.

Hồi ký của nữ cựu tù Côn Đảo

.

Hôm đó, một người bạn công tác ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ gọi điện ra, nhờ giúp cung cấp tấm ảnh của bà Lê Thị Toại để chuẩn bị trưng bày chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong các nhà tù thực dân, đế quốc”. Bà Toại là một trong 41 nữ tù nổi tiếng trong phong trào chống ly khai Đảng, chống chào cờ chế độ cũ ở nhà lao Côn Đảo thời chống Mỹ, cứu nước, hiện sống ở Đà Nẵng.

Thông qua sự giúp đỡ của các bác trong Hội Tù yêu nước thành phố, tôi đã tìm đến nhà bà ở đường Lê Thạch. Tiếp tôi là chị Vân, con riêng của chồng bà Toại. Nghe tôi trình bày, chị lẳng lặng mở tủ đưa cho tôi một bao tài liệu và nói: “Dì đã mất từ năm 2008, tất cả giấy tờ, hình ảnh của bà tôi đã cho hết vào đây, anh xem thử có cái gì anh cần không”.

Lần giở qua từng giấy tờ, tấm hình, bằng khen, giấy khen, những kỷ vật thân yêu một thời của bà, mắt tôi dừng lại ở tập giấy viết tay với dòng chữ “Đà Nẵng 13-6-1988. Hồi ký tự viết: Lê Thị Như Mai (tức Toại)”(ảnh). Lướt qua từng dòng chữ xiêu vẹo, ố vàng, tôi thấy hiện lên trước mắt mình hình ảnh kiên trung, bất khuất của một chiến sĩ cộng sản trong lao tù khắc nghiệt của chế độ cũ.

Bà là người tham gia cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, bị địch bắt năm 1955 với tội danh “cán bộ hoạt động kháng chiến chống Pháp nằm vùng”. Chúng áp dụng mọi cực hình tra tấn “cùm kẹp, đánh đập tới tấp, đổ nước xà phòng vào miệng, quấn dây điện vào đầu ngón tay để quay điện” nhưng bà vẫn một mực “không nghe, không thấy, không biết ai là người cầm đầu” nên đã bị đày từ nhà lao Hội An ra nhà lao Kho đạn Đà Nẵng rồi sau đó bị đày ra Côn Đảo cùng với 164 anh em tù khác. Tại đây, chế độ lao tù của địch được đẩy lên tận cùng của sự khắc nghiệt, vô nhân tính đến mức được ví như một “địa ngục trần gian” nhưng bà cùng với các anh chị em tù chính trị cương quyết không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu “ly khai Đảng”, không chịu “chào cờ ngụy”. Với một tấm lòng kiên định trước sau như một, cuối cùng địch cũng phải trả tự do cho bà sau 9 năm đày ải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác.

Khi đọc xong tập hồi ký này, tôi thấy đây là một hiện vật bảo tàng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu về vai trò của người Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc. Tập hồi ký đã được viết lên từ  một nhân chứng sống trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước nên nó sẽ có sức thuyết phục rất cao khi đưa ra trưng bày, tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Vì thế tôi đã xin chị Vân để gửi cho bạn tôi bổ sung tư liệu hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nghiên cứu sử dụng kèm theo tấm hình của cô Toại mà bạn tôi nhờ xin giúp.

NGUYỄN HỒ
 

;
.
.
.
.
.