.

Những ý tưởng bất chợt

1 Ngày xưa kỷ cương phép nước rất nghiêm minh, như ông cha ta từng tổng kết: “phép vua thua lệ làng” - hiểu theo nghĩa phép vua vốn đã hết sức nghiêm minh nhưng có nhiều trường hợp lệ làng còn nghiêm minh hơn. Truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên kể chuyện lúc Từ Thức làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cạnh huyện đường có ngôi chùa danh tiếng, trước sân chùa có một gốc mẫu đơn quý lạ, hằng năm đến kỳ nở hoa, người ta mở hội tưng bừng, nam thanh nữ tú các nơi tấp nập kéo nhau đến dự hội thưởng hoa.

 Năm Bính Tý 1396, vào khoảng tháng hai, người ta thấy có một cô gái nhan sắc tuyệt trần trạc lối mười lăm, mười sáu tuổi đến dự hội - đó chính là tiên nữ Giáng Hương. Để ngắm hoa được gần hơn, Giáng Hương vin một cành hoa xuống, không ngờ cành mẫu đơn vốn giòn bị gãy. Người giữ hoa trông thấy liền bắt nàng trói vào gốc cây. Đến xế chiều cũng không thấy có ai đến chuộc cứu nàng. Từ Thức nhân đi qua nghe câu chuyện, động lòng thương người đẹp, bèn cởi áo cừu đang mặc đưa cho nhà chùa để đền thay nàng. Hành động nghĩa hiệp và hiếu mỹ ấy mở đầu một mối tình lãng mạn vào bậc nhất trong văn chương dân gian Việt Nam.

Xét về phương diện tôn trọng pháp luật, Giáng Hương làm gãy cành mẫu đơn kia hẳn là do sơ ý, nhưng dẫu sao thì nàng cũng đã vi phạm lệ chùa, vô tình làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng nên đành chịu trói chờ bồi thường - tức là chấp nhận biện pháp chế tài. Quan tri huyện Từ Thức cũng chỉ có thể can thiệp bằng cách cởi áo của mình để cứu mỹ nhân, chứ không phải dùng quan hệ quyền lực mà xử lý tình huống, chẳng hạn như gặp lý trưởng và sư trụ trì đòi tha cho người có lỗi…

Sau này quá nhớ trần gian hạ giới, Từ Thức tìm đường về thăm quê, bậc hậu sinh hầu như không ai nhận ra ông, chỉ vài người cao tuổi trong làng bảo rằng từng nghe kể chuyện ông ngày xưa làm tri huyện ở địa phương một thời gian rồi bỗng dưng vô tăm tích. Người viết bài này không biết có ai trong số họ còn nghĩ về ông với tư cách là một quan chức đã có lần nêu gương thượng tôn pháp luật?

2 Bên cạnh tinh thần tôn trọng pháp luật, tính công bằng cũng luôn được đề cao. Vua Hùng Vương thứ sáu không muốn thiên vị ai giữa các hoàng tử nên đã tổ chức cuộc thi tài tìm người kế vị. Và qua truyền thuyết Bánh chưng bánh dầy, có thể thấy đề thi của vua Hùng thứ sáu là rất công bằng, tạo cơ hội ngang nhau cho mọi ứng viên: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Có thể nói đây thực chất là cuộc thi ý tưởng: Lang Liêu thắng cuộc, được vua cha đánh giá có ý nghĩa nhất là nhờ biết đưa tư duy vũ trụ trời tròn đất vuông vào nghệ thuật ẩm thực cung đình. Ngược lại, vua Hùng thứ mười tám tổ chức cuộc thi kén rể qua truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, dễ nhận ra sự bất cập trong đề thi của vua: “Hai người đều vừa ý ta cả, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Ngày mai, nếu ai đem đồ sính lễ đến đây trước: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, sẽ được rước dâu về”. Với đề thi này thì lợi thế cạnh tranh của Sơn Tinh là quá rõ ràng.

Tổ chức cho cả hai cùng thi tài là công bằng nhưng ra đề thi mà không tính tới thất thế nhãn tiền của Thủy Tinh lại là bất công, là mới công bằng một nửa. Việc Thủy Tinh ngay lúc ấy và năm nào cũng làm mưa làm bão, dâng nước lên đánh Sơn Tinh chủ yếu không phải vì chúa của vùng nước thẳm không cưới được mỹ nhân mà do chàng quyết không bao giờ chấp nhận cái đề thi bất công kia. Tất nhiên người đời sau có thể trách Thủy Tinh sao không sớm nhận ra hoặc sớm nhận ra nhưng lại cả nể không dám phản đối từ đầu để đòi bình đẳng cơ hội trong cuộc tranh tài.

Cảm nhận thông điệp của ông cha xưa về hậu họa dài lâu của sự thiên vị thiếu công bằng thông qua câu chuyện Vua Hùng thứ mười tám ra đề thi kén rể, người viết bài này thầm nghĩ phải chi hồi đó nhà vua cho hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh thi nhảy cao, ai nhảy cao hơn sẽ được làm chồng Mỵ Nương, bởi trong các môn thi đấu thể thao xưa nay thì duy chỉ môn nhảy cao là hầu như không có chỗ cho trọng tài thiên vị...

3 Văn học dân gian cũng đề cao nữ quyền - đồng nghĩa với ý thức dân chủ. Nhân vật Tiên Dung con gái vua Hùng thứ ba trong truyện cổ tích Chử Đồng Tử quyết tâm từ bỏ danh phận cao quý để chung sống với chàng dân chài họ Chử. Cả hai con người trẻ tuổi này đều cãi lại bậc sinh thành nhưng chỉ có sự bất tuân của nàng mới mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử một cô công chúa lá ngọc cành vàng dám bước qua lằn ranh giai cấp để tự mình kết nghĩa vợ chồng với anh phó thường dân nghèo khổ.

Nàng Thị Nhi trong Sự tích Táo quân có lẽ là nạn nhân sớm nhất của bạo lực gia đình mà dường như cũng là người vợ phản ứng quyết liệt nhất đối với anh chồng vũ phu: chỉ sau một lần bị Trọng Cao thượng cẳng chân hạ cẳng tay nàng đã bỏ nhà ra đi thật xa và sẵn sàng làm lại cuộc đời với người đàn ông khác… Như vậy, bên cạnh những phụ nữ cam chịu số phận mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, trong thế giới văn chương dân gian Việt Nam đã có không ít phụ nữ chủ động vượt lên định kiến để tìm lại lối đi riêng cho cuộc đời mình.

Xin nói thêm: xuất thân của Tiên Dung và Thị Nhi không giống nhau, cảnh ngộ của họ cũng khác nhau nhưng điểm chung giữa hai người phụ nữ này là dám chấp nhận từ bỏ sự ổn định đương có, dám chấp nhận dấn thân vào con đường phiêu lưu chưa thể hình dung hết - những cái dám mà theo tôi vẫn có thể làm sững sờ nhiều phụ nữ thời hiện đại.

Bùi Văn Tiếng
(Qua một số truyện cổ dân gian Việt Nam)

;
.
.
.
.
.