.

Tiếng Việt trong giới trẻ đi về đâu?

Sự lệch chuẩn của tiếng Việt trong giới trẻ không còn là vấn đề mới mẻ. Nhưng sự phát triển nhanh như vũ bão của các trang mạng xã hội đang khiến nhiều người tỏ ra quan ngại.  

Tây, ta và ngôn ngữ “chợ búa”

Dạo qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zing Me, Twitter…, đặc biệt là Facebook, sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt cách viết có tiếng Anh, tiếng lóng và cả ngôn ngữ có hơi hướng “chợ búa”.

Việc thêm tiếng Anh, Pháp xen vào tiếng Việt hiện trở thành chuyện quá phổ biến không chỉ trong giới trẻ mà cả giới công chức, cán bộ. Chị Mai Đoàn Thúy Diễm (25 tuổi), nhân viên một công ty kiểm toán quốc tế, chia sẻ: “Do tính chất công việc và môi trường làm việc có nhiều người nước ngoài nên hầu hết nhân viên công ty ai cũng thường thêm từ tiếng Anh trong khi nói chuyện. Nhất là khi nói những thuật ngữ chuyên ngành thì việc dùng tiếng Anh lại có hiệu quả hơn cả”.

Với nhiều người trẻ, việc thêm tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày mới thể hiện được “đẳng cấp” và nghe có vẻ “sang” hơn. Không chỉ vậy, việc phiên âm tiếng Anh thành tiếng Việt cũng đang được sử dụng rộng rãi. Các kiểu viết: De-le-te (delete: xóa), thăng-sờ-kiều (thank you: cảm ơn), Ai-lái-kịt (I like it: tôi thích điều đó)… tràn ngập mạng xã hội là ví dụ điển hình.

Huỳnh Thị Thu Hiền (22 tuổi) - sinh viên một trường ĐH - cho biết năm Hiền thi ĐH, khi điểm thi ĐH đã được công bố đầy đủ trên mạng nhưng Hiền không tài nào tra được kết quả. “Suy nghĩ một hồi, mình gõ thử “Huỳnh Thj Thu Hiền” thì có ngay kết quả. Đây cũng là một hiện tượng đáng báo động khi ngôn ngữ “lệch” lại tràn cả vào một kỳ thi quốc gia như thế này”, Hiền nói.

Trên trang mạng xã hội Facebook, từ đầu năm đến nay đang rộ lên phong trào bình luận theo kiểu viết tắt; thậm chí thô tục và có những từ tối nghĩa cũng được sử dụng vô tội vạ. Một bạn trẻ được nhận học bổng toàn phần tại Trường ĐH New South Wales - một trong những trường ĐH hàng đầu của nước Úc, trên trang cá nhân của anh thường xuyên xuất hiện các kiểu bình luận: Cmnt tụi bay ơi! (Con mẹ nó rồi tụi bay ơi!), GATO (ghen ăn tức ở), vãi!, bít oài (biết rồi), hok thix (không thích),…

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trần Thu Trang - một cây bút trẻ trên văn đàn Việt Nam hiện đại - là một trong những văn sĩ trẻ có ý thức rất rõ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trên website cá nhân Tranthutrang.net, cô đặt ra “10 quy tắc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đối với các bạn đọc khi ghé thăm website và bình luận. Ai không tuân thủ thì bình luận sẽ ngay lập tức bị xóa.

Trong khi đó, sự ra đời tập sách “Thành ngữ sành điệu bằng tranh” với tên gọi Phê như con tê tê của tác giả Thành Phong từng tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người đồng tình ủng hộ, cũng không ít người chê bai, gay gắt phản đối vì cho rằng cuốn sách cổ súy cho ngôn ngữ của giới trẻ đương thời.

Còn PGS,TS Phạm Văn Tình, Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, đã có nhận xét trong Lời mở đầu của cuốn sách: “Việc xới lên một mảng ngôn từ giới trẻ để làm sáng rõ hơn bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt là cần thiết và tiếp tục cần thiết. Tiếng Việt sẽ phong phú thêm, giàu thêm, đẹp thêm chính từ những chắt lọc, bồi đắp ngôn từ theo dòng chảy lịch sử. Cuốn sách này là sự mở đầu cho việc khai thác mảng từ ngữ đó. Đó chính là một thành công với người làm sách mà chúng ta cần phải trân trọng”.

Một nhà văn tại Đà Nẵng cho biết, chúng ta không tung hô những ngôn từ mới của giới trẻ nhưng hãy xem xét ôn hòa. Mỗi lứa tuổi có một hiện tượng biến tấu ngôn ngữ riêng. Chỉ khi nào họ sử dụng bừa bãi trên văn bản chính thống mà không ý thức được mình đang viết gì thì mới là vấn đề đáng báo động. Có nhiều bạn trẻ trên trang cá nhân họ viết có “lệch” đi so với tiếng Việt chuẩn nhưng trong các bài viết, cách lập luận thì ngôn ngữ của họ rất sắc bén.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.