.
Ký sự Pháp đình

Mạng ảo, tổn thương thật!

.

Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nảy sinh từ mạng xã hội facebook, hai thiếu nữ trẻ đã hẹn gặp nhau ngoài đời, để rồi người mang thương tích 15%, người phải đối diện với những tháng ngày lao tù...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mâu thuẫn không đâu vào đâu

H.T.T.N và N.T.T.U (cùng ngụ quận Thanh Khê) vốn không quen biết nhau ngoài đời. Vì xích mích với một người, U. vào mạng xã hội facebook dò tìm trang cá nhân của người này. Do trùng tên, U. nhận lầm N. là người có mâu thuẫn với mình nên gửi tin nhắn chửi mắng N. trên facebook vào ngày 10-9-2014. Mặc dù N. nhiều lần khẳng định mình không biết U. nhưng U. vẫn không ngừng có những lời lẽ xúc phạm N. Bức xúc, N. cũng có lời qua tiếng lại với U.

Hôm sau, khi N. đang uống cà-phê với bạn thì nhận được tin nhắn của U. trên facebook hẹn gặp ở đường Trần Cao Vân. N. nhờ bạn đưa đến địa chỉ hẹn thì thấy U. ngồi chơi trong quán Internet. Quán đông, N. đứng ở ngoài gọi U. nhiều lần nhưng U. không ra mà ngồi bên trong chửi mắng.

Từ thế giới ảo, các em gặp nhau ở thế giới thật, dẫn đến sự việc đáng tiếc khi N. dùng dao lam rạch mặt U., gây thương tích 15%. “Trong cơn tức giận, bị cáo vào quán đánh U. Khi thấy U. và nhóm bạn U. định đánh trả, bị cáo hoảng sợ, lấy chiếc dao lam có sẵn trong người quơ qua quơ lại nhằm tự vệ, nhưng không ngờ rạch trúng mặt U. Con dao lam này bị cáo mới mua để sử dụng cho khách chứ không phải mua để dằn mặt U...”, N. lí nhí biện minh cho hành vi sai trái của mình tại phiên xử sơ thẩm do TAND quận Thanh Khê xét xử mới đây.

Trong khi đó, trước những câu hỏi của hội đồng xét xử, U. cúi mặt, lúng búng trả lời mà không ai có thể nghe rõ. Khi tòa hỏi về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, U. buông lửng lời đáp với điệp khúc “Dạ, dạ...”. Hỏi đã thấy cái sai của mình trong vụ án này chưa, U. im lặng, chỉ gật đầu. Vị hội thẩm nhân dân khuyên nhủ: “Cháu cũng nên nhìn nhận lại cái sai của mình để rút ra bài học. Từ đầu phiên tòa đến giờ, tôi để ý thấy cháu cứ bấm bấm điện thoại liên tục. Đến khi phiên tòa bắt đầu, không được dùng điện thoại nữa, bàn tay cháu vẫn cứ không ngừng nhịp nhịp trên mặt bàn. Tuổi của cháu còn nhỏ, cháu nên theo học một nghề nào đó, đừng nghiện game hay sa đà vào mạng xã hội mà đánh mất tương lai của mình, hối tiếc về sau...”.

Cha mẹ cũng... bó tay!

Thời điểm xảy ra vụ án, U. còn một tháng nữa mới tròn 15 tuổi, trong khi N. vừa bước qua tuổi 17 được 17 ngày. Gia đình của hai em đều thuộc diện nghèo, cha mẹ phải bươn chải kiếm cơm từng bữa, không dành nhiều thời gian để quản lý con cái. Trước sự buông lỏng quản lý của gia đình, U. và N. lêu lổng cùng bạn bè rồi sớm bỏ dở học hành.

Tòa hỏi mẹ của N.: “Hằng ngày, ông bà có chăm sóc, quản lý, giáo dục con cái không?”. “Cháu thi lớp 10 không đậu nên nghỉ học, mới đi học nghề làm tóc cách đây không lâu. Cha cháu khuyết tật, một mình tui tất bật đi làm, xoay xở tiền ăn học cho cháu với chị cháu, cũng không có nhiều thời gian dành cho con. Cha cháu cũng có bảo ban, khuyên nhủ nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, chúng tôi biết làm sao. Cháu không ở nhà thì thôi, chứ ở nhà là suốt ngày cắm mặt vào điện thoại chơi cái gì đó, mà chúng tôi thì không rành. Thôi thì, “con dại, cái mang”...”, người mẹ thở dài thườn thượt.

Trong khi đó, tâm sự với chúng tôi lúc tòa nghị án, mẹ của U. cho hay, mới học đến lớp 8, U. nghiện game rồi nằng nặc đòi nghỉ học. “Hắn nghỉ học, ở nhà chơi game miết. Tui giục ba lần bảy lượt, hắn mới chịu đi làm ở quán cà-phê. Mà hắn đi làm mấy chỗ rồi nhưng không chỗ mô làm được. Cứ tới chỗ làm là hắn ngồi chơi điện thoại miết...”, mẹ của U. kể.

Rồi bà phân trần: “Cha hắn làm nghề xây dựng, đi miết, có mỗi tui buôn bán lặt vặt ở nhà rồi coi sóc 3 đứa nhỏ. Nhưng mà nói thì hắn không nghe. Mình là cha mẹ phải quản lý con chớ, nhưng đâu có quản lý hết được. Nhất là mấy thứ công nghệ thông tin của tụi nó, mình đâu có rành, đâu có biết sử dụng mà kiểm soát...”.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm tuyên phạt N. 12 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

Những tưởng cả bị cáo lẫn bị hại sẽ rút ra bài học sâu sắc sau vụ án này. Vậy mà, vừa vãn phiên tòa, U. đã vội vàng lấy điện thoại ra hí hoáy, bỏ ngoài tai lời cằn nhằn của mẹ. Còn N. vội vàng rời đi, để lại người mẹ khắc khổ với cái nhìn trĩu nặng nỗi buồn cùng chiếc xe máy còn thừa một khoảng trống phía sau...

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.