.

El Dorado, thành phố của huyền thoại

.

Huyền thoại về một thành phố tràn ngập vàng ròng ở Nam Mỹ chợt bùng phát trở lại qua cuộc triển lãm tác phẩm mang tên “Colombia cổ đại - vàng và quyền lực” với bức tượng bình vôi có hình dạng người đàn ông lấp lánh sắc vàng óng. Phòng trưng bày mở cửa từ 17-10 đến cuối tháng 3-2014 tại Bảo tàng Anh, trung tâm London.

Bình vôi có hình dạng người  đàn ông được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở trung tâm London.
Bình vôi có hình dạng người đàn ông được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở trung tâm London.

Từ nhiều thế kỷ đã qua, châu Âu lóa mắt bởi những huyền thoại về một thành phố bị lãng quên có rất nhiều vàng ở Nam Mỹ. Các nhà khảo cổ và nghiên cứu bỏ nhiều thời gian đi tìm sự thật đằng sau những huyền thoại về El Dorado. Và, sự thật đó mang theo nhiều tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn. Từ “El Dorado” xuất xứ Tây Ban Nha, có nghĩa là “vàng ròng dát mỏng” xoay quanh nghi lễ thường diễn ra tại hồ Guatavita, gần Bogota, Colombia bây giờ.

Khi bầu chọn vị lãnh đạo kế nhiệm, vị mới bầu chọn được dát vàng bột lên khắp cơ thể, sau đó tự  nhảy xuống hồ rồi nổi lên, hiện thân như một người lãnh đạo mới của người Muisca, dân tộc sống ở trung tâm vùng cao nguyên trong các rặng núi phía đông thuộc  Colombia ngày nay.

Còn theo nhà khảo cổ Roberto Lleras Perez, một chuyên gia về chế tác vàng, việc tạo và sử dụng vàng trong cộng đồng này là chi tiết vô cùng độc đáo ở Nam Mỹ. “Như tôi được biết, không một xã hội nào lại dành hơn 50% lượng vàng họ sản xuất được cho các nghi lễ cảm ơn các vị thần. Tôi nghĩ rằng đây là chi tiết mang tính kỳ lạ, đặc sắc và độc nhất”, ông nói.

Sự thật về các nghi lễ dát vàng ở El Dorado hé lộ dần dần. Chẳng hạn, một chiếc bè vàng miêu tả một cảnh chính xác như mô tả trong sách của Juan Rodriguez Freyle đã được ba dân làng tìm thấy vào năm 1969 trong một hang động nhỏ ở giữa lòng ngọn đồi ngay phía nam của Bogota. Trong các hình vẽ, có một người đàn ông thân mình dát đầy vàng đang đi thẳng xuống hồ thiêng.

Vàng ròng ở thời kỳ Colombia cổ đại được sử dụng để tạo hình tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thị giác và hầu hết các tác phẩm đó đều được thực hiện tinh vi, hết sức công phu và  phức tạp nhất thường tìm thấy bất cứ nơi nào ở châu Mỹ trước khi người châu Âu tìm đến.

 Nhân viên bảo tàng bên cạnh tượng cổ.
Nhân viên bảo tàng bên cạnh tượng cổ.

Cuộc triển lãm “Colombia cổ đại - vàng và quyền lực” lộng lẫy này giới thiệu với người xem một số vật thể và tác phẩm quý hiếm được khai quật từ các hồ trong những năm đầu thế kỷ 20 bao gồm đồ gốm và dây chuyền đá. Triển lãm này đặc biệt với hơn 300 mẫu vật chọn lọc một cách  tinh tế, rút ra từ Museo del Oro ở Bogota, một trong những bộ sưu tập phong phú và uy tín nhất thế giới về vàng ròng ở El Dorado vào thời kỳ văn hóa Tây Ban Nha  trước kia và bên cạnh đó còn có  các bộ sưu tập độc đáo, giá trị của Bảo tàng  Anh.

Việc Columbus tìm thấy châu Mỹ trong năm 1492 sau công nguyên là chương đầu tiên trong cuộc đụng độ của các nền văn hóa đã thay đổi thế giới. Đó là một cuộc đụng độ tàn khốc của hai phong cách sống và hệ thống niềm tin khác nhau.

Qua những hiện vật và tác phẩm hiếm quý lần này, triển lãm khám phá những hệ thống phức tạp của xã hội Colombia vào thời xa xưa - một thế giới ẩn dấu các nền văn hóa sôi động và khác biệt, thời kỳ kéo dài từ năm 1600 trước công nguyên đến năm 1700 sau công nguyên. Triển lãm hé mở  “cái nhìn thoáng qua” về đời sống tinh thần bao gồm sự tham gia  của đời sống động vật trong hoạt động thường nhật của con người. Mặc dù sử dụng vàng làm vật liệu thực hiện tác phẩm nhưng các tác giả vào thời ấy diễn tả khá điêu luyện qua các lĩnh vực như âm nhạc, nhảy múa, diễn tả ánh sáng mặt trời, ánh sáng từ dòng sông...

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Bảo tàng Anh, cho biết: “Colombia cổ đại, từ lâu vẫn là niềm đam mê lớn với thế giới bên ngoài và chưa giới thiệu rộng rãi nhiều về các nền văn hóa độc đáo và đa dạng nên ít được biết đến. Hy vọng triển lãm này sẽ cung cấp cho du khách một cái nhìn vào những nền văn hóa hấp dẫn vào thời  Tây Ban Nha ở Nam Mỹ và một cơ hội để khám phá những huyền thoại và sự thật về El Dorado, thành phố bị lãng quên”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.