYỄN VĂN THỌ
 

;
.
.
.
.
.