.

Con số và góc nhìn

Theo số liệu báo cáo hằng năm từ Thành ủy, thì từ năm 2000 đến 2009, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm qua từng năm. Cá biệt, có những năm, số vụ TNGT giảm mạnh so với các năm trước đó như năm 2003 giảm 21,6%, 2005 (giảm 29,3%), 2006 (giảm 23%)...

Như vậy, so với tiêu chí của Chỉ thị 22-CT/TW (khóa IX) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì việc giảm từ 5-10% số vụ TNGT qua từng năm đã được bảo đảm.

Thế nhưng, trong nhận định của các báo cáo này, thì số vụ TNGT có giảm nhưng chưa bảo đảm các yếu tố bền vững; số vụ, số người chết và bị thương còn lớn... Nhận định này là có cơ sở, bởi theo đó, đến năm 2010, TNGT đường sắt và đường bộ gia tăng trên cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và bị thương với 195 vụ, làm chết 137 người (tăng 20 người), bị thương 146 người (tăng 62 người)...

Loại trừ những chênh lệch do yếu tố kỹ thuật trong thống kê của các ngành chức năng, qua các con số này, cũng cho thấy rõ ràng TNGT trên địa bàn thành phố tuy có được cải thiện qua từng năm nhưng vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong xã hội do hậu quả nặng nề gây ra cho mỗi gia đình cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng tại địa phương. Chính vì thế, một trong những vấn đề được ưu tiên tập trung của thành phố những năm qua chính là kiềm chế và giảm dần TNGT, nhưng bảo đảm giảm bền vững thì vẫn còn là khó khăn, thách thức lớn.

Mặc dù đã có những chính sách nhằm thực hiện quyết liệt những giải pháp mạnh đã đề ra, nhưng về ATGT nói chung và TNGT nói riêng, thì không chỉ gói gọn trong phạm vi một địa phương, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và khu vực, trong khi việc kiểm soát ATGT trên toàn quốc đang là vấn đề nóng bỏng, với việc báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vừa qua đã nâng tầm TNGT thành “quốc nạn” để có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Với vai trò đầu mối giao thông và là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực đó, Đà Nẵng chịu áp lực lớn trước những vấn nạn trong toàn quốc về ATGT hiện nay.

Trong bối cảnh chung đó, có thể thấy vấn nạn về bảo đảm ATGT cho người tham gia giao thông và phương tiện giao thông là nhức nhối nhất. Trước tiên, là việc bảo đảm các điều kiện về học, thi và cấp bằng lái ô-tô, mô-tô; tình trạng sử dụng bằng giả hoặc “học giả bằng thật” đang là vấn đề nhức nhối. Việc ra đời ồ ạt của các trung tâm dạy và cấp bằng lái xe bảo đảm được nhu cầu của xã hội, nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ cũng như tính cạnh tranh ngày càng cao đã dẫn đến việc dễ dãi nhất định trong việc học thật, thi thật... Bên cạnh đó, công tác đăng kiểm cũng gặp những vấn đề nhất định nên không bảo đảm chất lượng cho phương tiện khi tham gia giao thông, dễ dẫn đến tai nạn. Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ, đồng bộ trên toàn quốc và ở từng địa phương, bởi phương tiện tham gia giao thông mang tính liên vùng và trên hệ thống giao thông cả nước, chứ không gói gọn ở một địa phương riêng lẻ nào, nhất là với Đà Nẵng là đầu mối giao thông của cả nước.

Những lĩnh vực đó thuộc về quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng và mang yếu tố quyết định vẫn thuộc về nhận thức của người tham gia giao thông. Để bảo đảm tính mạng và tài sản cho chính mình, thì bản thân mỗi người tham gia giao thông phải có ý thức rõ ràng về việc thực hiện đúng các quy định về ATGT. Với ý thức đó, người tham gia giao thông sẽ bảo đảm được các yêu cầu từ chất lượng phương tiện, chất lượng của việc học và thi giấy phép lái xe, việc thực hiện các quy định khi tham gia giao thông...

Đây mới là yếu tố quan trọng để bảo đảm kiềm chế và giảm TNGT mang yếu tố bền vững nhất. Nhưng để đạt được điều đó, thì cần phải nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh về tuân thủ pháp luật, mà trước hết là pháp luật về giao thông...

Anh Quân

;
.
.
.
.
.